(GD&TĐ) - Cùng với diễn biến ngày càng phức tạp của nạn buôn bán người, những năm gần đây, các đối tượng tội phạm không ngừng có những “chiêu trò” mới để qua mặt cơ quan chức năng và “gài bẫy” nạn nhân. Trong số này, một loại tội phạm buôn bán người mới đã phát sinh và đang trở nên phổ biến: nạn “gái hàng quay”.
Vừa là thủ phạm, vừa là… nạn nhân
Một nhóm đối tượng buôn bán người đang bị đưa ra xét xử |
Tỉnh biên giới Lào Cai nằm ở phía Bắc đất nước, là một trong những địa bàn trọng điểm hoạt động của bọn tội phạm buôn bán phụ nữ (BBPN) qua biên giới, vì mục đích mại dâm, kết hôn với người nước ngoài và hoặc phục vụ các mục đích thương mại vô nhân đạo khác. Theo lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP), gần đây trong tội phạm BBPN trên địa bàn lại nảy sinh loại tội phạm mới, đó là nghề “gái cò quay”, sử dụng “khổ dâm kế” để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản người khác.
Manh nha từ năm 2006 và ngày càng diễn biến phức tạp, đến nay đã có hàng loạt đường dây tội phạm BBPN được lực lượng BĐBP Lào Cai phối hợp với các cơ quan chức năng bóc gỡ, khởi tố nhiều vụ án hình sự, giải cứu cả trăm nạn nhân. Một trong những vụ điển hình liên quan đến hình thức tội phạm mới trong BBPN nơi đây là vụ do thị L (SN 1967, người dân tộc Thái, quê xã Thân Thuộc, huyện Than Uyên tỉnh Lai Châu) chủ mưu, bị lực lượng BĐBP Lào Cai phát hiện và tổ chức chuyên án ngăn chặn cách đây ít lâu. Qua đấu tranh khai thác, đối tượng khai có chồng và 4 con nhỏ, nhưng nay đã ly hôn. Qua làm ăn buôn bán, thị L kết thân với thị T (SN 1966, dân tộc Thái, cũng là người cùng quê). Thị T đã có chồng và 3 con. Công việc buôn bán không thuận lợi, để nhanh “làm giàu”, L và T bàn nhau móc nối với vợ chồng H (trú tại phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai, là đối tượng chuyên môi giới, dẫn dắt giá qua biên giới); mục đích là đưa L và T sang Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc) bán làm vợ cho đàn ông Trung Quốc.
Kế hoạch được vạch ra khá bài bản, từ cách thức hành động đến tỷ lệ ăn chia. Vợ chồng H đã đưa L và T xuất cảnh trái phép sang Hà Khẩu, thông qua “môi giới” là vợ chồng đối tượng A Phúc (người Vân Nam). Trong thời gian L và T trú tại nhà A Phúc, đã có rất nhiều đàn ông Trung Quốc đến... “xem mặt”; cuối cùng có 1 người chấp nhận mua L làm vợ, với giá 6000 NDT (số tiền được giao cho vợ chồng H mang về Việt Nam, chờ ngày L trốn về để cùng chia nhau). Điều không lường trước được là L lại bị “chồng” đưa tận sâu vào nội địa Trung Quốc, cách Hà Khẩu tới hơn 2000km. Nhiều lần tìm cách bỏ trốn không thành, L buộc phải chung sống ngoài ý muốn 3 năm trời với người mua mình. Chỉ đến khi sinh được 1 đứa con trai, “chồng” mới cho L về Việt Nam thăm quê. Về đến Lào Cai, L lập tức tìm gặp vợ chồng H đòi tiền, nhưng được trả lời là vợ chồng H chưa nhận được tiền; vụ bán L là do A Phúc môi giới, số tiền đó A Phúc vẫn đang cầm. Lúc này L như người mất hồn, chỉ biết sụp xuống kêu than trời đất cho số phận hẩm hiu của mình.
Nghe L thuật lại câu chuyện, cảm giác của chúng tôi cũng thật lẫn lộn, vừa đau xót lại vừa giận con người chỉ vì suy nghĩ nông cạn mà “mất cả chì lẫn chài”, tự đưa chân vào “tổ quỷ” này. Cái đáng suy nghĩ hơn, thông tin từ lực lượng BĐBP cho biết những người tự biến mình thành nạn nhân như thế này lại đang khá phổ biến ở tuyến biên giới phía Bắc, trong đó có Lào Cai; trở thành loại hình phạm tối mới để các đối tượng xấu lợi dụng.
Khó xử lý tội danh lừa đảo
Bà con xã Sơn Hà (Bảo Thắng,Lào Cai) được hướng dẫn phòng tránh nạn buôn người |
Trao đổi với chúng tôi, một sĩ quan (đề nghị không nêu tên) thuộc bộ phận phòng chống tội phạm của lực lượng BĐBP, xác nhận thực trạng đáng báo động về loại hình tội phạm mới này, với tên gọi: nghề “gái hàng quay”. Hiểu một cách nôm na là một bộ phận cô gái tự nguyện biến mình thành “hàng”, đồng ý để các “tú ông, tú bà” môi giới, dẫn dắt bán mình vào các động mại dâm hoặc làm vợ hờ cho những người đàn ông nước ngoài, số tiền bán được chia nhau theo thỏa thuận, sau đó sẽ chờ thời cơ trốn về Việt Nam.
