Những câu hỏi, bài tập này sẽ kích thích được tính chủ động, sáng tạo của học sinh trong chuẩn bị bài ở nhà và tham gia vào các hoạt động trên lớp.
Quy trình 5 bước
Quy trình 5 bước được cô Tô Thị Thắm chia sẻ như sau:
Bước 1:
Đầu tiên, giáo viên cần phân tích mục tiêu của chương, bài để định hướng cho việc thiết kế bài tập.
Cùng với đó, nghiên cứu kỹ nội dung các tài liệu giáo khoa, tài liệu tham khảo về nội dung hóa học và ứng dụng hóa học của các chất trong thực tiễn, tìm hiểu các công nghệ, nhà máy sản xuất có liên quan đến nội dung của bài.
Cần nghiên cứu đặc điểm trình độ nhận thức của học sinh, kinh nghiệm sống của học sinh để thiết kế bài tập thực tiễn phù hợp, tạo hứng thú cho học sinh khi giải các bài tập đó.
Bước 2:
Ở bước 2, giáo viên bắt tay vào thiết kế bài tập thực tiễn phù hợp với những yêu cầu ở bước 1. Sau đó, giáo viên cần giải và kiểm tra lại bài tập thực tiễn. Dự kiến các cách giải của từng bài tập, dự kiến các cách giải của học sinh, dự kiến những sai lầm dễ mắc của học sinh trong quá trình giải và đưa ra cách khắc phục.
Bước 3:
Dự kiến thời điểm và phương pháp sử dụng để đạt hiệu quả cao nhất.
Bước 4:
Triển khai sử dụng bài tập thực tiễn trong dạy học hóa học
Bước 5:
Bước cuối cùng là chỉnh lý hoàn thiện bài tập thực tiễn. Ở bước này, giáo viên dựa vào hệ thống câu hỏi, bài tập, sử dụng một cách linh hoạt trong giảng dạy, kiểm tra, đánh giá sao cho đạt hiệu quả cao nhất và định hướng phát triển năng lực học sinh một cách tối ưu nhất.
Với dạng câu hỏi, bài tập gắn với đời sống thực tiễn thì cấu trúc của câu hỏi gồm:
Tiêu đề (tiêu đề tình huống thực tiễn); Phần dẫn (mô tả tình huống cần giải quyết); Câu hỏi (có thể là 1 hoặc nhiều câu hỏi).
Cô giáo Tô Thị Thắm và học sinh |
Phân loại câu hỏi, bài tập theo định hướng phát triển năng lực
Chia sẻ kinh trong phân loại câu hỏi, bài tập theo định hướng phát triển năng lực của cô Tô Thị Thắm như sau:
Dựa vào hình thái hoạt động của học sinh khi giải bài tập, có bài tập lý thuyết, bài tập thực nghiệm.
Dựa vào tính chất của bài tập có bài tập định tính (giải thích các hiện tượng, tình huống nảy sinh trong thực tiễn; lựa chọn hoá chất cần dùng phù hợp với thực tiễn; nhận biết, tách, làm khô, tinh chế, đề ra phương hướng để cải tạo thực tiễn...); bài tập định lượng (tính lượng hoá chất cần dùng, pha chế dung dịch...); bài tập tổng hợp (gồm cả kiến thức định tính lẫn định lượng).
Dựa vào lĩnh vực thực tiễn được gắn với nội dung bài tập có: Bài tập về sản xuất hoá học; bài tập về các vấn đề trong đời sống, học tập và lao động sản xuất; bài tập có liên quan đến môi trường và vấn đề bảo vệ môi trường.
Dựa vào mức độ nhận thức của học sinh có các loại bài tập:
Mức 1: Chỉ yêu cầu học sinh tái hiện kiến thức để trả lời câu hỏi lí thuyết.
Mức 2: Yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức để giải thích được các sự kiện, hiện tượng của câu hỏi lí thuyết.
Mức 3: Yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức hoá học để giải thích những tình huống xảy ra trong thực tiễn.
Mức 4: Yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức, kĩ năng hoá học để giải quyết những tình huống thực tiễn hoặc để thực hiện một công trình nghiên cứu khoa học nhỏ, đơn giản, đề ra kế hoạch hành động cụ thể, viết báo cáo.
Ngoài ra, có nhiều bài tập thực tiễn lại là tổng hợp của rất nhiều loại bài.
Học sinh đồng thời sẽ định hướng được các kiến thức hóa học một cách tổng hợp; ý thức rõ ràng về loại kiến thức hóa học đó được ứng dụng trong các lĩnh vực gì, ngành nghề gì trong cuộc sống. Đồng thời, tìm mối liên hệ và giải thích được các hiện tượng trong tự nhiên...