"Làng tôi" hướng đi mới cho sân khấu xiếc Việt Nam

"Làng tôi" hướng đi mới cho sân khấu xiếc Việt Nam

(GD&TĐ) - Không đi theo phương pháp truyền thống là nững tiết mục xiếc đơn lẻ mà xây dựng một chương trình có ý tưởng, nội dung rõ ràng, có lớp lang với các diễn viên đa năng vừa múa, vừa chơi nhạc, vừa làm xiếc để truyền tải thông điệp một cách rõ ràng đến người xem. Vở xiếc “Làng tôi” đã chinh phục được đông đảo khán giả Thủ đô trong lần trở lại quê hương này.

Một cảnh trong vở xiếc "Làng tôi"
Một cảnh trong vở xiếc "Làng tôi"

Năm 2005 “Làng tôi” đã ra mắt khán giả Việt Nam phiên bản đầu tiên được giàn dựng với 100 người biểu diễn. Đến năm 2008, bản diễn được dựng lại với 20 người, sau hai buổi diễn thử trong nước “Làng tôi” đã khăn gói lên đường đi Anh, Pháp, Mỹ và nhiều quốc gia ở Châu Âu khác để biểu diễn và quảng bá hình ảnh của xiếc Việt Nam cùng bạn bè quốc tế. Sau bốn năm công diễn ở xứ người vở diễn đã gặt hái được nhiều thành công và lần trở về Việt Nam này vở diễn “Làng tôi” đã cho ta thấy một trải trải nghiệm thú vị về một cách chọn lựa hướng đi mới để tìm kiếm khán giả và tìm kiếm chỗ đứng cho chính môn nghệ thuật xiếc vốn lâu nay ở VN chỉ được coi là các “trò diễn” nhỏ lẻ, vụn vặt, dành cho trẻ em.

Theo đạo diễn, nghệ sĩ Nguyễn Nhất Lý: “Để giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam có chỗ đứng trong lòng khán giả thì nhiều khi chúng tôi buộc phải đi đường vòng; tức là ra thế giới, gây ấn tượng với bên ngoài rồi tiếng lành mới có thể “đồn” về Việt Nam, khiến công chúng trong nước tò mò, quan tâm...”

 

Kịch bản của vở diễn “Làng tôi” không quá gay cấn, không có quá nhiều nút thắt, nhưng lại mang vẻ đẹp của một công trình kiến trúc bằng tre, sân khấu và đạo cụ chủ yếu là tre với ống nứa, rổ tre, mõ tre, mành tre... Các nghệ sĩ trên sân khấu là những kiến trúc sư không ngừng biến hóa, nhào lộn để tạo nên sự cân bằng và vẻ hoàn mỹ cho vở diễn. Những âm thanh như tiếng gà gáy, tiếng gió rì rào của những rặng  tre đến tiếng tụng kinh gõ mõ của bậc tu hành, những lời mẹ ru con ngủ, tiếng chổi quét sân khe khẽ, đến những hạt mưa tưới mát ruộng đồng... Đã mang đến cho khán giả một vở xiếc mang đậm hồn dân tộc, trở thành một bữa tiệc văn hóa đa dạng về âm thanh và màu sắc đậm chất Việt; trở thành một món “Đặc sản” của Việt Nam để khán giả trong và ngoài nước nhớ tới.

Vở diễn “Làng tôi” sẽ được ra mắt khán giả Thủ đô vào ngày 10-8-2012 tại Nhà Hát lớn Hà Nội và sẽ chính thức công diễn hàng tuần bắt đầu từ tháng 4-2013.

"Làng tôi" thuộc thể loại “xiếc mới”. Đạo diễn Tuấn Lê của Làng tôi cho biết: “Xu hướng chung của xiếc trên thế giới là không dàn dựng các tiết mục đơn lẻ nữa mà xây dựng chương trình có ý tưởng, có nội dung rõ ràng hay vở diễn có lớp lang và đưa được thông điệp đến người xem. Diễn viên phải “đa năng”, vừa múa, vừa chơi nhạc, vừa làm xiếc, ngoài biểu diễn sân khấu còn đóng vai trò như khán giả, nghe nhạc và xem các đồng nghiệp khác diễn...”. …

Vũ Thành Duy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