"Khoảng lặng" trong cõi nhân sinh…

"Khoảng lặng" trong cõi nhân sinh…
Bìa tập thơ
Bìa tập thơ

Hải  Đường xuất hiện trong làng thơ  không còn mới mẻ - nếu xét về  danh tính. Đây là tập thơ thứ ba Hải Đường “trình làng” với độc giả. Cả ba tập thơ của anh (Miền phù sa, Mưa cỏ, Khoảng lặng) đều ra mắt độc giả như một sự trải lòng - tri ân với đời, với những gì thiêng liêng, thân thiết nhất. Nếu như hai tập thơ trước, thế giới của vạn vật xuất hiện trong anh với sự tinh khôi, có phần ngỡ ngàng-thì ở tập này - độc giả nhận ra có một Hải Đường trong chiều sâu của cảm xúc triết lý với những bộn bề và trăn trở ...

Hải  Đường đang làm cuộc lộ trình vừa song hành, vừa ngược chiều với thời gian. Thời gian trong thơ anh là thời gian của ký ức, của kỷ niệm với những hoài niệm, khát vọng, và những giấc mơ…nhưng cũng là thời gian ám ảnh đủ khiến những câu thơ đầy tính nhân văn và triết lý xuất hiện và bất chợt neo lại bền lâu trong cảm thức mỗi người.

Có  lẽ đây là một trong những lý do khiến cho thơ Hải Đường “đứng” được trong tâm thức độc giả, khi sự hỗ mang của con chữ  và sự nghịch dị  về ý tưởng đôi khi như là sự thách đố độc giả  trong ít nhiều tập thơ xuất hiện hiện nay.

1-Tôi thích những câu thơ xuất hiện như để cắt nghĩa nguyên lý cuộc sống, nguyên lý cảm xúc của Hải Đường.

Có một buổi chiều hoang vắng, đi trong lời ru của mẹ, nhà thơ nhận ra một nguyên lý ở đời : nguyên lý của lòng nhung nhớ và biết ơn. Nhưng ngay chính điều dễ nhận ra ấy, đôi khi cũng chỉ cảm nhận bằng con tim, và câu thơ cũng không thể ồn ào:

… “ Con đi bao núi bao rừng

Chỉ  mong một chút ấm lưng mẹ  nằm

Lời ru luân khúc tháng năm

Mặt trời lặn xuống trăng rằm tròn lên…”

( Khúc tháng năm)

Ở đây, nhà thơ đi theo lời ru , hay lời ru đi theo nối nhớ…cũng không rõ nữa. Chỉ chắc chắn có một điều, cội nguồn của câu thơ là lòng biết ơn-mà lòng biết ơn thì luôn bền vững trong cảm xúc và tâm niệm của con người. Lời thơ khiến người đọc xúc động cũng bởi chính lẽ đó.

Cắt nghĩa sự tồn tại của lòng biết ơn, Hải Đường đã chỉ ra nguyên do và cội nguồn sâu thẳm bên trong nó. Anh thẩn thơ và xót xa trước vệt thời gian in bóng chân cha trong bóng chiều ký ức:

… “Chẳng để lại gì trước lúc đi xa

Chỉ  để lại những dấu chân  trong ký ức

Ngón chân cái tõe ra như dấu hỏi

Cha tôi bóng đổ đường chiều…”.

( Dấu chân cha)

Người đọc nhận ra Hải Đường đi theo ký ức và  khắc sâu trong tâm khảm lòng biết ơn-đằng sau mất mát, nhọc nhằn của cha, của mẹ-của cuộc sống này…

Những câu thơ trầm lắng, như đắm chìm trong cảm xúc miên man khi nhớ về những kỷ niệm đã qua như vậy không ít trong tập thơ.

Nhưng đó mới chỉ là một phần của bức tranh đa diện cảm xúc  trong thơ.

Điều đáng ghi nhận nhất của Hải Đường trong tập thơ này là phong cách nghệ thuật thơ Hải Đường.

Trước hết -đó là cách nói triết lý, đầy tính nhân văn, đằm sâu nhưng dữ dội trong thể hiện bức tranh đa chiều của cuộc sống.

Chiến tranh mang bộ mặt đau thương và chết chóc, được phác họa qua những câu thơ giản dị, xót xa:

“Người lính trở về trong chiến tranh

Cha mẹ  không còn

Vợ  đợi chờ qúa lâu

Thành dâu nhà khác

Bậu cửa mòn đêm…rêu xanh ngơ  ngác

Chiếc ba lô, quả núi trên lưng…”

( Sau chiến tranh).

“Sau chiến tranh” là những câu chuyện còn mất, là nỗi đau  không mang tính cá biệt, đủ để  chúng ta nhận ra -trong sự nghẹn ngào và chia sẻ cảm thông. Nỗi đau này lớn lao, bởi đó là nguyên lý của chiến tranh. Có thể nói, trong tập thơ, có nhiều bài Hải Đường viết về chiến tranh. Nhưng có lẽ ở bài này, cuộc chiến khốc liệt mới được phác họa như bức tranh sinh động với gam màu lạnh trong  sự hiện diện của mất mát đau thương nhất.

Vâng, “ điệp khúc sau chiến tranh/những nợ nần chưa trả” mà người lính -nhà thơ Hải Đường đã cảm nhận nó bởi sự hiện diện đâu đó trong cuộc đời rất thật này.

