Cần có chế độ, chính sách khuyến khích giáo viên đang công tác ở vùng sâu, vùng xa mạnh hơn nữa, để thầy cô yên tâm cống hiến và gắn bó lâu dài với giáo dục vùng khó, góp phần rút ngắn khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các vùng trong cả nước.
Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Chế độ chính sách tiền lương của nhà giáo được thực hiện theo quy định của Chính phủ (hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên). Đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng một số chính sách đặc thù như: Mức phụ cấp ưu đãi được hưởng cao hơn so với các nhà giáo dạy ở đồng bằng, thành phố; được hưởng thêm một số chế độ phụ cấp, trợ cấp khác (phụ cấp thu hút; phụ cấp công tác lâu năm; trợ cấp lần đầu; trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thanh toán tiền tàu xe khi nghỉ phép hoặc nghỉ Tết hàng năm, phụ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt, nước sạch; phụ cấp lưu động, trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ…).
Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng bảng lương mới theo vị trí việc làm và đề xuất mức lương của giáo viên các cấp tương xứng với tính chất, mức độ phức tạp công việc và đặc thù nghề nghiệp (trong đó đã chú ý đến đối tượng giáo viên công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) để triển khai Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16/8/2018 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII nhằm giúp giáo viên bảo đảm cuộc sống, yên tâm công tác.