(GD&TĐ) - Tại hội thảo khoa học “Đường Hồ Chí Minh trên biển – Con đường của ý chí và sức sáng tạo Việt Nam”, các nhân chứng từng là thủy thủ trên những con tàu không số năm xưa đã có dịp hàn huyên và cùng nhau hồi tưởng lại về những tháng ngày gian khó ấy...
Trung tá Hồ Đắc Thạnh, nguyên Thuyền trưởng Tàu 41, nguyên Phó Tham mưu trưởng Vùng 3 Hải quân:
Trung tá Hồ Đức Thạnh. |
“Đoàn tàu không số” là từ mà người dân vẫn thường quen gọi về Đoàn tàu vận tải 125 của Quân chủng Hải quân. Đây không phải là những con tàu “không có số” mà có... rất nhiều biển số, bởi qua mỗi vùng biển, tùy theo tình hình mỗi tàu lại thay biển số, đổi quốc kỳ, nếu có tàu dầu thì tàu ta “hóa thành” tàu dầu, nếu có tàu vận tải hàng hóa thì tàu ta “hóa thành” tàu vận tải hàng hóa, hoặc khi vào vùng biển miền Nam thì “hóa thành” tàu đánh cá và treo cờ ba que của chế độ Sài Gòn để “lẫn” vào hàng trăm tàu đánh cá của ngư dân.
Tôi còn nhớ chuyến chở hàng của Tàu 41 do tôi làm Thuyền trưởng cách đây 47 năm. Hồi đó, việc vận chuyển vũ khí vào chiến trường Khu 5 là một công việc vô cùng phức tạp bởi đây là vùng biển không có nhiều kênh rạch và cây rừng phủ kín như Nam Bộ, các cửa sông lại hẹp, đồn địch ken dày và có rất nhiều căn cứ hải thuyền của địch. Trước nhu cầu bức thiết của Khu 5, cấp trên chủ trương tìm cách chi viện cho chiến trường Khu 5 và Tàu 41 do tôi làm thuyền trưởng là chiếc tàu vỏ sắt đầu tiên được chọn vận chuyển vũ khí vào bến Khu 5. Đêm 14-11-1964, tôi cùng hơn 20 cán bộ, thủy thủ đã rời bến Bãi Cháy - Quảng Ninh và 12 ngày sau tàu vượt qua giới tuyến tạm thời trên biển.
Rạng sáng ngày 27-11-1964, một máy bay của địch từ đất liền đến bay lượn trên tàu nhiều lần. Sau khi hội ý, tôi cho thủy thủ mang cờ 3 que kéo lên đỉnh cột buồm, đồng thời cho anh em mang những xâu cá, mực đã chuẩn bị sẵn cùng với những chai rượu mời chào “người anh em” xuống nhậu. Sau mấy lần quần lượn trên tàu, lúc cắt ngang, lúc bay dọc theo thân tàu rồi bay thẳng vào bờ, hai tàu địch đã tiến ra áp mạn song song với Tàu 41, sau đó một chiếc tách đội hình, các khẩu pháo trên tàu địch đều mở bạt che, hướng nòng súng về phía tàu ta sẵn sàng nhả đạn nếu chúng nghi ngờ đây là tàu “Bắc Việt giả dạng”... Sau hai giờ quan sát theo dõi, hai tàu địch tăng tốc chạy vào bờ. Lúc này, chúng tôi mới thở phào. Tới đêm 28-11-1964, tàu bắt đầu cập bến. Theo lệnh cấp trên, tàu chỉ được ở lại bốc dỡ hàng đến 3 giờ sáng là phải rời bến, nhưng với khối lượng 63 tấn vũ khí thì chắc chắn không thể kịp hoàn thành. Chi bộ tổ chức họp và bàn phương án với các cán bộ, thủy thủ trên tàu. Có người bảo: “Cho tàu ở lại bến, tối mai bốc hết hàng rồi ra”; người khác lại đề xuất: “Cho tàu ra vùng biển quốc tế, chờ sáng mai vào sớm để bốc hết hàng”... Sau khi cân nhắc, tôi quyết định cho tàu ở lại bến một ngày, tối hôm sau sẽ bốc hết hàng rồi ra. Theo đúng kế hoạch, 3 giờ sáng 30-11, Tàu chúng tôi đã hoàn thành việc bốc hàng rồi trở ra Bắc, từ đây, chúng ta có thêm một bến mới: bến Vũng Rô (Phú Yên).
Đại tá Khưu Ngọc Bảy, Phó Chủ tịch Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn hải quân 962 (Quân khu 9):
Đại tá Khưu Ngọc Bảy. |
Chúng ta đều biết các con Tàu không số hành trình trên biển gần suốt chiều dài của đất nước, phải vượt qua muôn vàn thử thách: sóng gió, bãi đá ngầm, cồn cát... trong khi Hải quân của Quân đội Sài Gòn ở vòng trong, hạm đội Mỹ ở vòng ngoài, các trạm ra-đa của địch trên đảo, dưới tàu rồi cả trinh sát điện tử ở trên không... Do đó, mỗi khi tàu tiếp bờ thì sự hiểm nguy lại tăng thêm gấp bội. Vậy mà từ chuyến mở bến đầu tiên đến chuyến kết thúc con đường vận tải trên biển, các bến của Trung đoàn 962 (Quân khu 9) đã đón và tiếp nhận được 124 tàu với hơn 6.000 tấn vũ khí được vận chuyển vào các bến: Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh.
Trong suốt chiến dịch vận chuyển cho chiến trường Nam Bộ, đã có 5 con Tàu không số của ta phải chiến đấu với tàu địch, 1 tàu bị mắc cạn không thể di chuyển buộc phải phá hủy, 1 tàu trên đường trở ra Bắc đã đụng địch ở ngoài khơi nên phải quay vào bến với hàng trăm vết đạn. Các cuộc chiến đấu đã diễn ra ác liệt và đều kết thúc với phương án hủy tàu, quyết không để vũ khí rơi vào tay giặc và không để lộ hành trình vận chuyển. Sự thiệt hại của 7 con tàu và nhiều sĩ quan, thủy thủ hy sinh là những thiệt hại rất to lớn, nhưng với một tuyến vận tải quân sự có tầm chiến lược, việc phải đối mặt với lực lượng trên biển của kẻ thù mạnh hơn ta gấp nhiều lần thì thiệt hại, hy sinh là điều khó có thể tránh khỏi. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, sự thiệt hại trên chỉ chiếm 5,6% so với sự thành công chung của các con tàu vào các bến của Đoàn 962.
Là những cán bộ, chiến sĩ được trải nghiệm trong bão táp cách mạng ở miền Nam – một chiến trường xa Trung ương - nên việc tự lực, tự cường không chỉ thể hiện qua một vài hành động đơn lẻ mà đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người. Với những con người ấy, việc tiếp nhận, bảo quản và đưa vũ khí vào chiến trường được coi là nhiệm vụ hết sức thiêng liêng. Đối với họ, hơn 6.000 tấn vũ khí được chuyển vào bến là điều khó có thể tưởng tượng nổi, bởi tất cả đều được giữ gìn, bảo quản gần như nguyên vẹn trong điều kiện khắc nghiệt của thời tiết, nhất là khi địch đánh phá liên tục vào căn cứ...
Trung tá Lưu Công Hào, nguyên Thuyền trưởng Tàu 43, người được Bác sĩ Đặng Thùy Trâm nhận là em nuôi:
Trung tá Lưu Công Hào. |
Để có bao chiến công oanh liệt từ những chuyến hải trình đầy gian nguy, có một yếu tố hết sức quan trọng là sự giúp đỡ của chính quyền và nhân dân địa phương nơi đơn vị đã vận tải vũ khí, hàng hóa đến chi viện cho chiến trường. Tôi xin kể lại sự đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân Đức Phổ trong một chuyến đi vô cùng gian khó của Tàu 43 khi chở vũ khí vào chiến trường Quảng Ngãi năm 1968.
