Các ý kiến đề xuất nghiên cứu, xem xét lại dựa trên tiêu chí, nhu cầu, năng lực cá nhân nhưng cũng không nên cào bằng.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi (đại biểu Quốc hội đoàn TP Hải Phòng): Không nên ràng buộc bởi tuổi nghỉ hưu
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi. Ảnh: QH |
Giáo sư, phó giáo sư là đội ngũ trí thức có trình độ chuyên môn và uy tín cao, lực lượng lao động đặc thù. Vì thế, việc kéo dài thời gian làm việc đối với đội ngũ này khi đủ tuổi nghỉ hưu là chính sách đúng đắn, phù hợp thực tiễn Việt Nam. Tuy nhiên, chính sách này nên áp dụng linh hoạt dựa trên nhu cầu cá nhân và đặc thù của từng ngành, lĩnh vực. Theo đó, những ai đủ điều kiện sức khỏe, thời gian, năng lực có thể được lựa chọn phương án ở lại làm việc hay nghỉ hưu. Nghĩa là, Nhà nước nên có chính sách linh hoạt, tạo thuận lợi với nhiều phương án lựa chọn.
Cơ chế tự chủ cho phép các cơ sở giáo dục đại học không chỉ tự chủ về tài chính mà còn cả về nhân lực, đội ngũ cán bộ. Theo thông lệ quốc tế, tuổi nghỉ hưu chỉ áp dụng đối với đội ngũ lãnh đạo, quản lý cấp cao. Phần lớn giáo sư, phó giáo sư vẫn tiếp tục đảm nhiệm công việc chuyên môn, nghiên cứu, giảng dạy, không/ít bị ràng buộc bởi tuổi nghỉ hưu. Do đó, nên có sự linh hoạt để các trường tự quyết trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao như giáo sư, phó giáo sư về giảng dạy cho phù hợp với chiến lược, sự phát triển.
Theo tôi, nên có chính sách linh hoạt đối với vấn đề này, đặc biệt các ngành đặc thù, khoa học cơ bản. Nên tạo điều kiện để các giáo sư, phó giáo sư, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nghiên cứu khi còn khả năng được tiếp tục làm việc, cống hiến và đào tạo thế hệ kế cận. Với những ai không có nhu cầu, không đủ điều kiện sức khỏe, năng lực có thể giải quyết theo chính sách hưu trí.
PGS.TS Dương Xuân Sơn - Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội): Nên theo thông lệ quốc tế
PGS.TS Dương Xuân Sơn. Ảnh: ITN |
Theo Nghị định số 50/2022/NĐ-CP ngày 2/8/2022 “Quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập” (Nghị định 50), việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức có học hàm giáo sư, phó giáo sư không quá 5 năm, tính từ thời điểm viên chức đủ tuổi nghỉ hưu theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 của Chính phủ.
Trong khi đó, trước đây Nghị định số 141/2013/NĐ-CP quy định, giáo sư, phó giáo sư được ký hợp đồng kéo dài thời gian làm việc thêm 7 – 10 năm.
Thực tế cho thấy, giáo sư, phó giáo sư là đội ngũ trí thức có trình độ chuyên môn và uy tín cao. Đây là nguồn nhân lực quý cần trọng dụng và tạo điều kiện, môi trường làm việc để đội ngũ trí thức này có “đất dụng võ”. Do đó, Nghị định 50 cho phép kéo dài tuổi công tác với đội ngũ giáo sư, phó giáo sư cần thiết và phù hợp.
Tôi được biết, trên thế giới, giáo sư, phó giáo sư được phép làm việc đến hết khả năng có thể. Vì thế, có giáo sư, phó giáo sư trên 70 tuổi, thậm chí ngoài 80 tuổi vẫn làm việc mẫn cán và có nhiều đóng góp cho xã hội. Vì thế, tôi cho rằng, nếu giáo sư, phó giáo sư còn sức khỏe, đủ năng lực và tâm huyết, yêu nghề vẫn có thể làm việc và không chịu sự ràng buộc bởi quy định về tuổi nghỉ hưu; nghĩa là họ làm việc, cống hiến không giới hạn số tuổi (tùy theo nhu cầu cá nhân và đơn vị công tác).
Muốn vậy, các quy định không “cứng và đóng khung” về tuổi nghỉ hưu đối với các giáo sư, phó giáo sư. Thay vào đó nên có độ mở, linh hoạt theo hướng tiệm cận với thông lệ quốc tế. Đây cũng là giải pháp để thu hút nhân tài cho các ngành, lĩnh vực, nhất là những ngành khoa học cơ bản.
Tuy nhiên, để có thể kéo dài thời gian làm việc với giáo sư, phó giáo sư, chúng ta không nên “cào bằng” trong các ngành/ lĩnh vực và tất cả đối tượng. Ngoài tiêu chí, tiêu chuẩn chung, với mỗi ngành/ lĩnh vực nên có tiêu chí tương ứng cụ thể. Chẳng hạn như: Hiệu quả công việc (KPI), sức khỏe, nhu cầu của cá nhân, đơn vị…
PGS.TS Đậu Xuân Cảnh – nguyên Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam: Sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn
PGS.TS Đậu Xuân Cảnh. Ảnh: NVCC |
Theo tôi, nên chăng nghiên cứu lại Nghị định số 50 về việc kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với giáo sư, phó giáo sư. Trường hợp cần thiết thì sửa đổi, bổ sung quy định để phù hợp với thực tiễn khách quan.
Những người đủ sức khỏe, có năng lực và mong muốn tiếp tục cống hiến nên có cơ chế mở phát huy khả năng làm việc. Chúng ta đang “chiêu hiền đãi sĩ”, vậy tại sao không trọng dụng các giáo sư, phó giáo sư, những người hiền tài (nếu như họ vẫn còn khả năng, tâm huyết và đủ sức khỏe)? Đây cũng là giải pháp chống “chảy máu chất xám” nội ngành và đất nước.
Hiện, nhiều ngành/ lĩnh vực, nhất là khoa học cơ bản có số lượng giáo sư, phó giáo sư còn khiêm tốn. Trong khi nhiều giáo sư, phó giáo sư dù hết tuổi lao động, được nghỉ hưu nhưng còn đủ sức khỏe, minh mẫn để tiếp tục giảng dạy, nghiên cứu, dẫn dắt các nhà khoa học trẻ. Tuy nhiên, vì quy định liên quan đến tuổi nghỉ hưu nên họ phải nghỉ. Nếu muốn tiếp tục làm việc phải chuyển ra các đơn vị ngoài công lập hoặc cộng tác với tổ chức nước ngoài. Điều này vô hình trung dẫn đến chảy máu chất xám.
Vẫn biết, chính sách về tuổi nghỉ hưu thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Nhà nước với người lao động. Song, làm sao để chính sách này được thực hiện hợp lý, hài hòa giữa quyền, lợi ích của người lao động với đơn vị sử dụng, nhất là với các giáo sư, phó giáo sư. Trong bối cảnh chưa thể thay đổi về quy định tuổi nghỉ hưu cao hơn đối với viên chức giáo sư, phó giáo sư, thiết nghĩ Nhà nước nên có thêm các chính sách để thu hút đội ngũ này cống hiến lâu dài.
Theo Nghị định 50, chế độ, chính sách đối với viên chức nghỉ hưu ở tuổi cao hơn gồm: Được xác định là viên chức nằm trong tổng số lượng người làm việc của đơn vị sự nghiệp được cấp có thẩm quyền giao. Được hưởng chế độ lương theo hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ và chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật.