Lớp học xóa mù chữ giữa núi rừng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - 19 giờ, lớp học chữ ở thôn Vằng Doọc sáng ánh điện, các học viên đã có mặt đầy đủ, tiếng đánh vần vang lên giữa núi rừng.

Lớp học xóa mù chữ trên bản người Mông.
Lớp học xóa mù chữ trên bản người Mông.

Sáng đèn lớp học xoá mù chữ

Để giúp bà con dân tộc Mông ở các thôn bản thuộc xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn biết đọc, biết viết và làm những phép tính đơn giản, Trường Tiểu học Bình Trung đã mở lớp học xóa mù chữ cho bà con nơi đây. Và cứ mỗi tối, lớp học xóa mù chữ lại sáng đèn, mang theo con chữ và tình người sâu đậm của thầy giáo quân hàm xanh đến với bà con dân tộc Mông ở miền non cao.

Theo đó, Bình Trung là xã đặc biệt khó khăn thuộc phía nam huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn cách trung tâm huyện lị hơn 30 cây số. Xã có 15 thôn, bản với 807 hộ/3.458 nhân khẩu và có 6 dân tộc cùng chung sống, gồm: Kinh, Tày, Dao, Mông, Nùng, Sán Chí, mỗi dân tộc đều có phong tục tập quán riêng. Trường Tiểu học Bình Trung có 1 điểm chính và 3 điểm lẻ (điểm gần nhất cách trung tâm 7km, điểm xa nhất 14 km) giao thông chủ yếu là đường đất nên việc đi lại rất vất vả khi mùa mưa đến.

Năm 2019 và 2020 đã mở được 2 lớp tại thôn Vằng Doọc và Thôn Bản Ca với 28 học viên (nhưng do lúc đó chưa cập nhật các văn bản về chế độ chính sách nên giáo viên và học viên tham gia trên tinh thần tự nguyện). Năm 2022 Trường Tiểu học Bình Trung phối hợp với Trung Tâm học tập cộng đồng xã mở được 01 lớp xóa mù chữ tại thôn Khuổi đẩy với 26 học viên. Lớp học này đã kết thúc với 100% học viên hoàn thành khóa học.

Tháng 9 năm 2023 nhà trường tiếp tục phối hợp với Trung tâm học tập Cộng đồng mở thêm được 3 lớp gồm 1 lớp tại thôn Bản Pèo với 17 học viên và 2 lớp Vằng Doọc với 45 học viên. Toàn bộ học viên đều là người dân tộc Mông. Các lớp học được tổ chức giảng dạy vào khung giờ từ 19 giờ đến 21 giờ hàng ngày và cả ngày Thứ bảy.

Lớp học được tổ chức tại thôn Vằng Doọc với 45 học viên trong đó toàn bộ các học viên đều là dân tộc Mông.

Lớp học được tổ chức tại thôn Vằng Doọc với 45 học viên trong đó toàn bộ các học viên đều là dân tộc Mông.

Âm vang tiếng đánh vần giữa núi rừng

Cứ mỗi tối, lớp học xóa mù chữ tại thôn Vằng Doọc sáng ánh điện. Lớp học có nhiều học viên ở các lứa tuổi, nhiều gia đình cả mẹ, cả bố cùng tới lớp, địu theo cả con nhỏ để kịp giờ đến lớp. Cũng có học viên tuổi đã cao, mắt đã kém, nhưng vẫn quyết tâm học con chữ, cứ đến tối, tại điểm trường của thôn Vằng Doọc lại vang lên tiếng đánh vần ngọng nghịu, phá tan không gian vốn tĩnh lặng của bản vùng cao. Những khuôn mặt sạm nắng, những bàn tay chai sần chỉ quen cầm cuốc, tra ngô, nay xòe ra làm phép tính đơn giản hoặc vụng về cầm bút tô từng nét chữ chưa tròn, nhưng ai cũng miệt mài, mong học được “cái chữ”.

Cô giáo Nguyễn Thị Hải, giáo viên trường Tiểu học Bình Trung, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn cho biết: Ban đầu, khi mới mở lớp học xóa mù chữ, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn, vì đa số những người mù chữ trong bản đều là lao động chính của gia đình, hằng ngày phải lên nương, làm rẫy đến tối mịt mới về nên rất khó bố trí thời gian học cho ổn định. Bên cạnh đó, bà con hầu hết là người dân tộc Mông, hàng ngày chỉ quen giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ, nên phát âm rất khó khăn và không quen cầm bút bao giờ nên rất khó viết...

Tuy khó khăn là vậy, nhưng các thầy cô giáo vẫn luôn kiên trì, nỗ lực cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình, tích cực làm tốt công tác vận động, tuyên truyền để các học viên hiểu về tầm quan trọng trong việc học chữ.

Bên cạnh đó, các thầy cô giáo còn kết hợp với các già làng, trưởng bản và những trưởng họ đạo để đi đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà để thuyết phục, vận động từng người đi học. Từ sự vận động đó, bà con trong thôn Vằng Doọc đã thấy được ý nghĩa, sự cần thiết phải biết chữ phổ thông nên đã nhiệt tình tham gia lớp học.

Không phụ lòng tận tâm, tận lực của các thầy cô giáo sau một thời gian học hành chăm chỉ, đến nay, đa số học viên lớp học xóa mù chữ đã biết viết, biết đánh vần, một số học viên đã có thể đọc các đoạn văn ngắn, làm được phép tính cộng trừ với 2 chữ số. Các học viên sau khi tham gia lớp học đều phấn khởi, vui mừng và có niềm tin vào một tương lai tốt đẹp hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