Nóng trong tuần:

Quy định tiêu chuẩn CSVC trường học; điểm mới tuyển sinh khối quân đội, công an

GD&TĐ - Dự kiến sửa đổi quy định về tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường học; một số thông tin tuyển sinh trường công an, quân đội... là tin GD đáng chú ý tuần qua.

Cô trò Trường Tiểu học Ái Mộ B, Long Biên, Hà Nội.
Cô trò Trường Tiểu học Ái Mộ B, Long Biên, Hà Nội.

Dự thảo điều chỉnh quy định về tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường mầm non, phổ thông

Một số quy định được sửa đổi liên quan đến tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT có nhiều cấp học là thông tin được chú ý tuần qua.

Những sửa đổi này được Bộ GD&ĐT công bố xin ý kiến rộng rãi tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều của Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Đáng chú ý là dự thảo gia tăng quy mô số lớp trong cơ sở giáo dục. Cụ thể, trường mầm non có quy mô tối thiểu 9 nhóm, lớp và tối đa 30 nhóm, lớp; trường tại các xã thuộc vùng khó khăn và các trường dân lập, tư thục có quy mô tối thiểu 5 nhóm, lớp (quy định hiện hành, trường mầm non có tối đa 20 nhóm, lớp).

Căn cứ điều kiện các địa phương, có thể bố trí các điểm trường ở những địa bàn khác nhau để tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em đến trường. Bố trí không quá 05 điểm trường; đối với trường tại các xã thuộc vùng khó khăn, tùy theo điều kiện thực tế có thể bố trí không quá 8 điểm trường, trường hợp đặc biệt tại các địa bàn có địa hình hiểm trở, chia cắt bố trí không quá 12 điểm trường.

Tổng diện tích khu đất xây dựng trường (bao gồm các điểm trường) được xác định trên cơ sở số nhóm, lớp, số trẻ em với bình quân tối thiểu 12m2 cho một trẻ em; đối với các đô thị loại III trở lên (theo công nhận loại đô thị của cấp có thẩm quyền) cho phép bình quân tối thiểu 8m2 cho một trẻ em.

Về tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu cho trường mầm non, dự thảo Thông tư mới quy định: Phòng giáo dục thể chất, nghệ thuật: liên hệ với khối phòng nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ bằng hành lang giao thông, bảo đảm có 1 phòng giáo dục nghệ thuật, bố trí khu vực để tổ chức hoạt động giáo dục thể chất. Điểm trường có quy mô từ 05 nhóm, lớp trở lên, bố trí 1 phòng giáo dục nghệ thuật; Sân chơi phải được lắp đặt các thiết bị đồ chơi ngoài trời theo quy định.

Đối với tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường tiểu học, dự thảo Thông tư quy định: Trường tiểu học có quy mô tối thiểu 10 lớp và tối đa 40 lớp; trường tại các xã thuộc vùng khó khăn có quy mô tối thiểu 5 lớp (quy định hiện hành, trường tiểu học có tối đa 30 lớp).

Tổng diện tích khu đất xây dựng trường (bao gồm các điểm trường) được xác định trên cơ sở số lớp, số học sinh với bình quân tối thiểu 10m2 cho một học sinh; đối với các đô thị loại III trở lên (theo công nhận loại đô thị của cấp có thẩm quyền) cho phép bình quân tối thiểu 6m2 cho một học sinh. Đối với trường có tổ chức nội trú hoặc ăn, ở tập trung cho học sinh bán trú, diện tích khu đất cho các hạng mục công trình phục vụ nội trú; ăn, ở tập trung cho học sinh bán trú bảo đảm 6m2 cho một học sinh.

Về tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu cho khối phòng học tập, dự thảo nêu rõ: Phòng học phải bảo đảm mỗi lớp có một phòng học riêng; có thể sử dụng làm nơi nghỉ trưa cho học sinh (nếu có); được trang bị đầy đủ: Bàn, ghế học sinh đúng quy cách và đủ chỗ ngồi cho học sinh; bàn, ghế giáo viên; bảng lớp; hệ thống đèn và hệ thống quạt; hệ thống tủ đựng hồ sơ, thiết bị dạy học.

