Quy định tuổi nghỉ hưu với giáo sư, phó giáo sư: Lo ngại lãng phí chất xám

GD&TĐ - Quy định tuổi nghỉ hưu với giáo sư, phó giáo sư giảm so với trước đây khiến nhiều chuyên gia lo ngại tình trạng lãng phí, chảy máu chất xám.

GS.TS Nguyễn Hữu Lộc (giữa) tại Lễ vinh danh và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023 của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) diễn ra tháng 1/2024. Ảnh: Mạnh Tùng
GS.TS Nguyễn Hữu Lộc (giữa) tại Lễ vinh danh và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2023 của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) diễn ra tháng 1/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Nhiều trường đại học gặp khó khăn trong việc đào tạo, nghiên cứu khoa học khi thiếu hụt đội ngũ chuyên gia đầu ngành.

Giảm tuổi hưu giáo sư, phó giáo sư

Tháng 8/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 50/2022/NĐ-CP quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. Theo Nghị định này, việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn được quy định đối với viên chức có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao trong đơn vị sự nghiệp công lập và viên chức làm việc trong một số lĩnh vực sự nghiệp đặc thù.

Tại Khoản 2 Điều 3, việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức không quá 5 năm (60 tháng), tính từ thời điểm viên chức đủ tuổi nghỉ hưu theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 của Chính phủ. Trong nhóm được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, có viên chức học hàm giáo sư, phó giáo sư; viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo là tiến sĩ hoặc chuyên khoa II.

Số lượng giáo sư được bổ nhiệm hằng năm tại các cơ sở giáo dục rất khiêm tốn. Trong hai năm 2022, 2023, các trường thành viên của Đại học Quốc gia TPHCM có 6 giảng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư. Năm 2023, Đại học Kinh tế TPHCM có thêm 1 giáo sư, Trường Đại học Cần Thơ có thêm 3 giáo sư.

Trước đó, Điều 9 Nghị định 141/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục Đại học, thời gian kéo dài làm việc đối với giảng viên có trình độ tiến sĩ là không quá 5 năm; đối với giảng viên có chức danh phó giáo sư là không quá 7 năm và đối với giảng viên có chức danh giáo sư là không quá 10 năm. Quy định này đã hết hiệu lực khi áp dụng Nghị định 50/2022/NĐ-CP.

Ngoài ra, theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP, tuổi nghỉ hưu với người lao động trong điều kiện lao động bình thường trong năm 2024 là 61 áp dụng với nam giới và 56 tuổi 4 tháng với nữ giới. Tuổi hưu của nam tăng đến 62 (năm 2028) và của nữ tăng đến 60 (năm 2035).

Như vậy, áp dụng Nghị định 50/2022/NĐ-CP, viên chức là tiến sĩ, phó giáo sư và giáo sư được làm việc tới 66 tuổi (sau đó tăng lên 67 tuổi từ năm 2028) áp dụng với nam giới; 61 tuổi 4 tháng (sau đó tăng đến 65 tuổi từ năm 2035) áp dụng với nữ giới. So với quy định trước đó (Nghị định 141/2013/NĐ-CP), tuổi nghỉ hưu với viên chức là giáo sư, phó giáo sư hiện giảm 1 - 3 tuổi.

ThS Phùng Quán - Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng, Nghị định 50/2022/NĐ-CP ra đời là hợp lý.

Ông giải thích, khi Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực thi hành (từ ngày 1/1/2021), tuổi nghỉ hưu cao hơn đối với viên chức là giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học công lập, viên chức giữ chức danh khoa học và công nghệ tại các cơ sở khoa học và công nghệ công lập đã có sự bất cập và không đồng nhất.

Bởi Khoản 4, Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: “Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác” và giao Chính phủ quy định cụ thể.

Do đó, việc ban hành Nghị định 50/2022/NĐ-CP để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong việc thực hiện quy định của pháp luật về kéo dài thời gian công tác, cũng như bảo đảm sự tương quan trong việc thực hiện quy định tuổi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức; quy định thống nhất việc kéo dài thời gian công tác đối với người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao làm việc trong các lĩnh vực sự nghiệp nếu có nhu cầu.

Lễ công bố quyết định bổ nhiệm các phó giáo sư năm 2023 của Trường Đại học Y Dược TPHCM. Ảnh: UMP

Lễ công bố quyết định bổ nhiệm các phó giáo sư năm 2023 của Trường Đại học Y Dược TPHCM. Ảnh: UMP

Thiếu hụt đội ngũ kế cận

Số liệu từ Niên giám thống kê năm 2021 cho thấy, trong khoảng 76.600 giảng viên đại học, số giáo sư, phó giáo sư đang giảng dạy toàn thời gian lần lượt khoảng 682 và 4.760 người; tương đương 0,89 và 6,21%. Bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) từng đánh giá, số giảng viên là giáo sư, phó giáo sư công tác trong các trường đại học hiện thấp so với nhu cầu trong nước và tương quan khu vực.