Điều đáng lo ngại hơn, trong một số vụ án BBPN mà BĐBP Lào Cai phát hiện, bắt giữ, xử lý trước pháp luật thời gian gần đây đã xuất hiện yếu tố không hoàn toàn có mục đích buôn bán, mà chứa đựng tính chất lừa đảo; tất cả đều có liên quan đến “gái hàng quay”. Theo người sĩ quan biên phòng trao đổi với chúng tôi, bản chất của loại hình tội phạm này là lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tổ chức, với sự tham gia của nhiều đối tượng cả trong và ngoài nước vào cùng một thời điểm, cùng mục đích trục lợi về kinh tế, trong đó đóng vai trò trọng tâm lại chính là... “nạn nhân”.
Cùng một hình thức, nhưng thủ đoạn của nghề “gái hàng quay” hoàn toàn khác biệt với thủ đoạn của tội phạm BBPN qua biên giới. Vì đối với các vụ án BBPN, các đối tượng gây án phải dùng thủ đoạn dụ dỗ, lừa gạt, bắt cóc, cưỡng chế nạn nhân; còn đối với các vụ án “gái hàng quay” thì cả đối tượng gây án lẫn “nạn nhân” đều biết rõ nội dung phi vụ lừa đảo, có sự thống nhất, phối hợp cùng thực hiện hành vi một cách khép kín từ khi hình thành ý tưởng cho đến thực hiện hành vi lừa đảo chót lọt. Đối với những vụ án như thế này, khi được cơ quan chức năng phát hiện, đều được xếp vào loại tội phạm BBPN qua biên giới, và cả “nạn nhân” cũng là đối tượng phạm tội. Có điều khi khởi tố vụ án, cơ quan chức năng chỉ có thể căn cứ vào hành vi BBPN; còn về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì không thể đưa ra. Nguyên nhân là đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo xảy ra ở lãnh thổ nước ngoài, người bị lừa đảo cũng là người nước ngoài; mặt khác hầu hết người bị lừa đảo cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”, nhất là đối với những đối tượng mua gái về phục vụ kinh doanh mại dâm, bởi lẽ bản thân họ cũng đã thực hiện hành vi phạm tội.
Theo người sĩ quan biên phòng đề nghị không nêu tên, để có cơ sở pháp lý xử lý tội danh này, yếu tố quan trọng nhất là phải có bị hại và đơn tố giác mới có thể xác định hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có tổ chức; ngược lại sẽ rất khó khăn để xác định tội danh.
Cũng chỉ vì lòng tham... Qua các vụ án đã được phát hiện và xử lý, lực lượng chức năng nhận định: Đối tượng chấp nhận là nạn nhân của “gái hàng quay” rất đa dạng về thành phần, lứa tuổi; từ phụ nữ đã có chồng con hay đã “cứng” tuổi nhưng chưa có gia đình, đến các cô gái trẻ chưa chồng; thậm chí một số vụ còn có sự tham gia của trẻ vị thành niên; xuất thân chủ yếu ở các vùng miền núi, nông thôn, nhưng cũng có cả một số sinh sống ở các thành thị. Phần lớn trong số này đang hành nghề mại dâm, hoặc “đã từng” nhưng nay “bỏ nghề”, lập gia đình sinh con đẻ cái nhưng “ngựa quen đường cũ”, không chí thú làm ăn đứng đắn, khi có cơ hội lại tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội. Điều tra của các cơ quan chức năng cũng cho thấy “gái hàng quay” chia làm 2 dạng: thứ nhất bán sang nước ngoài làm gái mại dâm; thứ hai bán làm vợ cho đàn ông nước ngoài. “Giá cả” tuỳ thuộc vào “hàng đẹp” hay “hàng xấu”, làm căn cứ để các đối tượng thỏa thuận tỷ lệ ăn chia từ trước. Có trường hợp “gái hàng quay” có giá hàng vạn NDT, nhưng cũng có trường hợp chỉ vài trăm NDT. Thậm chí có những trường hợp “hàng nuột”, môi giới còn được thêm tiền hoa hồng từ đối tượng mua... Tóm lại, tất cả đối tượng này đều xuất phát từ lòng tham tiền, bất chấp pháp luật, bất chấp dư luận và sự nhơ nhuốc của thể xác để thực hiện hành vi xấu đến cùng. Bởi vậy, cũng không ngạc nhiên khi rất nhiều vụ chính các đối tượng trong đường dây lại “chơi” nhau, mà nạn nhân phần lớn là các cô gái chấp nhận bán mình vào “hang cọp”, như trường hợp thị L đã kể trên... |
Bắc Sơn