Phòng học bộ môn phải có tối thiểu 3 phòng để tổ chức dạy học các môn học Âm nhạc, Mỹ thuật, Khoa học - Công nghệ, Tin học, Ngoại ngữ. Căn cứ điều kiện thực tế, ghép một số phòng học bộ môn theo nguyên tắc: bảo đảm đủ chức năng của các phòng học bộ môn, có chức năng tương đồng, đầy đủ thiết bị cho mỗi môn học, bảo đảm việc bố trí thời gian, không gian để thực hiện kế hoạch và hoạt động giáo dục theo từng chức năng, bảo đảm định mức giờ dạy trên quy mô học sinh đối với các môn học.

Đối với các trường THPT, quy mô tối thiểu 15 lớp và tối đa 50 lớp (quy định hiện hành là tối đa 45 lớp)…

Những sửa đổi này nhận được nhiều ý kiến đồng tình vì sẽ góp phần quan trọng giải bài toán quá tải trường lớp hiện nay.

Ngày 26/4/2024, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định 1279/QĐ-BGDĐT bổ nhiệm Ông Nguyễn Tiến Thanh, Tổng biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật làm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam kể từ ngày 15/5/2024. Thời hạn giữ chức vụ là 5 năm. Ông Nguyễn Tiến Thanh, sinh năm 1968, có hơn 20 năm làm công tác quản lý tại cơ quan báo chí.

Học sinh Trường THCS-THPT Ban Mai - Hà Nội tại phòng tâm lý học đường.

Học sinh Trường THCS-THPT Ban Mai - Hà Nội tại phòng tâm lý học đường.

Dự thảo quy định tiêu chuẩn chức danh, bổ nhiệm và xếp lương viên chức tư vấn học sinh

Cùng với dự thảo liên quan đến quy định về tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường mầm non, phổ thông, tuần qua, Bộ GD&ĐT cũng công bố xin ý kiến về dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương viên chức tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt công lập.

Dự thảo Thông tư quy định, chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh bao gồm: Viên chức tư vấn học sinh hạng III (mã số V.07.07.24.); viên chức tư vấn học sinh hạng II (mã số V.07.07.23.); viên chức tư vấn học sinh hạng I (mã số V.07.07.22.).

Theo đó, bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng III đối với viên chức được tuyển dụng vào vị trí việc làm viên chức tư vấn học sinh và đáp ứng yêu cầu về tập sự theo quy định hoặc đang làm công tác tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, đủ tiêu chuẩn quy định.

Viên chức tư vấn học sinh hạng III được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng II khi được xác định là người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh từ hạng III lên hạng II.

Viên chức tư vấn học sinh hạng II được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng I khi được xác định là người trúng tuyển trong kì xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh từ hạng II lên hạng I.

Viên chức được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh quy định tại Thông tư này được áp dụng bảng lương viên chức tại bảng 3 (bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, cụ thể như sau:

Chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng III được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.

Chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng II được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38.

Chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh hạng I được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.

Việc chuyển xếp lương đối với trường hợp khi tuyển dụng, bổ nhiệm vào chức danh viên chức tư vấn học sinh đang là công chức, viên chức chuyên ngành khác thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức và theo quy định hiện hành của pháp luật. Khi thực hiện chính sách tiền lương mới, việc xếp sang lương mới thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Ảnh minh họa/ITN.

Ảnh minh họa/ITN.

Thông tin mới tuyển sinh trường khối quân đội, công an

4 phương thức tuyển sinh quân đội năm 2024 được Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng thông tin ngày 26/4.

Theo đó, phương thức 1 là xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, xét tuyển với học sinh giỏi bậc THPT (không quá 15% chỉ tiêu).

Phương thức 2 là xét tuyển dựa vào học bạ (không quá 10% chỉ tiêu, riêng Học viện Quân y, Học viện Kỹ thuật quân sự chưa sử dụng phương thức này).

Phương thức 3, xét tuyển từ kết quả thi đánh giá năng lực do các trường đại học trong nước tổ chức (không quá 20% chỉ tiêu).