Theo khảo sát từ các báo cáo công khai của cơ sở giáo dục đại học, giáo sư, phó giáo sư tập trung ở đơn vị có truyền thống như các Đại học Quốc gia, Đại học vùng, Đại học Kinh tế TPHCM, Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Y Dược TPHCM… Song, tỷ trọng giáo sư, phó giáo sư trong cơ cấu đội ngũ cán bộ, giảng viên vẫn ở mức thấp.

Đặc biệt, giảng viên có học hàm giáo sư ở hầu hết cơ sở giáo dục đại học chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những cơ sở giáo dục đại học có đội ngũ nhân lực hùng hậu nhất, con số này cũng chỉ trên 10 người. Chẳng hạn, Trường Đại học Y Dược TPHCM có 14 giáo sư, 97 phó giáo sư; Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM hiện có 13 giáo sư, 132 phó giáo sư; Đại học Kinh tế TPHCM hiện có 9 giáo sư, 64 phó giáo sư; Trường Đại học Công nghiệp TPHCM có 7 giáo sư, 42 phó giáo sư…

Do đó, khi thực hiện Nghị định 50/2022/NĐ-CP, nhiều trường chưa kịp chuẩn bị đội ngũ kế cận, dẫn đến thiếu hụt giảng viên, nhà khoa học có trình độ giáo sư, phó giáo sư. Đặc biệt, thực trạng này diễn ra rõ rệt ở các ngành đặc thù, khoa học cơ bản.

Theo ThS Phùng Quán, dù sự ra đời hợp lý, song thời gian ban hành Nghị định 50/2022/NĐ-CP (ngày 2/8/2022) và thời điểm có hiệu lực thi hành (ngày 15/8/2022) quá gần nhau, dẫn đến các cơ sở giáo dục đại học bị động trong công tác giảng dạy và đào tạo.

Cụ thể, các viên chức giảng viên là tiến sĩ không được kéo dài 5 năm như trước đây, gây ảnh hưởng đến việc sắp xếp công tác đào tạo. Các viên chức có chức danh giáo sư, phó giáo sư chỉ được kéo dài 5 năm dẫn đến bị động trong bồi dưỡng lực lượng kế thừa, ảnh hưởng đến việc duy trì các ngành đào tạo sau đại học; ảnh hưởng đến chỉ tiêu tuyển sinh trong vòng 2 - 3 năm kể từ khi Nghị định có hiệu lực.

GS.TS Đặng Vạn Phước - Trưởng khoa Khoa Y, Đại học Quốc gia TPHCM, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Y. Ảnh: NTCC

GS.TS Đặng Vạn Phước - Trưởng khoa Khoa Y, Đại học Quốc gia TPHCM, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Y. Ảnh: NTCC

Lãng phí chất xám

Việc giảm tuổi nghỉ hưu của giáo sư, phó giáo sư theo quy định mới cũng khiến nhiều chuyên gia lo ngại tình trạng lãng phí chất xám khi chưa tận dụng hết khả năng cống hiến của đội ngũ này.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng, với nhiều ngành khó và hiếm, không ít giảng viên trở thành giáo sư ở độ tuổi trên dưới 60, phó giáo sư ở tuổi ngoài 40. Với những người làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, thời gian công tác càng lâu, càng có nhiều kinh nghiệm, kiến thức cùng khả năng truyền đạt.

Do đó, quy định mới về số năm kéo dài công tác sẽ khiến không ít giáo sư, phó giáo sư chỉ có khoảng thời gian ngắn làm việc, cống hiến sau khi đủ tiêu chuẩn chức danh. Số lượng giáo sư, phó giáo sư trong các trường đại học vốn khiêm tốn lại càng ít hơn. Đây là sự lãng phí chất xám, nhất là trong bối cảnh các trường đại học muốn nâng dần số lượng đội ngũ giáo sư, phó giáo sư trong cơ cấu giảng viên.

Cũng theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, quy định tuổi hưu của giáo sư, phó giáo sư cũng gây khó khăn trong công tác đào tạo, xác định chỉ tiêu tuyển sinh, đặc biệt ở bậc sau đại học tại các trường đại học. Bởi theo quy định của Bộ GD&ĐT, để mở ngành đào tạo tiến sĩ, các trường phải có số lượng giáo sư, phó giáo sư tại ngành đó hoặc các ngành gần nhất định. Nếu bị hụt số lượng giáo sư, phó giáo sư cơ hữu khi họ nghỉ hưu, các trường khó có thể mở ngành đào tạo sau đại học.

