(GD&TĐ) - Mùa xuân là mùa lễ hội, khi cảnh quan đẹp nhất trong năm, cũng là dịp tốt nhất để khám phá văn hóa mỗi vùng miền – đó là lý do để các bạn trẻ cùng nhau đi “phượt”. Chỉ cần 1 nhóm khoảng 3, 4 người cùng xe máy, tấm bản đồ và lộ phí đi đường là các bạn trẻ có thể xách ba lô lên đường ...
Đã thành thông lệ, cứ dịp đầu xuân anh Hùng – cán bộ công ty môi trường lại lên đường... Sau những lần ăn Tết cùng bà con Tây Nguyên hay ngao du sông nước miền Tây..., năm nay, anh quyết định khám phá mảnh đất Vân Nam Trung Quốc với những địa danh nổi tiếng như Đại Lý, Lệ Giang, cao nguyên Shangrila...
"Mỗi lần đi lại một lần thấm rằng mỗi miền đất có những nét văn hóa đặc sắc riêng. Mình nhớ dịp Tết 2009 đi Tây Nguyên vào đúng dịp hoa cà phê nở, háo hức lắm. Hồi đó mình đi máy bay vào Đà Nẵng rồi thuê xe máy lang thang đi tiếp, chụp ảnh, thăm nghệ nhân, cảnh quan, các di tích lịch sử...", anh Hung say sưa kể lại kỷ niệm chuyến đi Kon Tum - Buôn Mê Thuột.
Chàng trai 31 tuổi cho biết, anh thích phượt một mình hoặc rủ thêm 1-2 người bạn. "Đi ít người cũng có cái hay, đến mỗi nơi, mình sẽ phải tự tìm bạn, tự giao lưu, chứ không tìm niềm vui nơi bạn bè đông đúc như những nhóm nhiều người. Có khi dừng chân đâu đó, bỗng thấy nhớ nhà, nhớ Hà Nội da diết. Sau những giây phút đó, mình trân trọng cuộc sống hơn, và khi trở về, cảm thấy gia đình mình thật thân thương, gắn bó", anh Hùng chia sẻ.
Mùa xuân được xem là dịp lý tưởng để họ thỏa sức đam mê với những chuyến đi xa, thoát khỏi vòng quay hối hả chốn đô thành. Vũ Đức (Sinh viên Học viên Báo chí và Tuyên truyền) cho biết, chuyến “phượt” Sa Pa nhóm dự định đã lâu nhưng năm nay mới có cơ hội thực hiện. Mới ăn Tết xong, nhóm Đức lên đường ngay. Khí trời và thiên nhiên mùa xuân mát lành, nên thơ khiến người đi “phượt” cũng cảm thấy phấn chấn hơn.
Đức tâm sự: “phượt” không đơn giản chỉ là một chuyến du lịch ngẫu hứng mà đó thực sự là một cuộc thử thách chính mình nếu không muốn nói đó là một cuộc “hành xác” để... vui. Và điều quan trọng nhất với nhóm bạn trẻ này là được sẻ chia niềm vui với những em bé nghèo vùng cao. Đức cùng những người bạn của mình cũng đã chuẩn bị quần áo, sách bút và bánh kẹo để mang lên cho các em bé vùng cao. Đức không giấu nổi niềm vui khi nhắc về những đôi mắt trong trẻo và hân hoan ấy: “Nhìn ánh mắt và nụ cười vui sướng của các em bé lang thang khi nhận từ tay mình những món quà, khiến mình thực sự hạnh phúc. Thật tự hào khi được góp một phần công sức bé nhỏ để thắp lên niềm vui ấm áp cho các em”, Đức chia sẻ.
Các bạn trong nhóm của Đức cũng cho rằng “phượt” còn để khám phá bản thân. Không gì đánh thức những khả năng tiềm ẩn của bạn tốt hơn một chuyến du lịch mạo hiểm. Khi đó, một mình phải chịu trách nhiệm về sự sinh tồn của mình , bạn sẽ đột ngột trở nên dũng cảm, thông minh, gan góc, linh hoạt mà chính bạn ngày ngày giam mình trong bốn bức tường thành phố sẽ không bao giờ có cơ hội nhìn ra.
Trở về nhà, dù tơi tả sau vài ngày đi “bụi” nhưng các bạn trẻ có được trải nghiệm hết sức thú vị cùng những tấm ảnh và kỉ niệm đẹp. Bạn Lê Thùy (Sinh viên Đại học Luật – Hà Nội) vừa mới tải bộ hình chụp ở Hà Giang đẹp mê hồn khiến bạn bè trầm trồ. Đó là kết quả của chuyến du xuân bụi bặm từ TP Hà Nội lên điểm đầu tổ quốc của nhóm Thùy. Thùy cho biết để có được chuyến đi này, các bạn đã tìm kiếm thành viên trên các trang mạng xã hội và diễn đàn cả tháng liền. Do đó sau chuyến đi, nhóm không chỉ biết cách vượt qua những khó khăn gặp phải, thử thách bản lĩnh của mình mà còn có thêm nhiều người bạn mới.
Giới trẻ vẫn gọi “phượt” là đi để khám phá và chinh phục; đi để giải tỏa căng thẳng, làm mới mình, nạp thêm năng lượng để sống và trên hết là đi để thử thách mình. “Phượt” để cảm nhận không khí đón xuân trên mọi vùng miền của đất nước. “Phượt” để đón lộc đầu năm, giao hòa với thiên nhiên tràn trề nhựa sống. Và “phượt” để khám phá, để biết yêu quê hương đất nước và chính bản thân mình.
Thủy Linh