Nóng trong tuần: Tập huấn thi tốt nghiệp THPT; năng lực quốc tế hóa GD Đại học

GD&TĐ - Tập huấn về thi tốt nghiệp THPT, quốc tế hóa GDĐH; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT công tác tại Điện Biên là thông tin giáo dục đáng chú ý tuần qua.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Hội nghị tập huấn Quy chế và nghiệp vụ tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Hội nghị tập huấn Quy chế và nghiệp vụ tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Tập huấn Quy chế và nghiệp vụ tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Hội nghị tập huấn Quy chế và nghiệp vụ tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là hoạt động giáo dục đáng chú ý tuần qua. Đây cũng là hoạt động tập huấn đầu tiên trước Kỳ thi quan trọng này.

Diễn ra ngày 12/4, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Hội nghị có hơn 400 đại biểu tham dự gồm: Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024; đại diện các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT; đại diện Bộ Công an, PA03 công an 63 tỉnh/thành phố; UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; đại diện lãnh đạo 63 sở GD&ĐT và lãnh đạo, chuyên viên phòng phụ trách công tác thi của 63 sở GD&ĐT… Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng chủ trì Hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 lưu ý 5 nhóm vấn đề trong tổ chức Kỳ thi năm nay, gồm: Công tác chỉ đạo cần sâu sát, toàn diện; công tác phối hợp nhịp nhàng, thông suốt; công tác chuẩn bị phải chu đáo, kỹ lưỡng; công tác chuyên môn nghiệp vụ cần thực hiện đúng quy trình, đúng quy chế, đúng hướng dẫn trong mọi khâu; công tác truyền thông cần chủ động và kịp thời...

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, năm nay, Ban chỉ đạo tiếp tục quán triệt tinh thần “4 đúng - 3 không”, vận dụng phù hợp trong quá trình tổ chức kỳ thi.

Theo đó, 4 đúng gồm: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng và đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm để kịp thời xử lý tình huống, sự cố bất thường. 3 không là: Không lơ là, chủ quan; không căng cứng, áp lực thái quá; không tự ý xử lý tình huống, sự cố bất thường.

Ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) trình bày tham luận về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) trình bày tham luận về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Báo cáo tại hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương đã giới thiệu tóm tắt một số điểm mới và lưu ý trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 để các địa phương thực hiện hiệu quả.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã lắng nghe lãnh đạo Cục A03, A05 Bộ Công an trao đổi về công tác phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi; hướng dẫn phát hiện các thiết bị công nghệ cao có thể gian lận trong kỳ thi; chia sẻ cách làm hay của các địa phương qua hơn 70 đợt tập huấn vừa qua để không chỉ thí sinh, phụ huynh mà toàn xã hội nâng cao nhận thức chấp hành quy chế, góp phần nâng cao tính chủ động trong việc phòng ngừa vi phạm, tạo sự ổn định cho thí sinh tham gia kỳ thi.

Hội nghị dành nhiều thời lượng để ghi nhận tham luận, trao đổi, kiến nghị của đại diện các sở GD&ĐT về quy chế, hướng dẫn, công tác đảm bảo an ninh, an toàn Kỳ thi.

Trong khuôn khổ hội nghị, cán bộ phụ trách CNTT của các sở GD&ĐT, các đơn vị liên quan tham dự phiên tập huấn Hệ thống phần mềm Quản lý thi và đăng ký dự thi trực tuyến cho thí sinh.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn làm việc với tỉnh Điện Biên.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn làm việc với tỉnh Điện Biên.

Chia sẻ giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Điện Biên

Tuần qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác đã có 2 ngày công tác tại Điện Biên. Trong thời gian này, Bộ trưởng đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Điện Biên nhằm trao đổi, chia sẻ giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo của địa phương; thăm, trao đổi với cán bộ, chuyên viên Sở GD&ĐT Điện Biên; thăm, viếng một số địa điểm lịch sử tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Điện Biên, Bộ trưởng nhấn mạnh đến việc cần huy động bằng mọi cách để có trường học kiên cố. Cùng với đó, với địa hình phân cách, rải rác và nhiều khó khăn đặt ra, Bộ trưởng gợi mở, Điện Biên cần rà soát tổng thể và đưa ra một số nguyên tắc trong đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất trường lớp nhằm giải quyết sự phân tán như hiện nay.

Dự kiến tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ chủ trì tổ chức phát động toàn quốc huy động nguồn lực cho kiên cố hoá trường lớp, trong phát động này sẽ tập trung cho nhóm các tỉnh khó khăn.

Đối với vấn đề mua sắm trang thiết bị học tập, Bộ trưởng cho biết: Chương trình giáo dục phổ thông mới chỉ còn một năm nữa là hết chu trình, đây là thời điểm cần đầu tư nhất. Do đó, mong địa phương có giải pháp cho vấn đề này, giúp giáo viên có thiết bị đồ dùng để hỗ trợ việc đổi mới phương pháp dạy học.

