Công bố đề tham khảo, thời gian thi tốt nghiệp THPT năm 2024
Hai thông tin quan trọng về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được công bố tuần qua là thời gian tổ chức thi và đề tham khảo.
Lịch thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được Bộ GD&ĐT công bố chiều 22/3. Theo đó, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được tổ chức vào các ngày 26, 27, 28, 29/6/2024.
Cụ thể, ngày 26/6: làm thủ tục dự thi; ngày 27,28/6/2024: tổ chức coi thi; ngày 29/6/2024: dự phòng.
Thời gian công bố kết quả thi dự kiến vào 8 giờ 00 ngày 17/7/2024. Sau đó, các địa phương tiến hành xét tốt nghiệp cho học sinh dự thi và sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng theo kế hoạch tuyển sinh.
Trong tháng 4 và tháng 5/2024, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức các Hội nghị tập huấn kỹ thuật về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cho tất cả các địa phương.
Lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024. |
Đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được Bộ GD&ĐT công bố sáng 22/3.
Năm 2024 là năm cuối cùng thực hiện dạy học và thi theo Chương trình GDPT năm 2006. Do đó, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024 về cơ bản giữ ổn định cấu trúc như Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Tuy nhiên, để chuẩn bị chuyển sang một giai đoạn mới nên trong đề thi có sự tăng cường hợp lý một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn để từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực phù hợp với mục tiêu yêu cầu phát triển năng lực phẩm chất người học của Chương trình GDPT 2018, cụ thể:
Về cấu trúc, định dạng và mức độ phân hóa: đề thi cơ bản giữ ổn định với 4 cấp độ nhận thức nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao; phù hợp với các mục tiêu của Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Về nội dung: đề thi bảo đảm khoa học, chính xác theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của Chương trình giáo dục phổ thông 2006; có độ phân hóa cao hơn, đặc biệt là các câu hỏi ở cấp độ vận dụng và vận dụng cao. Ngoài ra, trong các đề thi có những câu hỏi nhằm giải quyết các vấn đề thực tế cuộc sống, xã hội, được xây dựng tiệm cận theo định hướng đánh giá năng lực người học giúp đánh giá được năng lực thí sinh một cách công bằng và chính xác.
Về dạng thức câu hỏi: môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, đề thi được xây dựng theo hướng khuyến khích học sinh phát huy tính sáng tạo, hạn chế văn mẫu. 14 môn còn lại thi trắc nghiệm khách quan với 4 lựa chọn A hoặc B, C, D.
Đề thi tham khảo là tài liệu cho giáo viên và học sinh tổ chức ôn tập để chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
|
Trao 106 giải Cuộc thi KHKT cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2023 -2024
Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2023 -2024 diễn ra trong 3 ngày (20, 21, 22/3/2024) tại thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang với 149 dự án thuộc 74 đơn vị tham gia dự thi.
Sau 3 ngày làm việc công tâm, khách quan, tích cực với tinh thần trách nhiệm cao, Ban Tổ chức đã trao 106 giải, trong đó có 10 giải Nhất, 17 giải Nhì, 23 giải Ba, 27 giải Tư và 29 giải Triển vọng.
Thay mặt Ban Giám khảo Cuộc thi, PGS.TS Trần Huy Hoàng - Trưởng Ban Giám khảo Cuộc thi cho biết: các lĩnh vực nghiên cứu được các em lựa chọn năm nay khá phong phú, nhiều đề tài đã có nội dung và phương pháp phù hợp thực tiễn.
Tiến trình nghiên cứu, trình bày và báo cáo khoa học được thực hiện theo đúng yêu cầu của một nghiên cứu khoa học. Một số đề tài đã tiếp cận được các vấn đề lớn, có tính khái quát, kỹ thuật cao, được thực hiện trong các phòng thí nghiệm hiện đại.
Đặc biệt, rất nhiều dự án tiếp cận theo hướng ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI. Điều này cho rằng, các em đã phát hiện ra nhiều vấn đề mới, giúp rèn luyện và nâng cao nghiên cứu khoa học cho bản thân.
Các đề tài năm nay cũng được chuẩn bị công phu hơn và đúng theo quy trình của một công trình khoa học dự thi. Trong đó, có những dự án đã quy tụ được những ý tưởng khoa học độc đáo, hàm lượng khoa học cao.
Đa số các đề tài đều có sự đầu tư đáng kể cả về hình thức lẫn nội dung. Đặc biệt, kỹ năng trình bày báo cáo của các em rất rõ ràng, tự tin. Các câu hỏi của Ban Giám khảo cũng như trả lời của các em học sinh ngắn gọn, đi thẳng vào trọng tâm vấn đề khoa học.
Nhiều học sinh có kiến thức hiểu biết tốt trong lĩnh vực nghiên cứu của mình. Đây là minh chứng cho sự học hỏi, tìm tòi và tham khảo các tài liệu khoa học cả trong và ngoài nước.
