Nóng trong tuần: Quy định xét tặng NGND, NGƯT; xin ý kiến 2 chính sách GDMN

GD&TĐ - Ban hành quy định mới xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT; xin ý kiến 2 chính sách lớn với giáo dục mầm non... là thông tin giáo dục đáng chú ý tuần qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp của Ủy ban về “Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp của Ủy ban về “Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Quy định mới về xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú

Ngày 2/4, Chính phủ ban hành Nghị định 35/2024/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú.

So với Nghị định số 27/2015/NĐ-CP ngày 10/3/2015 của Chính phủ quy định về xét tặng NGND, NGƯT, Nghị định số 35/2024/NĐ-CP có một số điểm mới để giải quyết vướng mắc trong thực tiễn áp dụng thời gian vừa qua và tiếp cận yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đặc biệt yêu cầu của việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Theo đó, Nghị định số 35/2024/NĐ-CP quy định rõ hơn cách tính thời gian, nhóm đối tượng và tiêu chuẩn xét tặng.

Cụ thể, Nghị định quy định các thành tích để xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT phải đạt được trong thời gian công tác trong ngành Giáo dục; không sử dụng thành tích đã được xét tặng các danh hiệu vinh dự Nhà nước để xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT. Cá nhân được hưởng lương và bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm tại đơn vị nào thì đề nghị xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT tại đơn vị đó.

Cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục trong thời gian giữ chức vụ quản lý, có tham gia nuôi dạy, giảng dạy đủ định mức tối thiểu theo quy định thì được tính thời gian trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy và được quy đổi theo các mức cụ thể.

Căn cứ trên chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm của từng đối tượng, loại hình cơ sở giáo dục có tính chất tương đồng, Nghị định số 35/2024/NĐ-CP chia thành 7 nhóm đối tượng thống nhất ở cả tiêu chuẩn NGND và tiêu chuẩn NGƯT để xây dựng tiêu chuẩn theo 7 nhóm đối tượng, tạo sự mạch lạc trong văn bản cũng như sự tôn vinh của cấp học, bậc học đó và thuận lợi cho các cơ sở giáo dục khi triển khai thực hiện Nghị định.

Nghị định số 35/2024/NĐ-CP có một số điểm mới để giải quyết vướng mắc trong thực tiễn áp dụng thời gian vừa qua và tiếp cận yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Nghị định số 35/2024/NĐ-CP có một số điểm mới để giải quyết vướng mắc trong thực tiễn áp dụng thời gian vừa qua và tiếp cận yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Một điểm mới đặc biệt trong Nghị định số 35/2024/NĐ-CP là xây dựng tiêu chuẩn cho nhóm đối tượng đặc thù theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022.

Cụ thể, thời gian công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ được nhân hệ số 2 khi tính thời gian công tác để xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT.

Nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục hiện đang công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc trường, lớp dành cho người khuyết tật, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập được hưởng chế độ, chính sách ưu tiên khi đề nghị xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT.

Bổ sung tiêu chuẩn đối với nhà giáo, cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục có 15 năm trở lên liên tục công tác tại các trường, điểm trường ở vùng xa xôi hẻo lánh thuộc thôn, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của địa phương, vận động được nhiều người học đến trường và duy trì sĩ số học sinh được cấp huyện khen thưởng thì hội đồng cấp huyện căn cứ đề xuất của cơ sở giáo dục để bình xét và lựa chọn không quá 1 nhà giáo hoặc cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục tiêu biểu cho mỗi đợt xét.

Ngoài ra, Nghị định số 35/2024/NĐ-CP bổ sung một số tiêu chuẩn mới để đánh giá tài năng sư phạm của nhà giáo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp.

Xin ý kiến 2 chính sách lớn với giáo dục Mầm non

Sáng 4/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo (gọi tắt là Ủy ban - người viết) chủ trì Phiên họp của Ủy ban về “Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Tại phiên họp, Bộ GD&ĐT đã trình bày Báo cáo đổi mới, phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Báo cáo nhấn mạnh vị trí, vai trò của giáo dục mầm non; khái quát kết quả phát triển giáo dục mầm non 10 năm qua với kết quả đạt được, một số hạn chế, tồn tại cùng nguyên nhân; đưa ra định hướng đổi mới phát triển giáo dục mầm non với mục tiêu phát triển đến năm 2030; các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Bộ GD&DT đề xuất, kiến nghị Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo xem xét cho ý kiến về 2 vấn đề: Kiến nghị với Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi; kiến nghị với Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về đổi mới Chương trình giáo dục mầm non. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành ban hành và thực hiện cơ chế, chính sách nhằm tăng cường điều kiện để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.

Tại phiên họp, các ý kiến đều thống nhất vai trò quan trọng của giáo dục mầm non và cần tăng cường sự quan tâm, đầu tư cho bậc học này. Việc cần ban hành Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi, Nghị quyết về đổi mới Chương trình giáo dục mầm non cũng được nhiều ý kiến đồng thuận; kèm theo đó là yêu cầu tính toán kỹ điều kiện thực hiện để bảo đảm tính khả thi trong triển khai.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên họp.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự chuẩn bị và nỗ lực của Bộ GD&ĐT trong xây dựng các đề án về “Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Nhắc tới Nghị quyết số 42 ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, trong đó có chỉ tiêu đến năm 2030 "Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi", Thủ tướng chỉ đạo, phải thể chế hoá, cụ thể hoá chủ trương của Đảng.

