Hiệu quả từ các lớp xóa mù chữ cho đồng bào vùng biên giới Quảng Trị

GD&TĐ - Qua thời gian triển khai, các lớp xóa mù chữ đã giúp học viên đồng bào Pa Kô, Vân Kiều từng mù chữ, tái mù có thể biết đọc, viết, tính toán.

Lớp xóa mù chữ được triển khai tại các xã vùng biên giới, huyện Hướng Hóa.
Lớp xóa mù chữ được triển khai tại các xã vùng biên giới, huyện Hướng Hóa.

Hạnh phúc khi được biết chữ

Nhằm góp phần nâng cao trình độ dân trí, phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cho đồng bào miền núi, biên giới, trong những năm qua, Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) đã phối hợp chính quyền địa phương khai giảng các lớp dạy chữ cho người dân.

Những lớp học này góp phần tăng số người biết chữ, nâng cao trình độ dân trí, nhận thức của người dân cũng như giảm tỷ lệ người biết chữ không bị mù chữ trở lại.

Là người Lào nhưng lấy chồng và nhập quốc tịch Việt Nam từ năm 2019, chị Hồ Thị Dĩ (30 tuổi, thôn A Dơi Đớ, xã A Dơi) là một trong những học viên tích cực tham gia lớp học xóa mù do Trường Tiểu học và THCS A Dơi tổ chức. Từ chỗ không biết chữ, đến nay, sau gần 8 tháng tham gia lớp học, chị Dĩ đã biết viết, có thể đọc thành thạo cũng như tính toán đơn giản.

Chị Dĩ cho biết: “Tôi muốn tham gia lớp xóa mù để có thể đọc, viết cũng như tính toán cơ bản phục vụ cho cuộc sống cũng như nuôi dạy con cái. Những ngày đầu đi học chữ còn nhiều lúng túng, nhưng bây giờ tôi đã có thể viết, đọc thành thạo”.

Anh Hồ Văn Teng (35 tuổi, thôn A Dơi Đớ, xã A Dơi) nhà nghèo, đông anh em, cuộc sống gia đình khó khăn nên phải bỏ học từ sớm. Suốt ngày quần quật làm việc với nương rẫy, những con chữ cũng dần rời xa khiến anh tái mù chữ. Biết tin Trường Tiểu học và THCS A Dơi mở lớp xóa mù anh mạnh dạn đăng ký tham gia.

“Vì không biết chữ nên trước kia nhiều lúc giải quyết những việc liên quan đến giấy tờ tôi không biết viết tên hay kí được mà phải lăn tay. Những lúc ấy, tôi thấy rất tủi thân và ngại ngùng vô cùng. Chính điều đó là động lực để tôi tham gia lớp học xóa mù chữ”, anh Teng chia sẻ.

Đến bây giờ, anh Teng có thể viết được tên mình, đọc được và làm các phép toán cơ bản. Anh thấy rất vui và hạnh phúc vì điều đó.

Được triển khai từ năm 2019 đến nay, Chương trình mở các lớp xóa mù chữ của huyện Hướng Hóa được thực hiện ở các xã vùng biên giới, khó khăn như Hướng Lập, A Dơi, Ba Tầng, xã Xy, xã Lìa, xã Thanh…

Các lớp học chủ yếu dành cho đồng bào Vân kiều và Pa Cô. Học viên tập trung ở độ tuổi từ 15 đến dưới 60 tuổi, mù chữ hoặc tái mù chữ.

Biết chữ, người dân tiếp cận thông tin dễ dàng hơn

Thầy giáo Hồ Sỹ Chẩm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS A Dơi cho biết: Khó khăn lớn nhất trong công tác tổ chức xóa mù chữ cho đồng bào chính là việc tuyên truyền, vận động người dân đến lớp. Thời gian học chủ yếu vào buổi tối, sau một ngày lao động vất vả. Việc duy trì thời gian học vào mỗi ngày sẽ khó thực hiện nếu học viên không kiên trì.

Lớp học xóa mù do trường tổ chức được bắt đầu từ tháng 4, kết thúc vào giữa tháng 12/2023. Lớp học có 26 học viên từ 26 đến dưới 60 tuổi, là người Vân Kiều và Pa Cô ở thôn A Dơi Đớ. Học viên trong lớp chia làm hai đối tượng mù chữ và tái mù.

“Nhà trường cắt cử 3 giáo viên luân phiên dạy Toán, Tiếng Việt để bà con có thể nắm được kiến thức cơ bản. Bên cạnh đó, trường cũng phối hợp với Hội phụ nữ và Đồn Biên phòng Ba Tầng tổ chức lồng ghép tuyên truyền, phổ biến kiến thức về pháp luật, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để bà con được biết. Đến nay, sau gần 8 tháng tổ chức lớp học, hầu hết học viên đều nắm được kiến thức cơ bản xóa mù giai đoạn 1”, thầy Chẩm cho hay.

Trong năm 2023, Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa phối hợp với các Đồn Biên phòng, Hội phụ nữ, chính quyền các địa phương mở được 9 lớp xóa mù chữ cho 210 học viên. Lớp học được tổ chức 5 buổi/tuần, chủ yếu vào các buổi tối.

Sau một ngày làm việc vất vả trên rẫy, trên nương, bà con lại hồ hởi rủ nhau đến lớp học. Dường như sự bận bịu không ngăn được niềm khao khát học chữ của những “học trò” đặc biệt này.

Những lớp học đầy ắp tiếng cười. Tiếng đánh vần, tập đọc vang lên giữa núi rừng đã thắp sáng niềm tin, ước mơ và hạnh phúc cho bà con nơi đây.

Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa phối hợp các địa phương, trường học khai giảng các lớp dạy xóa mù chữ.

Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa phối hợp các địa phương, trường học khai giảng các lớp dạy xóa mù chữ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa cho biết, việc tổ chức các lớp phổ cập giáo dục, xóa mù chữ là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng năm nhằm góp phần nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Qua thời gian triển khai, đến nay các lớp học phát huy được hiệu quả trong nâng cao trình độ dân trí cho bà con vùng biên giới. Học viên từng mù chữ, tái mù giờ đây có thể biết đọc, viết, tính toán. Biết chữ, người dân tiếp cận thông tin dễ dàng hơn.

Đặc biệt, người dân đã có ý thức trong việc làm các thủ tục, giấy tờ cá nhân như Giấy khai sinh cho con, Căn cước công dân; biết ký tên trong các giấy tờ thay vì lăn tay như trước đây…

Trong năm 2024, Phòng GD&ĐT Hướng Hóa sẽ tiếp tục triển khai các lớp học xóa mù giai đoạn 2, qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả của Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Hướng Hóa giai đoạn 2021-2025.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.