Theo kế hoạch, Tàu 43 của chúng tôi chở vũ khí vào bến Ba Làng An (Mộ Đức, Quảng Ngãi), nhưng khi Tàu chưa đến bến đã bị địch phát hiện, chúng đưa tàu chiến và máy bay đánh phá rất ác liệt trên vùng biển huyện Đức Phổ. Nhân dân địa phương hoàn toàn bất ngờ trước trận chiến đấu này, lúc đầu họ chỉ nghĩ đó là cuộc tập trận của Hải quân địch, nhưng sau đó khi thấy Tàu 43 bắn rơi máy bay địch, người dân Đức Phổ mới hiểu được đó là tàu ta. Ngay lúc đó, đồng chí Bí thư huyện ủy Đức Phổ đã trực tiếp đến xã Phổ Hiệp tổ chức huy động nhân dân chi viện và chỉ trong một thời gian ngắn đã triển khai kế hoạch chi viện cho Tàu 43. Sau hơn 1 giờ chiến đấu, Tàu 43 có 3 đồng chí hy sinh, 11 người bị thương, đạn gần hết, tàu lại sắp chìm, khi đó chúng tôi được lệnh lao vào bờ và các kíp nổ hẹn giờ được cài đặt sau 30 phút. Khi tàu nằm cách bờ 1.000m, chúng tôi lần lượt rời tàu, bơi vào bờ trong sóng to gió lớn. Vào được đến bờ thì sức của thủy thủ đã cạn kiệt, bờ biển lại vừa cao vừa dốc nên chúng tôi chỉ đủ sức bò từng đoạn một. Tiếng súng bộ binh địch đã bắt đầu rộ lên ở phía trước. Đúng lúc ấy, lực lượng chi viện của ta kịp đến. Cán bộ và du kích xã đã tới cõng, dìu chúng tôi rút nhanh vào thôn Quy Thiện. Sau khi băng bó vết thương và sơ cứu nhanh các đồng chí bị thương, chúng tôi được đưa xuống các hầm bí mật và chỉ sau chốc lát, bộ binh địch đã tràn ngập xã Phổ Hiệp để lùng bắt chúng tôi.
Suốt 10 ngày đêm địch càn quét, cày xới xã Phổ Hiệp, nhờ sự bảo vệ, chăm lo của cán bộ và nhân dân trong xã, đơn vị tôi vẫn an toàn tuyệt đối. Trong 10 ngày ấy, người dân Phổ Hiệp đã ba lần tổ chức đưa chúng tôi vượt vòng vây của địch để lên Bệnh xá của Bác sĩ Đặng Thùy Trâm, trong đó có hai chuyến đi không thành công vì địch phát hiện và tổ chức đánh chặn, mãi tới chuyến đi thứ ba chúng tôi mới thoát được. Việc tổ chức một chuyến đi như vậy cũng hết sức khó khăn, nguy hiểm. Chúng tôi có 5 đồng chí bị thương nặng phải nằm trên cáng, cứ 5 dân công thay nhau khiêng một cáng và có một trung đội du kích đi theo bảo vệ. Một đội hình cồng kềnh gần 100 người, lại phải luồn lách qua nhiều đồn bốt giặc, nguy hiểm nhất là vượt đường số 1, rồi vùng giáp ranh giữa vùng núi với đồng bằng. Chúng tôi đi suốt gần một ngày một đêm mới đến được bệnh xá của Bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Tình hình bệnh xá lúc ấy vô cùng khó khăn, địch luôn rình rập tập kích, thuốc men, lương thực quá thiếu thốn, vết thương của anh em chúng tôi hầu hết đã bị nhiễm trùng nên việc cứu chữa càng vất vả. Có bao nhiêu thuốc tốt nhất, bệnh xá đều dành điều trị cho anh em thủy thủ Tàu 43. Bác sĩ Đặng Thùy Trâm và anh chị em y tá cùng nhân viên bệnh xá đã phải ăn sắn, khoai để dành lại phần gạo ít ỏi nuôi chúng tôi. Rồi gạo cũng cạn, y tá và anh chị em trong bệnh xá phải về đồng bằng lấy gạo. Chính trong chuyến đi ấy đã có một nữ y tá hy sinh. Cũng thời điểm đó, có một bà má quê ở xã Phổ Cường đã đem đến cho chúng tôi một quả bí đỏ. Má đã cõng quả bí này đi suốt gần một ngày đường, vượt qua vùng giáp ranh nguy hiểm, khi mỗi bước đi là sự sống và cái chết cận kể. Má kể, lúc ở nhà, cô con gái của má có hỏi: “Trái bí này còn non mà sao má hái sớm vậy?”. Má đã trả lời: “Trái bí mà còn tính non với già, vậy xương máu của anh em có non với già không con?”. Vậy đó, một bà má không biết chữ những đã bày tỏ lòng yêu nước và sẵn sàng cưu mang chúng tôi trong những tháng ngày chiến tranh khốc liệt ấy.
Thủy thủ Lưu Công Hào (ngồi thứ hai, từ trái sang) và các thủy thủ Tàu 43 sau 1 tháng được điều trị tại Bệnh xá của Bác sĩ Đặng Thùy Trâm (tháng 4-1968) - ảnh do nhân vật cung cấp |
Đất nước thống nhất, tôi đã trở lại thăm chiến trường xưa, thăm lại trạm xá của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trên mảnh đất Phổ Cường (Đức Phổ, Quảng Ngãi) để rồi ngậm ngùi nhận ra nơi ấy chỉ còn lại duy nhất một chị y tá...
Bài, ảnh: Bùi Vũ Minh