Quyết tâm xóa mù chữ để về giúp dân bản

GD&TĐ - Nghe lời thầy, nếu biết chữ, có tri thức sẽ làm chủ cuộc đời, có thể giúp được nhiều người, Cao Xuân Long đã quyết xóa mù chữ về giúp dân bản.

Anh Cao Xuân Long (áo trắng) cùng cán bộ Biên phòng đi thăm dân bản. (Ảnh: CTV)
Anh Cao Xuân Long (áo trắng) cùng cán bộ Biên phòng đi thăm dân bản. (Ảnh: CTV)

Tìm con chữ khi cái bụng chưa no

Sinh năm 1996, tuổi thơ của anh Cao Xuân Long (dân tộc Chứt, bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) không được may mắn, khi anh lên 10 tuổi thì bố qua đời. Anh cùng 7 đứa em nheo nhóc khác mưu sinh khó khăn bên người mẹ suốt ngày đau yếu.

Như bạn bè và những con người Rục khác, khi được thầy cô, chính quyền vận động đến lớp để học tập, xóa mù chữ, Cao Xuân Long từng suy nghĩ không biết đi học để làm gì. Cũng vì thế mà những người bạn cùng trang lứa với Long ở trong bản lần lượt bỏ học để theo bố mẹ vào rừng bẻ củi, hái măng kiếm cái ăn qua ngày.

Anh Long nhớ lại: “Trong lúc mình đang phân tâm có nên bỏ học để theo bạn bè đi kiếm cái ăn thì được thầy động viên nếu biết chữ, có tri thức sẽ làm chủ cuộc đời, có thể giúp được nhiều người nên mình đã quyết tâm học tiếp".

Khi đã quyết tâm, bất kể nắng mưa, giá rét, thường xuyên rời nhà với cái bụng không no nhưng cậu học trò Long vẫn đến trường không sót ngày nào khiến cho ai trong bản cũng phải thán phục.

Nhiều người trong bản vẫn còn nhớ, có hôm đi học về đói quá, Long hái trái cây rừng ăn bị ngộ độc ngất dưới suối, may nhờ bà con phát hiện kịp mới cứu được mạng sống từ tay thần chết.

Anh Cao Xuân Long là người đảm trọn “ba vai” ở Mò O Ồ Ồ. (Ảnh: Tiến Thành)

Anh Cao Xuân Long là người đảm trọn “ba vai” ở Mò O Ồ Ồ. (Ảnh: Tiến Thành)

Học hết Tiểu học, Cao Xuân Long phải xa nhà gần 30 cây số để lên phố huyện học Trung học cơ sở. Ở huyện, Đảng và Nhà nước đã lo cho cái ăn, ấm cái bụng nhưng nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ và các em cũng làm cho Long nhiều lần lung lay suy nghĩ hay bỏ học như các bạn để về còn giúp gia đình. Nhưng mỗi lần như vậy lại nhớ lời thầy dặn nên vững tâm theo học cho đến khi hoàn thành Chương trình Phổ thông trung học vào năm 2013.

Từng bước giúp dân bản thoát nghèo

Tốt nghiệp Trường PTDT nội trú tỉnh Quảng Bình, cầm trên tay tấm bằng lớp 12 thuộc “hàng hiếm” của đồng bào Rục, chàng trai trẻ đã có quyết định đầy bản lĩnh: Về quê lập nghiệp, dẫu biết rằng, vùng đất giáp biên Thượng Hóa này còn đầy rẫy khó khăn, vất vả.

Trẻ, năng động, lại “nhiều chữ”, Long sớm trở thành đoàn viên thanh niên tiên phong ở bản Mò O Ồ Ồ. Nhận thấy tố chất “đặc biệt” của Long, năm 2016, Đoàn xã bồi dưỡng, giới thiệu Long cho Chi bộ kết nạp Đảng khi mới 21 tuổi.

Nhớ lại những giây phút tuyên thệ, Long vẫn run run xúc động: “Mình không thể nào quên được khoảnh khắc thiêng liêng ấy. Cũng từ đó, mình nhận thức được trách nhiệm lớn của một người đảng viên trước Đảng, trước dân bản. Những năm tháng vừa qua, mình đã không hối tiếc về những lời tuyên thệ trước cờ Đảng”.

Xác định rõ mục tiêu, Long đã không ngừng nỗ lực cố gắng và nhận được sự tín nhiệm cao từ bà con bản Mò O Ồ Ồ, cũng như sự tin tưởng của Đảng bộ xã Thượng Hóa. 3 năm sau, Long được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ, Trưởng bản và Trưởng ban Công tác Mặt trận bản.

“Đấy là Bí thư Chi bộ trẻ tuổi nhất, được việc nhất. Chúng tôi rất tin tưởng và kỳ vọng lớn ở cậu ấy. Qua thời gian, chúng tôi thấy Long ngày càng chín chắn, trưởng thành hơn. Dẫu còn trẻ tuổi nhưng rất nhiều vụ việc bất hòa ở bản, cậu ấy đã hòa giải thành công”, Bí thư Đảng bộ xã Thượng Hóa Cao Thanh Biên nhận xét.

Không phụ tấm lòng tin yêu của mọi người, Long ngày càng cố gắng vươn lên, phát huy tấm lòng nhiệt huyết, nổ lực hơn trong vai trò lãnh đạo cùng đồng bào trong bản làng nâng cao sản xuất, chăn nuôi, xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống. Chỉ trong vài năm dưới sự lãnh đạo của Long bản Mò O Ồ Ồ đã có có nhiều đổi mới, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao, trở thành điển hình ở xã Thượng Hóa, huyện miền núi Minh Hóa. Nếu trước đây, cả bản Mò O Ồ Ồ có tới 78/78 hộ đều thuộc diện nghèo, thì nay đã giảm xuống còn 34 hộ.

Với những thành tích đóng góp của mình, Cao Xuân Long đã nhận được nhiều bằng khen có giá trị nhưng có lẽ với anh, ghi nhận của bà con đồng bào Rục ở Bản Mò O Ồ Ô quê hương anh là gây xúc động nhất. Anh Long tâm sự: “Để đạt được kết quả như hôm nay không thể phủ nhận được việc học tập, bên cạnh việc giúp bà con phát triển kinh tế, mình sẽ thường xuyên đẩy mạnh công tác xóa mù chữ cho bà con dân bản”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.