Cụ thể, theo Thủ tướng, thực trạng giáo dục mầm non còn nhiều bất cập, khó khăn. Muốn thực hiện được mục tiêu của Đảng, cần giải quyết, tháo gỡ khó khăn từ thực tiễn và muốn tháo gỡ được khó khăn phải có đề án. Bộ GD&ĐT đã triển khai xây dựng đề án và cần xin ý kiến các cấp có thẩm quyền.

Về những việc cần làm tiếp theo, Thủ tướng lưu ý, Bộ GD&ĐT tiếp tục hoàn thiện đề án. Trong đó làm rõ hơn, mạch lạc hơn căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý, thực trạng thực tế hiện nay, thẩm quyền xem xét từng nội dung, đề xuất. Chính phủ làm gì, Quốc hội làm gì, các Bộ, ngành, địa phương làm gì.

Thủ tướng cũng chỉ đạo cần làm rõ nội hàm của đổi mới giáo dục mầm non. Đó là phải phù hợp với quan điểm phát triển giáo dục của Đảng, pháp luật của Nhà nước là đào tạo và phát triển toàn diện con người; phù hợp với xu thế phát triển của thời đại; phù hợp với thực tiễn, hoàn cảnh của đất nước trong bối cảnh hiện nay; đổi mới cách huy động nguồn lực thông qua hợp tác công - tư là chính…

Với những điểm “nghẽn” lớn hiện nay của giáo dục mầm non, Thủ tướng đề nghị làm rõ để có cơ sở đề xuất giải quyết phù hợp. Cụ thể là điểm “nghẽn” thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất, tiếp cận giáo dục mầm non chưa bình đẳng nhất là vùng sâu vùng xa và người yếu thế. Để giải quyết, Thủ tướng gợi mở cần có cơ chế chính sách huy động nguồn lực con người và nguồn lực vật chất, trong đó rà soát lại cơ chế hiện hành, những gì đã có, những gì đã có nhưng chưa làm được…

Từ ý kiến góp ý tại phiên họp, Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD&ĐT tiếp thu và tiếp tục hoàn thành đề án để trình các cấp có thẩm quyền. Các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm phối hợp với Bộ GD&ĐT trong quá trình hoàn thiện đề án. Tinh thần chung theo Thủ tướng là không cầu toàn nhưng không nóng vội; chuẩn bị kỹ lưỡng, làm kỹ và làm chắc.

Ảnh minh họa/ITN.

Ảnh minh họa/ITN.

Công bố hàng loạt kết luận thanh tra trường ĐH về mở ngành đào tạo

Tuần qua, Bộ GD&ĐT công bố các kết luận thanh tra về thực hiện quy định tự chủ mở ngành đào tạo các trình độ giáo dục ĐH và các điều kiện bảo đảm ngành đào tạo.

Trong đó có kết luận thanh tra các cơ sở giáo dục ĐH: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐHQG TP.Hồ Chí Minh, Trường ĐH Thủ Dầu Một, Trường ĐH Hoa Sen, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng.

Các kết luận thanh tra nêu rõ kết quả kiểm tra, xác minh việc thực hiện quy định tự chủ của trường; việc tự chủ mở ngành đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH; điều kiện bảo đảm ngành đào tạo; nêu rõ các kết quả đạt được; thiếu sót và trách nhiệm của tập thể, cá nhân; kiến nghị các biện pháp xử lý…

Trong đó nêu rõ việc dừng tuyển sinh một số ngành của một số trường được thanh tra. Cụ thể, Trường ĐH Hoa Sen không tổ chức tuyển sinh và/hoặc không tuyển sinh được 6 ngành từ năm 2021 - 2022, ngành Nhật Bản học từ năm học 2022-2023; đồng thời, Trường tạm dừng tuyển sinh 4 ngành .

Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng có văn bản báo cáo Bộ GD&ĐT dừng tuyển sinh 7 ngành đào tạo trình độ ĐH: Giáo dục thể chất, Thiết kế thời trang, Quản lý công nghiệp, Kỹ thuật xây dựng, Trung Quốc học, Hàn Quốc học, Nhật Bản học.

Trường ĐH Thủ Dầu Một có 11 ngành dừng tuyển sinh từ năm 2022; 2 ngành Trường dừng tuyển sinh từ năm 2023.

Ngoài ra, các kết luận thanh tra cũng chỉ ra một số trường chưa đảm bảo điều kiện mở ngành, chủ yếu liên quan đến giảng viên.

Trong kết luận thanh tra, Thanh tra Bộ GD&ĐT kiến nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giao Vụ Giáo dục ĐH tham mưu sửa đổi, bổ sung Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18/1/2022 quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ theo hướng quy định rõ việc xác định ngành của giảng viên cơ hữu chủ trì tổ chức thực hiện chương trình đào tạo.

Hướng dẫn trường xử lý theo quy định pháp luật đối với các ngành trường không tổ chức tuyển sinh và/hoặc không tuyển sinh được hoặc đã tạm dừng tuyển sinh.

Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam sẽ chính thức dừng tuyển sinh học sinh lớp 6 từ năm học 2024-2025 cũng là thông tin giáo dục được chú ý tuần qua. Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, sắp tới, Sở sẽ tiếp tục nghiên cứu để tham mưu, đề xuất UBND thành phố có phương án phù hợp nhằm bảo đảm phù hợp với các quy định hiện hành, cũng như yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời đáp ứng nguyện vọng học tập của học sinh Thủ đô.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