Ưu tiên đầu tư cho phát triển giáo dục vùng khó

GD&TĐ - Cử tri tỉnh Lâm Đồng đề nghị Bộ GD&ĐT tiếp tục bảo đảm kinh phí tập trung ưu tiên đầu tư cho phát triển giáo dục ở những vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội (KT-XH) đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tiếp tục triển khai Đề án củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), trường THPT chuyên đến năm 2020 và Đề án kiên cố trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên đến năm 2020.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ GD&ĐT đã và đang phối hợp với các bộ, ngành hỗ trợ các địa phương còn khó khăn, ưu tiên đầu tư về cơ sở vật chất, cụ thể như sau:

Thứ nhất: Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 86/2018/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số và vùng khó khăn giai đoạn 2016 - 2020.

Thứ 2, về các chương trình, đề án, dự án. Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu giáo dục vùng núi, vùng dân tộc thiểu số tại Quyết định số 775/QĐ-TTg, trong đó nhiệm vụ cụ thể là hỗ trợ các trường PTDTNT, hỗ trợ cơ sở vật chất các trường/điểm trường PTDTNT tại các vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn. Tổng mức đầu tư là 4.401,696 tỷ đồng, sẽ được giao trong 3 năm (2018, 2019, 2020) để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình.

Về Đề án củng cố và phát triển hệ thống trường PTDTNT: Đề án đã hỗ trợ tổng kinh phí đầu tư là 2.537 tỷ đồng để xây mới trường PTDTNT, xây dựng bổ sung phòng học, phòng học bộ môn, phòng thư viện, nhà tập đa năng, phòng ở nội trú cho học sinh, nhà ăn, phòng làm việc của cán bộ quản lý và giáo viên của các trường PTDTNT. Sau khi kết thúc đề án, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện và nhu cầu thực tế của các địa phương, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-BGDĐT về kế hoạch tiếp tục thực hiện Đề án củng cố và phát triển hệ thống trường PTDTNT giai đoạn 2016 - 2020.

Về Đề án trường THPT chuyên đến năm 2020: Chương trình phát triển giáo dục trung học, giai đoạn 2 do Ngân hàng ADB tài trợ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1534/QĐ-TTg. Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 5637/BGDĐT-KHTC hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục đầu tư và đăng ký kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn vay ADB cho Chương trình phát triển giáo dục trung học giai đoạn 2. Dự kiến giai đoạn 2019 - 2020 sẽ phân bổ kế hoạch vốn cho 45 tỉnh và 4 trường sư phạm trực thuộc Bộ GD&ĐT để phát triển trường THPT chuyên, trường trung học nơi có điều kiện KT-XH khó khăn, trường trung học chú trọng giáo dục hướng nghiệp, với tổng kế hoạch vốn là 1.135 tỷ đồng.

Về Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà ở cho giáo viên tại các vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo: Trong năm 2019 đến năm 2020, Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành đề nghị Chính phủ giao số vốn còn lại và khoản kinh phí dự phòng (10%) của chương trình cho các địa phương để thực hiện (đến năm 2018 tổng số vốn trái phiếu Chính phủ được giao là 5.205,614 tỷ đồng đạt 96,4% vốn của cả giai đoạn).

Bộ GD&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1436/QĐ-TTg phê duyệt Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025 với mục tiêu bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị trường học để thực hiện chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục phổ thông theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa trong giai đoạn 2017 - 2025.

Cụ thể: Tập trung kiên cố hóa trường, lớp học; xây dựng bổ sung phòng học, phòng chức năng (giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật, tin học, ngoại ngữ, hỗ trợ giáo dục khuyết tật học hòa nhập, thư viện…); mua sắm bổ sung bàn ghế, máy tính, thiết bị phòng học ngoại ngữ… cho các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, THPT. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Tạo sức hút cho nghề giáo

GD&TĐ - Từ trước đến nay, Đảng, Nhà nước quan tâm và quy định các chế độ, chính sách, giúp nhà giáo bảo đảm an sinh xã hội, an tâm công tác và cống hiến.

Nhiều phiên giao dịch được tổ chức giúp cho người lao động tìm việc làm.

Cách nào tăng năng lực cạnh tranh doanh nghiệp?

GD&TĐ - Ngoài thay đổi chiến lược tuyển dụng, cần có hệ thống thông tin dữ liệu chuẩn, chính xác về ứng viên để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận...với lực lượng lao động