Nhiều chuyên gia đề xuất không giới hạn tuổi công tác với đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, chuyên gia đầu ngành. Trong ảnh là giảng viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Nhiều chuyên gia đề xuất không giới hạn tuổi công tác với đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, chuyên gia đầu ngành. Trong ảnh là giảng viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

GS.TS Đặng Vạn Phước - Trưởng khoa Khoa Y, Đại học Quốc gia TPHCM, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Y (Hội đồng Giáo sư Nhà nước) cũng cảm thấy tiếc nuối nếu đội ngũ giáo sư, phó giáo sư chỉ được kéo dài thời gian công tác tối đa không quá 5 năm. Ông lấy dẫn chứng trong ngành Y học, để đạt được học hàm giáo sư, phó giáo sư, các giảng viên phải dành nhiều thời gian, công sức; đồng thời họ đạt trình độ chuyên môn, năng lực nghiên cứu, giảng dạy nhất định.

“Trong ngành Y, những thầy cô theo hướng nghiên cứu để đạt được học hàm trên thực sự là những người có lý tưởng, say mê nghề nghiệp nhất định. Ở hầu hết ngành, đặc biệt nghề y, phải có thầy giỏi mới có trò giỏi. Người thầy không chỉ truyền đạt kiến thức, mà còn là tấm gương về đạo đức nghề nghiệp cho thế hệ sau”, GS Phước chia sẻ.

Cũng theo Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Y, ở độ tuổi 60 - 65, các giáo sư, phó giáo sư ngành này vẫn trong giai đoạn chín muồi về nghề nghiệp, “nội công thâm hậu”. Do đó, khả năng cống hiến, phát huy năng lực bản thân vẫn dồi dào. “Chúng ta nên tận dụng tối đa chất xám, khả năng cống hiến của các thầy có học hàm giáo sư, phó giáo sư”, ông nói.

Không chỉ lãng phí khả năng cống hiến của đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, nhiều chuyên gia cho rằng, quy định tại Nghị định số 50/2022/NĐ-CP dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám từ các cơ sở giáo dục công lập sang khối trường tư thục. “Các trường đại học tư sẵn sàng trả lương, phúc lợi cao để mời các giáo sư, phó giáo sư về làm việc vì họ cũng khan hiếm đội ngũ này”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng lý giải.

Dù các giáo sư, phó giáo sư làm việc cho khối trường tư vẫn có thể cống hiến cho ngành Giáo dục, song PGS.TS Đỗ Văn Dũng lưu ý, không phải ngành nào khối trường tư cũng có nhu cầu. Bởi khi mời đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm về làm việc, các trường phải cân nhắc khả năng mở các ngành học mang lại hiệu quả, nhu cầu nhân lực của xã hội cao. Từ đó, tình trạng lãng phí chất xám vẫn diễn ra trong ngành khoa học cơ bản, đặc thù.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, không nên quy định tuổi nghỉ hưu với đội ngũ giảng viên, nhà khoa học có trình độ giáo sư, phó giáo sư. Quy định về độ tuổi chỉ nên áp dụng khi bổ nhiệm chức vụ quản lý; còn việc cống hiến cho công tác giảng dạy, nghiên cứu có thể kéo dài tùy vào khả năng, sức khỏe của họ. “Chúng ta vẫn thấy một giáo sư 80, 90 tuổi đi dạy bình thường ở nhiều đại học trên thế giới. Việc quy định tuổi công tác của giáo sư, phó giáo sư là đi ngược lại với thông lệ quốc tế”, ông Đỗ Văn Dũng nêu quan điểm.

GS.TS Đặng Vạn Phước thì đề xuất, với giảng viên trình độ tiến sĩ, có thể quy định thời gian kéo dài làm việc là không quá 5 năm (như quy định cũ). Với giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư, có thể nghiên cứu, duy trì độ tuổi kéo dài thời gian công tác theo quy định cũ là không quá 7 năm với phó giáo sư, không quá 10 năm với giáo sư. Quy định này cùng với tuổi nghỉ hưu tăng theo Bộ luật Lao động 2019, có thể kéo dài thêm thời gian cống hiến của các chuyên gia có học hàm.

“Với những ngành đặc thù, chúng ta nên có cơ chế linh động, tạo điều kiện để giáo sư, phó giáo sư, chuyên gia đầu ngành có thể tiếp tục làm việc, cống hiến khi còn khả năng, sức khỏe. Các trường đại học đang thực hiện quyền tự chủ nên hoàn toàn có thể xem xét, quyết định vấn đề này nếu có quy định cởi mở hơn”, GS Đặng Vạn Phước đề xuất.

ThS Phùng Quán - Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết, với sự ra đời của Nghị định 50/2022/NĐ-CP, nhà trường “có ảnh hưởng đôi chút và đã lên kế hoạch khắc phục các khó khăn”.

Ở góc độ cá nhân, ThS Phùng Quán nêu quan điểm, Nghị định 50/2022/NĐ-CP không gây lãng phí chất xám đội ngũ giáo sư, phó giáo sư. “Theo Bộ luật Lao động, nếu các thầy cô là giáo sư, phó giáo sư hoặc tiến sĩ, có nhu cầu tiếp tục làm việc, sức khỏe tốt, trường đại học vẫn có thể ký hợp đồng lao động sau hưu để thực hiện việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học”, ông Phùng Quán cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