(GD&TĐ)-Cùng với doanh nghiệp, trường ĐH là một trong những địa chỉ quan trọng cần xây dựng môi trường văn hóa sở hữu trí tuệ (SHTT). Chính sự lớn mạnh của những tài sản trí tuệ của mỗi cán bộ, giảng viên, sinh viên cùng ý thức bảo vệ quyền SHTT và thái độ tôn trọng đối với quyền SHTT của người khác góp phần không nhỏ tạo nên giá trị của trường ĐH. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ở rất nhiều trường ĐH, sự hiểu biết hạn chế về SHTT dường như không chỉ phổ biến với sinh viên mà với cả những cán bộ, giảng viên.
Ảnh minh họa: TL internet |
Sinh viên xa lạ với SHTT
Nguyễn Thị Tú Anh – Sinh viên Trường ĐH KHXH&NV thực hiện một nghiên cứu nhỏ trên 100 sinh viên về thực trạng văn hóa SHTT của sinh viên trong trường ĐH KHXH&NV Hà Nội. Theo đó, chỉ có 1 sinh viên cho biết đã tìm hiểu luật SHTT ở mức độ rất kỹ, 31 sinh viên tìm hiểu luật này ở mức bình thường, 41 sinh viên tìm hiểu rất sơ sài và 23 sinh viên chưa từng tìm hiểu về luật này. Hầu hết các sinh viên không để ý tới việc tác phẩm của mình có bị sao chép hay không. Gần 74% sinh viên trả lời đã từng không trích dẫn nguồn khi làm các bài tiểu luận...
Sinh viên Nguyễn Thị Lan Anh (Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội) cho biết, bạn cùng nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát trên 90 sinh viên của 3 trường ĐH: Bách khoa Hà Nội, ĐH KHXH&NV và ĐH KHTN về thực trạng xâm phạm quyền tác giả hệ điều hành windows.
Mặc dù được đào tạo ở lĩnh vực CNTT, sử dụng máy tính ở mức chuyên sâu, nhưng chỉ có 18/30 sinh viên khoa CNTT và khoa KTMT&TT của Trường ĐH Bách khoa sử dụng hệ điều hành windows chính hãng. Điều đáng nói là, sinh viên khoa CNTT trường này được sử dụng windows chính hãng miễn phí bởi khoa có chương trình liên kết với hãng Microsoft.
Còn lại, với số sinh viên được khảo sát tại khoa KHQL Trường ĐHKHXH&NV và khoa Toán học Trường ĐH KHTN, chỉ có 1 trên 30 sinh viên mỗi trường hiện sử dụng windows chính hãng.
Cũng theo nghiên cứu nhỏ này, sinh viên không quan tâm tới vấn đề bảo hộ quyền SHTT nói chung và vấn đề bảo hộ quyền tác giả với hệ điều hành windows nói riêng. “Khi được hỏi anh chị có tố giác khi bạn bè mình thực hiện hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với hệ điều hành windows và lý do tại sao không tố giác, có đến 22/30 sinh viên Trường ĐH KHXH&NV, 27/30 sinh viên trường ĐH Bách khoa và 29/30 sinh viên ĐH KHTN trả lời là không tố giác và không quan tâm tới vấn đề này” - Nguyễn Thị Lan Anh cho hay.
Theo Th.S Trần Văn Hải (ĐH KHXH&NV Hà Nội), một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế về nhận thức trong vấn đề SHTT không chỉ ở các trường ĐH là do việc tuyên truyền pháp luật còn nhiều hạn chế. Kèm theo đó, đào tạo về SHTT ở Việt Nam tuy đã có nhưng còn khá nhỏ lẻ. Từ phía các nhà trường, nguồn lực đầu tư cho môn học SHTT còn nhiều hạn chế, số lượng giảng viên chuyên sâu về lĩnh vực này khá khiêm tốn. Về phía sinh viên, ngay cả khi được đào tạo bài bản cũng không nhận thức đầy đủ và đúng đắn về vấn đề được học. Kèm theo đó là tư tưởng thích xài đồ mà không mất tiền, dù biết đó là vi phạm luật.
Phải thay đổi tư duy
Thừa nhận vấn đề SHTT chưa được quan tâm nhiều trong các trường ĐH, nhiều giảng viên được hỏi cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền kiến thức SHTT vào cuộc sống qua nhiều hình thức, thay đổi dần cách tư duy thích dùng hàng mà không mất tiền mua của đại bộ phận người dân Việt Nam hiện nay.
Nguồn nhân lực về SHTT của nước ta hiện nay còn thiếu và yếu. Cần nâng cao hệ thống trường đào tạo về SHTT cả số và chất lượng. Các cơ quan chức năng tháo gỡ những bất cập còn tồn tại để các trường mạnh dạn hơn trong việc đưa SHTT vào đào tạo. Thêm nữa, chú ý đầu tư cho việc phát triển các nguồn tài liệu nhue sách, tranh ảnh và các tài liệu khác về SHTT để mọi người có thể dễ dàng tìm đọc.
Th.S Vũ Thị Cẩm Thanh, giảng viên Trường ĐH KHXH&NV khuyến nghị, cần khuyến khích tính sáng tạo, tính mới của sinh viên trong việc tạo ra tài sản trí tuệ, có thể thông qua các cuộc thi viết với những giải thưởng hấp dẫn; tổ chức các CLB nghiên cứu khoa học... Nêu cao khẩu hiệu “môi trường văn hóa SHTT” trong cá trường ĐH. Tuy nhiên, Th.S Vũ Thị Cẩm Thanh cũng lưu ý, xây dựng văn hóa SHTT phải gắn liền với sự xem xét sự phù hợp với bản sắc văn hóa của mỗi cá nhân, của tổ chức, bởi
Theo TS.Lê Thị Thu Hà – giảng viên Trường ĐH Ngoại thương, hiện nay, trường đã đưa SHTT và quyền tác giả vào giảng dạy và trở thành môn chuyên ngành, đào tạo chính thống trong trường. ĐH Ngoại thương cũng đã áp dụng công nghệ khoa học vào quản lý, kiểm soát thực hiện bảo vệ quyền tác giả; tăng cường biện pháp xử lý vi phạm quyền tác giả... ĐH Ngoại thường đã và đang trở thành đơn vị tiên phong trong giáo dục và đào tạo quyền tác giả, bảo vệ quyền tác giả. Nhưng, dù các biện pháp đã được áp dụng rất linh hoạt nhưng tình trạng vi phạm bản quyền vẫn đang diễn ra. TS.Lê Thị Thu Hà cho rằng, nguyên nhân chủ yếu khiến cho quá trình thực hiện bảo vệ quyền tác giả không mang lại nhiều hiệu quả tích cực là do việc thiếu kiến thức về quyền và bảo vệ quyền. Chính vì vậy, đã đến lúc, chúng ta cần phải có những giải pháp hợp lý để tìm ra lối thoát cho công cuộc thực thi quyền tác giả đang đi vào bế tắc như hiện nay.
Hiếu Nguyễn