Quy định tuổi nghỉ hưu với giáo sư, phó giáo sư: Khó cho ngành khoa học cơ bản

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hầu hết ngành khoa học cơ bản, đặc thù tại viện nghiên cứu, trường đại học thiếu hụt nhân sự đầu ngành.

Học sinh phổ thông trải nghiệm giờ học Công nghệ tế bào với giảng viên Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng tại phòng thí nghiệm của nhà trường.
Học sinh phổ thông trải nghiệm giờ học Công nghệ tế bào với giảng viên Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng tại phòng thí nghiệm của nhà trường.

Nguyên do là các giáo sư, phó giáo sư đến tuổi hưu, trong khi tầng lớp trẻ chưa đủ trình độ, thâm niên kế thừa. Điều này ảnh hưởng đến công tác nghiên cứu cũng như đào tạo, đặc biệt là đào tạo sau đại học và xác định chỉ tiêu tuyển sinh ở các trường.

Khó mở rộng đào tạo sau đại học

Dù Y học là ngành thuộc nhóm có nhiều phó giáo sư, giáo sư (PGS, GS) được công nhận nhất, nhưng vẫn có chuyên ngành khan hiếm nhân lực trình độ cao, chẳng hạn như Pháp y. Trường ĐH Y Hà Nội được xem là cơ sở duy nhất cả nước đào tạo ngành Pháp y bậc sau đại học. Để có thể duy trì các hệ này, trong các năm qua, giảng viên đứng lớp là các PGS ngành gần với Pháp y. Bởi cả nước chỉ có 2 PGS ngành Pháp y và đã nghỉ hưu.

Trường ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) trước đây có 1 PGS nhưng nay đã nghỉ hưu, nên mặc dù một số ngành có thế mạnh, đủ số lượng tiến sĩ theo quy định và muốn mở đào tạo cao học nhưng chưa đủ điều kiện do “trắng” PGS.

Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam hiện không có giảng viên cơ hữu giữ chức danh GS. Điều này, theo TS Trần Thị Tuyết Nhung, đã ảnh hưởng ít nhiều đến công tác đào tạo. Hiện, Học viện có 2 giảng viên chức danh PGS, đủ điều kiện mở đào tạo tiến sĩ ngành Xây dựng Đảng và Chính quyền nhà nước nhưng sẽ đỡ vất vả hơn nếu tuyển dụng được giảng viên có chức danh GS.

Trường ĐH Kinh tế Nghệ An có kế hoạch đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ nên đưa ra nhiều giải pháp để thu hút giảng viên là GS, PGS về giảng dạy. Nhưng đến thời điểm này, nhà trường có 1 PGS ngành Quản trị kinh doanh. TS Nguyễn Đình Tường - Chủ tịch Hội đồng trường thẳng thắn thừa nhận, với số lượng giảng viên như vậy, chưa đáp ứng theo đúng nguyện vọng của trường.

Trường ĐH Kinh tế Nghệ An hiện đào tạo 11 ngành đại học chính quy và thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh. Giảng viên có chức danh PGS được ưu tiên bố trí đào tạo thiên về trình độ thạc sĩ nên không gặp nhiều khó khăn. Dù vậy, theo TS Nguyễn Đình Tường, để nâng cao trình độ, chất lượng đào tạo khi số lượng PGS hạn chế là điều khiến nhà trường trăn trở. Điều này cũng ảnh hưởng đến hoạt động nghiên cứu khoa học.

Trong số 118 giảng viên cơ hữu của Trường ĐH Phú Yên, chỉ có duy nhất PGS chuyên ngành Lịch sử Việt Nam. TS Trần Lăng - Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Yên thừa nhận, cơ sở giáo dục đại học có số lượng GS, PGS ít sẽ ảnh hưởng đến việc mở rộng quy mô đào tạo của trường.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng thừa nhận: “Tỷ lệ GS, PGS/giảng viên của trường giảm đi đáng kể sau khi Nghị định 50/2022 của Chính phủ có hiệu lực. Trong ngắn hạn, việc giảm thời gian kéo dài công tác của GS, PGS sau khi đến tuổi nghỉ hưu chưa ảnh hưởng đến hoạt động đào tạo của trường. Thế nhưng, nếu không có sự bổ sung thì một vài năm nữa, công tác đào tạo chắc chắn bị ảnh hưởng, bao gồm sụt giảm chỉ tiêu tuyển sinh; thiếu nhân sự để đáp ứng điều kiện mở ngành đào tạo sau đại học”.

PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu cho biết, hiện đa số công trình khoa học chất lượng cao chủ yếu tập trung vào đội ngũ GS, PGS. Quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn của GS, PGS tối đa 5 năm sẽ dẫn đến thiếu hụt các vị trí nghiên cứu đầu ngành. Đây thực sự là bài toán nan giải.

Đại học Đà Nẵng vinh danh các PGS được bổ nhiệm trong năm 2023.

Đại học Đà Nẵng vinh danh các PGS được bổ nhiệm trong năm 2023.

Nỗ lực tạo nguồn tại chỗ

TS Trần Lăng thẳng thắn thừa nhận, dù địa phương đã xây dựng chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài nhưng những trường có nguồn lực nhỏ cả về quy mô ngành nghề, tài chính như Trường ĐH Phú Yên khó hấp dẫn được giảng viên là PGS, GS. Trước tiên, cơ sở vật chất không đảm bảo điều kiện cho việc nghiên cứu, hoạt động giảng dạy không thuận lợi và điều kiện kinh tế cũng không đảm bảo. Trường ĐH Phú Yên xác định sẽ chủ động xây dựng, đào tạo nguồn tại chỗ.

Trường ĐH Kinh tế Nghệ An cũng xác định sẽ đào tạo nguồn tại chỗ để giải quyết bài toán giảng viên đủ điều kiện đạt chuẩn PGS, GS. Theo TS Nguyễn Đình Tường, nếu giảng viên cơ hữu tại trường đủ điều kiện nâng trình độ đào tạo lên tiến sĩ hoặc chức danh GS, PGS, nhà trường sẵn sàng hỗ trợ.

Theo đó, ngoài sự hỗ trợ chung theo chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của địa phương, nhà trường sẽ trích nguồn kinh phí nhằm động viên, khích lệ thầy cô. Sắp xếp thời gian đứng lớp giúp họ chuyên tâm vào hoạt động nghiên cứu, chuẩn bị xét hồ sơ PGS, GS…

Bằng phương châm đào tạo tại chỗ, Trường ĐH An Giang đã có 6 PGS, dự kiến sẽ thêm 2 PGS. Tất cả PGS này do nhà trường tự tạo nguồn từ thạc sĩ, tiến sĩ lên chứ không có nhân sự được thu hút từ nơi khác về. Trước đó, nhà trường có 1 GS nhưng đã nghỉ hưu. Điều này đã ảnh hưởng đến công tác đào tạo sau đại học của trường. Từ khi thành lập trường đến nay, Trường ĐH An Giang có khoảng 100 thạc sĩ, tiến sĩ tốt nghiệp nước ngoài về công tác.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu thẳng thắn thừa nhận, không phải cứ nỗ lực đào tạo tại chỗ thì có thể bổ sung, phát triển được nguồn lực PGS, GS đầu ngành. “Hiện một số ngành đặc thù, số lượng PGS, GS được công nhận rất ít. Các giảng viên khi đạt học hàm GS, PGS thì tuổi đã cao. Vì vậy, độ tuổi công tác ở vị trí GS, PGS thực tế còn rất ngắn. Các thế hệ kế cận cũng không dễ thay thế khi tiêu chuẩn xét chức danh GS, PGS ngày càng khó”, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng phân tích.

Còn PGS.TS Võ Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng nhận xét: “Nếu cứ so chiếu số lượng công bố quốc tế ở hiện tại, giảm chi phí chi trả cho người có trình độ cao về hưu… là “thành tích” về quản trị hiệu quả trước mắt nhưng sẽ là thách thức lớn đối các ngành khoa học cơ bản, đặc thù trong tương lai. Với đà như vậy sẽ có một số ngành “tuyệt chủng”. Một là thiếu người học, hai là thiếu người đủ trình độ để tham gia đào tạo, nếu như không có chính sách hợp lý kịp thời”.

PGS.TS Võ Văn Minh đề xuất Nhà nước cần xây dựng chính sách đối với đội ngũ trí thức trình độ cao ở một số lĩnh vực đặc thù. Mặt khác đối với sinh viên học các ngành khoa học cơ bản, đặc thù cũng cần phải có chính sách thu hút, tạo điều kiện học tập, nghiên cứu. Đồng thời cơ sở đào tạo khoa học cơ bản có chất lượng, người học cũng cần được đầu tư phát triển.

“Chính sách hợp lý là cứu cánh trước mắt, không phải vì cứu các ngành, trường mà vì sự phát triển bền vững đất nước. Bởi khoa học cơ bản cần độ thâm sâu, quá trình tích lũy qua thời gian… đồng thời khoa học cơ bản cũng có tác động đến xã hội căn bản, lâu dài… Tính đặc thù nằm ở chỗ đó. Do vậy ở tầm vĩ mô cần quan tâm đến khoa học cơ bản đúng mức, đủ tầm. Nếu không sẽ rất hối tiếc và mất nhiều tiền, thời gian cũng khó có thể phục hồi trở lại”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sóng nước biển Đông. Ảnh: Bình Thanh

Gửi tới Trường Sa

GD&TĐ - Trong những ngày đầu tháng Tư, mẹ bắt đầu chuyến công tác xa nhà dài ngày, nửa tháng trước, mẹ đã thông báo tới chúng con đôi điều về chuyến công tác.
Minh họa/INT

Tuyến yên và bệnh lý liên quan

GD&TĐ - Tuyến yên là tuyến rất nhỏ, nằm ở vị trí kín đáo và được bảo vệ rất cẩn thận trong hộp sọ chắc chắn.
Phòng tuyến Ukraine đang dần sụp đổ

Phòng tuyến Ukraine đang dần sụp đổ

GD&TĐ - Thiếu trang thiết bị và nhân lực, lực lượng Kiev dường như đang dần sụp đổ về nhiều mặt, trong khi Nga đang tăng tốc các hoạt động trên bộ mỗi ngày.