Một số em còn cho thấy khả năng ngoại ngữ khi trình bày và trả lời lưu loát câu hỏi bằng tiếng Anh do các thầy cô trong Ban Giám khảo đặt ra. Điều đó, cho thấy các dự án của Việt Nam đủ tự tin tham gia vào Cuộc thi quốc tế diễn ra tại Hoa Kỳ trong thời gian tới.
|
Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Ban Chỉ đạo Cuộc thi, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá, Cuộc thi năm nay thành công tốt đẹp. Đây là năm thứ 12 cuộc thi diễn ra nên chỉ đạo, lãnh đạo là phải phát huy tối đa những ưu điểm, hạn chế, rút kinh nghiệm những tồn tại của những cuộc thi trước.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT ghi nhận và đánh giá cao sự phối hợp, tham gia, chu đáo, tận tình, chuyên nghiệp, trách nhiệm của Sở GD&ĐT, UBND tỉnh Bắc Giang. Mọi khâu chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng để các đoàn, các em học sinh yên tâm tham dự cuộc thi.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng ghi nhận và đánh giá cao sự công tâm, khách quan của Ban giám khảo. Những đề tài của học sinh năm nay tham gia, lựa chọn chất lượng hơn, những dự án dự thi đoạt giải cũng rất xứng đáng.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã tuyên bố phát động và trao cờ đăng cai tổ chức Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2024-2025 cho Sở GD&ĐT thành phố Hồ Chí Minh.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý về công tác chuẩn bị, tổ chức Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 năm 2024. Ảnh MOET. |
Sẵn sàng cho Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13
Ngày 22/3, Bộ GD&ĐT đã có cuộc làm việc với UBND thành phố Đà Nẵng về triển khai công tác chuẩn bị, tổ chức Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 năm 2024. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh chủ trì cuộc làm việc.
Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13 năm 2024 (Asean School Games 13) dự kiến được tổ chức từ ngày 31/5 đến ngày 9/6/2024 tại thành phố Đà Nẵng. Đây lần thứ 2 Việt Nam đăng cai tổ chức sự kiện này, lần trước đó là vào năm 2013.
Hội đồng Thể thao học sinh Đông Nam Á đã thông qua kế hoạch tổ chức Đại hội, số môn thể thao và số bộ huy chương của Đại hội. Theo đó, tổng số các môn thể thao tổ chức trong chương trình thi đấu là 6 môn với 107 bộ huy chương. Trong đó, Bơi 36 bộ huy chương, Bóng rổ 2 bộ huy chương, Cầu lông 7 bộ huy chương, Điền kinh 36 bộ huy chương, Pencak Silat 16 bộ huy chương, Vovinam 10 bộ huy chương.
Theo Ban Tổ chức, dự kiến sẽ có khoảng 1.500 vận động viên, huấn luyện viên, đại biểu đến từ 10 quốc gia Đông Nam Á tham dự sự kiện. Tổng số nhân lực tham gia và tổ chức sự kiện khoảng 3.000 người.
Trước đó, Ban Tổ chức đã tổ chức lựa chọn logo, linh vật cho Đại hội và tổ chức Hội nghị Trưởng đoàn của 10 nước tham gia Đại hội tại thành phố Đà Nẵng.
Trao đổi tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhận định: Mặc dù quy mô Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á không quá lớn nhưng tính chất là hoạt động mang tính quốc tế, thể hiện quan điểm ngoại giao của Việt Nam với các nước trong khu vực nên đây là sự kiện quan trọng.
Về một số việc trước mắt, Bộ trưởng lưu ý Ban Tổ chức sớm hoàn thiện kịch bản chi tiết của từng nhiệm vụ, tránh để bị động. Các nội dung chương trình khai mạc, bế mạc tinh thần chung là đơn giản, không quá cầu kỳ, mang tinh thần chào đón của Việt Nam, của thành phố Đà Nẵng và phù hợp với tính phong trào, lứa tuổi của học sinh.
Đối với kế hoạch luyện tập, tổ chức vận động viên của đoàn Việt Nam tham dự Đại hội được giao cho Cục Thể dục Thể thao (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) chủ trì, Bộ trưởng lưu ý, không đặt nặng thành tích mà mang tinh thần phong trào, động viên, khuyến khích được tinh thần thể thao của học sinh trong trường học; do đó, việc luyện tập không nên quá căng thẳng, ảnh hưởng tới học tập của học sinh.
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã tới thăm và trò chuyện với giáo viên, học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, thành phố Đà Nẵng.
Tới thăm các lớp học của các em học sinh lớp 11 - đây là lứa học sinh đang học theo Chương trình GDPT 2018 và sẽ là những học sinh thi tốt nghiệp THPT theo phương án mới vào năm 2025 - Bộ trưởng đã trò chuyện với học sinh, giáo viên ở đây về tình hình học tập, hoạt động kiểm tra, đánh giá theo Chương trình mới.
Tuần qua cũng có một số hoạt động giáo dục đáng chú ý như: Bộ GD&ĐT phối hợp với Tổ chức Đối tác toàn cầu về giáo dục (GPE), Quỹ Nippon (TNF), Tổ chức Cứu trợ trẻ em (SC) tổ chức khởi động dự án nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em khuyết tật tại Việt Nam; tập huấn triển khai thực hiện Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT ngày 5/2/2024 ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục đại học; vinh danh thành phố Sơn La được ghi danh vào mạng lưới "Thành phố học tập toàn cầu" của UNESCO; cho ý kiến về dự thảo “Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045”…