"Báu vật sống" bên dòng Bảy Nhánh

"Báu vật sống" bên dòng Bảy Nhánh

(GD&TĐ) - Nói đến Bảy Nhánh, khách nhàn du thường liên tưởng đến hình ảnh cây cầu treo nằm vắt vẻo giữa rừng si um tùm, chênh vênh trên ghềnh thác hùng vĩ, hiểm trở. Nhưng mấy ai biết “linh hồn” của ngọn thác còn có sự hiện diện của cặp vợ chồng nghệ nhân già Y Gông B’Dap và H’Uynh Byă

Ngọc quý của núi rừng Tây Nguyên

Được hợp lưu bởi 2 dòng Krông Knô và Krông Ana, chảy qua địa phận xã Ea Hoa, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk, dòng Sêrêpôk bất chợt ngẫu hứng tẻ hướng tạo thành cụm thác Bảy Nhánh kiêu hùng. Ở nơi dòng sông huyền bí phong tỏa mạch nguồn đến khắp các buôn làng ở Tây Nguyên, trong ngôi nhà dài truyền thống của tộc người Ê Đê tại làng đảo Bản Đôn, ngày lại ngày, vợ chồng nghệ nhân Y Gông B’dap và H’Uynh Byă đón khách đường xa bằng những bản tình ca của núi rừng. Ông bà thổi kèn môi, hát các làn điệu dân ca Ay Ray, Bru ngọt ngào, khảy đàn lồ ô sâu lắng, thổi cái sáo thoát ra âm thanh mượt mà, tình tứ.

Vợ chồng nghệ nhân Y Gông B’Dap đang biểu diễn kèn và sáo
Vợ chồng nghệ nhân Y Gông B’Dap đang biểu diễn kèn và sáo

Trời dần tối, vợ chồng nghệ nhân Y Gông mời khách ở lại “uống rượu cần, nói chuyện xưa”, nghe những bản dân ca đang trên đà thất truyền vì không có người kế tục do chính “mình hát, ông chồng đàn”. Ông Y Gông B’Dap cho biết: “Nói thật, từ khi được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tặng bằng công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian (tháng 7.2007), ngày nào nhà dài cũng đón nhiều đoàn khách phương xa, trong đó có người ngoại quốc đến phỏng vấn, quay phim”. Sinh năm 1929, không chỉ tinh thông các loại nhạc cụ như kèn Ky păth, chiêng gông Kram, kèn đinh tăk ta, kèn đing – năm, lão nghệ nhân Y Gông còn tự tay tạo ra các loại nhạc cụ này. Ống lồ ô, vỏ bầu khô, đoạn tre nứa, khúc cây, cần trúc, cái sừng trâu…vô tri vô giác qua đôi bàn tay tài hoa của già trở thành những nhạc cụ cổ truyền mà bao đời người Ê Đê vần thường sử dụng trong ma chay, lễ hội…

Tài năng không kém chồng, bà H’Uynh Byă (sinh năm 1930) được cộng đồng người Ê Đê quý mến vì bà nhớ thật lâu, diễn xuất thật hay các làn điệu dân ca của tộc người. Nhà văn Kim Nhất – Hội văn học nghệ thuật Đăk Lăk, nói về bà H’Uyng Byă với sự kính trọng: “Bà H’Uynh Byă còn nổi tiếng là người kể khan (trường ca) và dệt khéo nhất vùng. Do có khiếu âm nhạc, lại nỗ lực giữ gìn những tinh hoa của tộc người nên ông bà được ngành văn hóa tỉnh Đăk Lăk xem là báu vật nhân văn sống, là ngọc quý của núi rừng!.

Ngôi nhà có đôi vợ chồng được xem là ngọc quý của núi rừng
Ngôi nhà có đôi vợ chồng được xem là ngọc quý của núi rừng

Trĩu nặng tâm sự buồn

Đêm hôm ấy, bên ánh lửa bập bùng, khi men rượu đã ngà, khi cái tình đã đậm, khi những xô bồ của đời thường chìm lắng nhường chỗ cho cái tình với hồn cha ông thăng hoa, chúng tôi còn được vợ chồng nghệ nhân Y Gông B’Dap và H’Uynh Byă khoản đãi bằng những hồi ức ngàn xưa. “Ngày trước trai gái phải lòng nhau trước tiên từ tiếng đàn, tiếng hát. Trai muốn bắt vợ, gái muốn bắt chồng phải xem người mình muốn bắt có đàn hay, hát giỏi không”.

Tâm tình đến đây thì cặp vợ chồng nghệ nhân già giọng trĩu nặng. Ở tuổi 82 - 83, ông bà tự ví mình như lá vàng trước gió, có thể rụng về đất bất kì lúc nào. “Già đau cái lòng, buồn cái bụng vì phong tục cha ông, mấy đứa nhỏ không biết giữ. Bây giờ khó tìm được đứa nào biết hát dân ca, biết kể khan, biết chơi từ 3 nhạc cụ trở lên đâu. Đóng cái khố Kpin, tụi nhỏ còn không biết nói chi dệt. Nhiều đứa tệ lắm, làm cái rượu cần chúng cũng không biết phải làm sao”.

 Lão nghệ nhân chấm dứt nỗi lòng bằng tâm tư trĩu nặng.

Hải Âu – Phúc Trinh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.