Nhấn mạnh định hướng chung của ngành là quyết liệt quan tâm phát triển đội ngũ nhà giáo, chăm lo đội ngũ cả về số lượng, chất lượng, Bộ trưởng mong muốn tỉnh Điện Biên dành sự quan tâm cho định hướng này. Trong đó, tận dụng chỉ tiêu biên chế được giao để tuyển dụng đủ số lượng; Sở GD&ĐT quan tâm tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên trong quá trình đổi mới hiện nay.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tặng phòng máy tính cho Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Điện Biên.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tặng phòng máy tính cho Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Điện Biên.

Cùng ngày, Bộ trưởng và đoàn công tác đã tới thăm Trường Dân tộc nội trú tỉnh Điện Biên; trao tặng nhà trường một phòng máy tính với 24 máy tính để phục vụ cho việc học tập của các em học sinh. Đoàn công tác Bộ GD&ĐT cũng đã trao tặng 1.500 cuốn vở và 10 suất học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn của nhà trường.

Tại Trường THCS xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, đoàn công tác Bộ GD&ĐT đã trao tặng học sinh nhà trường sách, thiết bị trường học, 1000 cuốn vở và 10 suất học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Thăm Trường CĐ Sư phạm Điện Biên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn dành thời gian chia sẻ với nhà trường về những việc cần chuẩn bị cho định hướng phát triển thành trường đại học như Đề án đang được xây dựng và mong mỏi của địa phương.

Làm việc với Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên, Bộ trưởng nhắc tới vai trò quan trọng của quản lý cấp Sở trong việc triển khai các chính sách giáo dục vào thực tế. Bộ trưởng cũng chia sẻ sự cảm thông, đánh giá cao và cảm ơn các cán bộ, chuyên viên Sở GD&ĐT Điện Biên trong điều kiện nhiều khó khăn, thách thức, áp lực nhưng đã duy trì được kết quả giáo dục và làm được nhiều việc đáng ghi nhận.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, bà Sarah Hooper, Đại Biện lâm thời, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và ông John Molony trao chứng chỉ cho cán bộ, giảng viên tham dự tập huấn.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, bà Sarah Hooper, Đại Biện lâm thời, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và ông John Molony trao chứng chỉ cho cán bộ, giảng viên tham dự tập huấn.

Chuỗi hội thảo tập huấn nâng cao năng lực quốc tế hóa giáo dục đại học

Từ ngày 25/3 đến ngày 11/4, Bộ GD&ĐT Việt Nam và Bộ Giáo dục Australia tổ chức chuỗi chương trình tập huấn Dự án quốc tế hóa giáo dục đại học. Đây cũng là chương trình nằm trong khuôn khổ Chiến lược tăng cường gắn kết kinh tế Việt Nam - Australia (EEES).

Chủ đề chính của chuỗi tập huấn là nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ về hợp tác đầu tư và quốc tế hóa giáo dục đại học với sự tham gia của đại diện quản lý, giảng viên cốt cán được giao nhiệm vụ phát triển các chương trình liên kết đào tạo tại 44 cơ sở giáo dục đại học. Chuỗi tập huấn được tổ chức theo hình thức trực tiếp phối hợp trực tuyến.

Chuỗi tập huấn được triển khai với các nội dung liên quan đến tổng quan về quốc tế hóa giáo dục đại học và hợp tác về trao đổi sinh viên; hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và quốc tế hóa chương trình; đảm bảo chất lượng trong giáo dục xuyên quốc gia; thực hiện nghiên cứu về giáo dục quốc tế; mô hình, chiến lược và hợp tác trong giáo dục xuyên quốc gia; chiến lược và kế hoạch quốc tế hóa giáo dục đại học.

Liên quan đến chiến lược và kế hoạch quốc tế hóa giáo dục đại học, tại buổi tập huấn, đại diện các nhà quản lý, chuyên gia đến từ các cơ sở giáo dục đại học đã chia sẻ về việc xác định các chiến lược quốc tế hóa chính trong một trường đại học, bao gồm các chiến lược và hoạt động hợp tác quốc tế ở cấp độ trường và cách phát triển kế hoạch quốc tế hóa chiến lược toàn diện, thảo luận về các yếu tố thuận lợi và khó khăn cho quốc tế hóa giáo dục đại học.

Tại chuỗi tập huấn, đại diện quản lý, giảng viên cốt cán được giao nhiệm vụ phát triển các chương trình liên kết đào tạo đã trao đổi, nêu ý kiến, giải pháp xung quanh các vấn đề như nguồn lực, các tiêu chí hoạt động, xây dựng phân hiệu các trường đại học tại các quốc gia, thách thức và cơ hội đối với các cơ sở giáo dục đại học.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, bà Sarah Hooper, Đại Biện lâm thời, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và ông John Molony đã trao chứng chỉ cho các cán bộ, giảng viên tham dự chương trình tập huấn.

Thành lập Hội đồng Giáo sư nhà nước nhiệm kỳ 2024 – 2029

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 300/QĐ-TTg ngày 11/4/2024 thành lập Hội đồng Giáo sư nhà nước nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Hội đồng Giáo sư nhà nước nhiệm kỳ 2024 - 2029 có cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc làm việc theo quy định tại Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg ngày 31/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. Các Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Châu Văn Minh; nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế giảng viên cao cấp Trường ĐH Y Hà Nội Lê Quang Cường; nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, giảng viên cao cấp Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hoàng Văn Cường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