Đó là sự thật nhưng không là tất cả. Bằng chuyện “ Chuyện người chăn vịt”, nhà thơ Hải Đường đã nhận ra người lính cầm quân năm nào bây giờ “cầm quân” với “cờ lệnh” canh giữ đội quân vịt giữa cuộc sống đời thường. Anh nhận ra nguyên lý mưu sinh của cuộc sống con người cần bắt đầu cũng phải bằng sự trung thành, trọn vẹn, công bằng:

… “ Đừng ai bảo lùa nhau như lùa vịt

Lơ  ngơ kia vẫn nhớ lối nhớ  đàn

Cái tép con tôm mò chung một vũng

Chẳng khi nào bùn vẩy lấm lưng nhau…”

Tính triết lý của câu thơ đã đẩy độc giả vào chiều sâu của nhận thức và cảm xúc. Đây không còn là câu chuyện chăn vịt của người lính sau chiến tranh.Nó là câu chuyện luân lý không bao giờ  cũ về ứng xử của con người trong cuộc sống.

Hầu hết  về đề tài  chiến tranh và hậu chiến, Hải Đường đều cắt nghĩa nguyên do sự tồn tại hay mất mát, gần gũi và xa cách, hèn hạ hay cao thượng… qua lô gich và lăng kính của người quan sát và trong cuộc. Tuy nhiên, trong bức tranh đa chiều của cuộc sống, anh đều cắt nghĩa bằng khởi nguồn của nguyên  lý của nhung nhớ và yêu thương trong mỗi con người.

Khởi nguồn từ tin yêu, anh nhận thấy bức tranh đa diện, ấm  áp đầy ân tình mà cuộc sống ban tặng cho mình. Đó là hơi thở ấm áp của quê hương, ánh nhìn và tấm lòng trìu mến của người thân, sự gần gũi và da diết của kỷ niệm, sụ xẻ chia, gắn bó của con người trong gian khó…Những bài thơ Hải Đường dành cho con, cháu, về vệt nắng, phù sa, về làn hương ngoại ô, hay về miền quê đã đi qua… đã khiến độc giả thích thú bởi sự rung động chân tình và cách nói giàu tính liên tưởng của tác giả.

Ngày con gái  đi lấy chồng, sự trìu mến, dâng tràn trong tấm lòng yêu thương của người cha trong anh:

… “ Nắng lên như thắm vườn trầu

Nắng non như thể nàng dâu mới về”

( Ngày mai con về nhà chồng).

Còn đây là cái nhìn suy tư trầm lắng trước câu chuyện cổ tích của làng quê mơ thực của tác giả:

… “ Có con sáo nhặt quả đa từ miền xa thẳm

Đánh rơi xuống rãnh cày

Ngày mai ngày kia sẽ nhú lên mầm xanh

Cổ  tích làng quê chẳng thể  nào đứt gãy…”

( Cõi xanh)

Có lúc  anh lại miên man giữa hai bờ hư-thực, mà nguyên cớ lại vu vơ như thế này:

… “ Mưa sau vành nón cô dâu

Lá  răm thì sắc, lá trầu thì  cay

Lối mòn kẻ chỉ bàn tay

Đa mang cho trọn kiếp này thì thôi…”

( Lối mòn kẻ chỉ bàn tay)

Đôi khi nhà thơ lại bâng khuâng tiếc nuối và ước ao tình yêu và cuộc đời không bao giờ có sự lỗi hẹn:

“ Gió mùa đỏng đảnh đi qua Tết

Người ngoan đôi má thoáng ửng hồng

Giá  mà cứ rét anh về  kịp

Hoa cỏ  vì ai trắng bên sông…”

( Rét tháng Giêng)

2 - Những giấc mơ cổ tích luôn ẩn hiện trong những triết lý thơ Hải Đường. Người đọc nhận ra khi anh viết về chiến tranh hay thời bình, viết về tình yêu hay quê hương, nỗi buồn hoặc niềm vui, yêu thương hay nhung nhớ…thì đi qua sự quặn thắt ấy, thấp thoáng một giấc mơ cổ tích hiện về. Cổ tích về một cái đẹp tưởng như biến mất trong đời, cổ tích về lòng biết ơn, về sự trải nghiệm và cả những gì giản đơn, mong manh nhất…Yếu tố tương phản, giàu chất dân gian, triết lý đã khiến thơ Hải Đường  ám ảnh trong độc giả.

“ Ngụ ngôn”, “ Nhạt”… là giả định về sự đảo chỗ không chỉ của ngôn từ mà là việc đóng thế của ý tưởng và nhân vật, “ Bóng” là sự lấp lánh của huyền thoại qua chiêm nghiệm triết lý của ngôn từ rút từ gan ruột nhà thơ, “Cõi Xanh” khiến người đọc giật mình về những điều của văn hóa tâm linh sắp mất, “ Hương ngoại ô” lại khiến chúng ta thảng thốt bởi những khúc giao mùa…

Mỗi bài thơ là một cách nhìn cuộc sống, đa diện, nhưng tinh tế, triết lý và nhân văn.

Có thể  nói, với hơn 60 bài ở tập thơ thứ ba này, Hải Đường như người đi đào quặng. Đằng sau những vỉa đất nâu dung dị của chữ nghĩa, lấp lánh những vỉa quặng quý-của ý tưởng , triết lý và tinh tế của thi ca. Độc giả mừng vì cuối cùng, anh đã tìm thấy và dâng tặng cho đời những vỉa quặng- thơ ca đặc sắc ấy. Đẩy nghĩa thực sự vào chữ, để đem lại sự mỹ cảm cần thiết và bổ ích cho người đọc, Hải Đường đã thành công trong lộ trình đến với thơ ca đích thực. Qua hình tượng thơ, anh luôn cắt nghĩa đến tận cùng vạn vật bằng những nguyên lý của cảm xúc.  Vì vậy, độc giả thích thú và ghi nhận cái “ Khoảng lặng” mà anh đem đến cho độc giả ấy, bởi nó được xuất phát từ trái tim thi sĩ với những động rung đích thực về cái đẹp, cái thiện với những giấc mơ chưa đến được trong đời…/.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