Những công tác cơ bản trong thí nghiệm Hóa học

GD&TĐ - Chia sẻ về những công tác cơ bản trong thí nghiệm Hóa học dưới đây của cô Tô Thị Thắm - giáo viên Trường THPT Tam Nông (Phú Thọ) – giúp giáo viên sử dụng có hiệu quả các thí nghiệm chứng minh và thực hành trong dạy học Hóa học lớp 11.

Những công tác cơ bản trong thí nghiệm Hóa học

1. Lắp ống dẫn khí và đậy nút

Lưu ý của cô Tô Thị Thắm ống thủy tinh lắp vào nút cần phải hơi lớn hơn lỗ khoan một ít. Nếu lỗ khoan nhỏ quá thì dùng giũa tròn hay dùi đã được đốt nóng làm rộng thêm.

Trước khi lắp vào nút có thể nhúng ống thủy tinh vào nước cho dễ lắp. Để ống thủy tinh không bị gãy và không làm đứt tay, nên cầm ống gần sát phía đầu ống lắp vào nút và xoay cho ống vào nút dần dần.

Khi đậy nút vào lọ hoặc ống nghiệm cũng phải cầm hẳn vào cổ lọ hoặc miệng ống nghiệm ở phía gần nút, phải xoay nút vào dần dần.

2. Lắp dụng cụ thí nghiệm

Trước khi lắp dụng cụ thí nghiệm, cô Tô Thị Thắm lưu ý cần phải phác họa sơ đồ dụng cụ, thống kê các dụng cụ cần thiết. Cần lắp các dụng cụ đơn giản trước, hình thức bên ngoài gọn đẹp.

Sau khi lắp xong, cần thử xem dụng cụ đã kín chưa, nhất là các dụng cụ có chất khí tham gia.

3. Rửa bình, lọ thủy tinh

Về hoạt động này, cô Tô Thị Thắm đưa ra 2 cách:

Cách rửa cơ học: Dùng nước lạnh hoặc nước nóng và chổi rửa.

Cách rửa hóa học: Có thể rửa bằng các hóa chất hòa tan kết tủa; rửa bằng các dung môi hữu cơ như ete, xăng, …

4. Sử dụng các dụng cụ thủy tinh

Khi đun nóng các dụng cụ thủy tinh, cô Tô Thị Thắm cho biết cần phải đun từ từ và đều. Không được đun nóng các dụng cụ thủy tinh có thành dày và các dụng cụ có chia độ, cũng như không được rót nước nóng vào các dụng cụ đó.

Đặc biệt, không được đựng dung dịch kiềm đặc hoặc axit đặc trong các bình thủy tinh mỏng.

5. Bảo quản hóa chất

Cô Tô Thị Thắm nhấn mạnh: Phải có tủ đựng hóa chất. Người ta thường đặt các axit ở thể lỏng ở ngăn cuối cùng của tủ để khi lấy ra được dễ dàng, không nên để nhiều và tập trung ở trong phòng thí nghiệm các hóa chất dễ bắt lửa.

Các hóa chất dễ bay hơi, dễ tác dụng với oxi, khí cacbonic và hơi nước cần đựng vào những lọ có nút cao su hoặc nút nhám, bên ngoài có tráng một lớp farafin.

Những hóa chất dễ bị ánh sáng tác dụng cần được đựng vào lọ có màu để vào chỗ tối hoặc bọc kín bằng giấy màu đen.

Các hóa chất độc cần phải để trong tủ có khóa. Cần có nhãn ghi công thức và nồng độ của các hóa chất.

6. Bảo hiểm trong thí nghiệm

Cô Tô Thị Thắm lưu ý: Khi làm thí nghiệm với các khí độc phải lắp dụng cụ thu và hủy toàn bộ khí không được để thoát ra ngoài.

Không được tiếp xúc với hóa chất bằng tay mà phải dùng các dụng cụ hợp lí để lấy hóa chất.

Khi sử dụng các hóa chất dễ ăn da phải cẩn thận không được để dây vào da, quần áo.

Với các chất dễ bắt lửa nên dùng với lượng nhỏ, phải để xa lửa khi rót các hóa chất này và khi đun nóng phải đun cách thủy không được đun trực tiếp.

7. Cách cứu chữa khi gặp tai nạn và phương pháp cấp cứu ban đầu

Cô Tô Thị Thắm chia sẻ kinh nghiệm: Khi bị thương nhẹ phải dùng bông thấm màu rồi dùng bông bôi thuốc sát trùng, nếu bị thương chảy máu nhiều phải gọi ngay cho nhân viên y tế làm ga-rô. Trong khi chờ đợi phải dùng dây buộc chặt ngay phía trên vết thương.

Khi bị bỏng do nóng cần đắp ngay bông có tẩm dung dịch 1% thuốc tím vào vết bỏng. Nếu bị bỏng axit, phải dội nước rửa nhiều lần, sau đó dùng dung dịch 10% NaHCO3 để rửa còn bỏng kiềm thì dùng dung dịch 5% axit axetic, không được rửa bằng xà phòng.

Khi bị bỏng photpho, phải nhúng ngay vết thương vào dung dịch thuốc tím hay dung dịch 10% AgNO3 hoặc dung dịch 5% CuSO4.

Nếu bị bỏng brom thì phải dội nước rửa ngay, rồi rửa lại bằng dung dịch NH3 sau đó rửa bằng dung dịch 5% Na2S2O3 sau đó bôi vadơlin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