Phương thức 4 là xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Từ năm 2025, Bộ Quốc phòng tổ chức kỳ thi đánh giá riêng để sử dụng kết quả tuyển sinh cho các trường quân đội.

Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) sẽ phối hợp ĐHQG Hà Nội để tổ chức kỳ thi riêng này theo phương thức tương tự như kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội.

Bài thi đánh giá năng lực để tuyển sinh vào các trường quân đội sẽ gồm nội dung toán, ngữ văn, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên... Thí sinh làm bài thi trên máy.

Dự kiến sẽ dành 30% chỉ tiêu năm 2025 để xét tuyển bằng kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực riêng của khối quân đội. Tỉ lệ này có thể sẽ điều chỉnh căn cứ vào thực tiễn tuyển sinh.

Cùng với phương thức này, khối trường quân đội vẫn sử dụng các phương thức xét tuyển như đã thực hiện năm 2024.

Tuần qua cũng có những thông tin mới về tuyển sinh các trường khối công an. Cụ thể, Cục Đào tạo, Bộ Công an đã ban hành dạng thức, đề thi tham khảo kỳ thi tuyển sinh trình độ đại học công an nhân dân chính quy tuyển mới đối với công dân đã có bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên.

Năm 2024, Bộ Công an tiếp tục có sự điều chỉnh đối với công tác tổ chức thi loại hình này so với các năm trước đây, theo đó: Điều chỉnh thời gian thi từ 2 buổi thành 1 buổi. Bổ sung thêm phần thi hiểu biết về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội. Tăng thêm sự lựa chọn các môn thi thuộc phần thi chuyên ngành, thí sinh được lựa chọn một trong 4 môn thi gồm: Triết học; Lý luận nhà nước và pháp luật; Toán cao cấp, Kinh tế học vĩ mô để đăng ký dự thi.

Tổng thời gian làm bài thi 150 phút. Tổng điểm của bài thi là 100 điểm, trong đó phần tự luận 1 là 30 điểm và phần tự luận 2 là 70 điểm.

Trong tuần, Cục Đào tạo, Bộ Công an cũng công bố đề thi tham khảo kỳ thi đánh giá của Bộ Công an năm 2024.

Theo Cục Đào tạo, đề thi tham khảo có cấu trúc giống đề thi đánh giá chính thức, gồm hai phần trắc nghiệm và tự luận, làm trong 180 phút, tương tự năm ngoái.

Đề tham khảo của hai mã bài thi CA1 và CA2 được công bố nhằm giúp thí sinh có căn cứ ôn tập, nếu đặt nguyện vọng vào các trường công an năm nay.

Năm 2024, kỳ thi đánh giá của Bộ Công an sẽ diễn ra vào hai ngày 6 và 7/7. Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá của Bộ Công an sẽ chọn một trong hai mã bài thi là CA1 (trắc nghiệm và tự luận toán) hoặc CA2 (trắc nghiệm và tự luận ngữ văn).

Về phương thức tuyển sinh, các trường công an tuyển theo ba phương thức: Tuyển thẳng theo định của Bộ GD&ĐT và quy định của Bộ Công an; xét tuyển thẳng kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế với kết quả học tập THPT; kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với kết quả bài thi đánh giá của Bộ Công an.

Ngày 27/4, Hội Hóa học Việt Nam thông tin, tại cuộc thi Olympic Hóa học quốc tế Mendeleev (IMChO) lần thứ 58 được tổ chức tại Thâm Quyến (Trung Quốc), Việt Nam lần đầu tiên cử thí sinh dự thi và đạt thành tích 10/10 thí sinh đoạt giải. Trong đó có 1 huy chương vàng, 5 huy chương bạc và 4 huy chương đồng. Với thành tích trên, Việt Nam xếp hạng ba toàn đoàn, sau đoàn Trung Quốc và Nga. Cuộc thi Olympic hóa học quốc tế Mendeleev lần thứ 58 năm 2024 diễn ra từ 20/4 đến hết ngày 27/4 với sự tham dự của 151 thí sinh đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