Nâng “chất” giáo dục vùng khó: Bắt đầu từ điểm trường lẻ

GD&TĐ - Các điểm trường lẻ được bố trí để đáp ứng quyền học tập của học sinh (HS) vùng sâu, vùng xa.

Các điểm trường cần được đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất. Ảnh: Đức Trí
Các điểm trường cần được đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất. Ảnh: Đức Trí

Tuy nhiên, thực tế cho thấy chất lượng giáo dục tại các điểm trường lẻ còn nhiều bất cập, đòi hỏi địa phương và nhà trường phải đưa ra giải pháp tháo gỡ phù hợp. 

Khó chồng khó

Theo số liệu thống kê từ Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), toàn quốc hiện có khoảng 13.995 trường tiểu học với 17.609 điểm trường. Tỉ lệ trung bình điểm trường/trường tiểu học là 1,26. Phần lớn trường tiểu học có từ 3 - 5 điểm trường, thậm chí có trường trên 10 điểm lẻ. Cơ sở vật chất, điều kiện dạy học… tại điểm trường có sự chênh lệch đáng kể so với trường chính. Sự bất cập từ cơ sở vật chất, con người dẫn tới chất lượng giáo dục giữa HS trường chính và điểm lẻ còn khoảng cách.

Thầy Lê Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lý 1 (Mường Lát – Thanh Hóa) chia sẻ: Với địa hình đồi núi, 99% HS dân tộc (Tày, Nùng, Mông, Dao…) trên địa bàn xã Trung Lý nên trường có tới 1 điểm chính, 8 điểm lẻ để đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ em trong xã.

Hiện, các điểm trường lẻ có hơn 300 HS, từ lớp 1 – 5. Điểm trường lẻ xa trường chính nhất gần 20 km. Tại đây, HS vẫn phải học lớp ghép trình độ lớp 1 - 2; lớp 1 - 3, lớp 3 - 4. Do HS dân tộc ít có điều kiện tiếp xúc, giao lưu với bên ngoài nên khả năng nói viết tiếng Việt, kĩ năng sống chậm và kém.

Đặc biệt, khi ngành Giáo dục thực hiện đổi mới, đưa ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào dạy học, 6/8 điểm trường lẻ không có điện lưới, không có màn hình, máy chiếu, ánh sáng phòng học phụ thuộc vào năng lượng mặt trời, Tại các điểm trường này ,GV không thể ứng dụng CNTT vào dạy học. GV cũng không có sóng điện thoại, mạng Internet để truy cập, liên hệ…

Trường PTDTBT Tiểu học xã Ngọc Long (Yên Minh – Hà Giang) cũng được biết tới như điển hình về trường có nhiều điểm trường lẻ (1 điểm trường chính và 19 điểm trường lẻ. Điểm trường lẻ xa nhất cách điểm trường trung tâm 27 km). Lý giải nguyên nhân chất lượng giáo dục các điểm trường lẻ chưa tốt, theo thầy Dương Văn Đông – Hiệu trưởng,  HS ở 20 thôn bản gần như không có điều kiện tiếp xúc với cuộc sống bên ngoài, khả năng tiếng Việt kém.

Hiện trường duy trì 12 lớp ghép/15 điểm trường (ghép lớp 1 - 2, 2 - 3, 3 - 4). Mỗi học kỳ, để dự giờ, thăm lớp đủ 19 điểm trường lẻ, ban giám hiệu cùng 5 tổ khối chuyên môn phải chia thành nhiều đoàn mới hoàn thành công việc. Việc dồn dịch điểm trường không thể ít hơn bởi khoảng cách xa, các điểm trường không đủ phòng học nếu số HS tăng lên... 

Việc sáp nhập các điểm trường phải tạo thuận lợi cho người học. Ảnh: Đức Trí
Việc sáp nhập các điểm trường phải tạo thuận lợi cho người học. Ảnh: Đức Trí

Kết hợp nhân lực và vật lực

Thực tế, HS theo học tại các điểm trường lẻ chiếm số lượng lớn. Như vậy, việc đầu tư cho các điểm trường lẻ là yêu cầu tất yếu để nâng cao chất lượng giáo dục toàn trường.

Thầy Dương Văn Đông khẳng định: Giải pháp trường hướng tới là dồn HS từ lớp 3 - 5 điểm trường lẻ về học tại trường chính. Như vậy đồng nghĩa trường phải đầu tư về cơ sở vật chất trường lớp, tuyển đủ GV hoặc hợp đồng thêm để đáp ứng dạy học 9 buổi/tuần. Đội ngũ GV dạy tại các điểm trường lẻ bố trí 100% GV trẻ, sức khỏe tốt và thực hiện quy định GV bám điểm trường từ đầu đến cuối tuần để đáp ứng thời gian dạy học…

Cũng là trường có tới 15 điểm trường lẻ với 17 lớp ghép, 455 HS, thầy Phạm Văn Tường - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học xã Mậu Long (Yên Minh, Hà Giang) thông tin: Để tăng cường chất lượng giáo dục cho HS điểm lẻ, nhà trường cần tăng cường 15 GV để đủ số GV dạy học 9 buổi/tuần (hiện HS các điểm trường lẻ mới học 7 buổi/tuần).

Việc tổ chức bữa ăn bán trú cho HS điểm trường lẻ cũng được trường hướng tới để duy trì sĩ số. Gắn bó hơn 20 năm với giáo dục vùng cao, từ kinh nghiệm của mình thầy Tường khẳng định: Thầy cô dạy điểm trường lẻ phải thực sự tâm huyết với nghề, với trẻ. Có như vậy mới vượt qua khó khăn, dốc sức vì sự tiến bộ của HS, tự giác đầu tư thời gian nâng cao chuyên môn, trình độ…

Không phủ nhận yếu tố cơ sở vật chất góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại các điểm trường cũng như việc bảo đảm đủ GV để tách lớp ghép… song thầy Lê Quang Tùng đồng tình: Tâm huyết của người thầy đóng vai trò lớn trong việc tăng cường chất lượng giáo dục HS dân tộc thiểu số tại các điểm trường lẻ. Ví như, tại điểm lẻ không có điện, cơ sở vật chất hỗ trợ giảng dạy thiếu… chỉ có sự tâm huyết, chuyên môn của GV mới giúp việc dạy học đạt hiệu quả.

Đặc biệt, Trường Tiểu học Trung Lý đang thí điểm tổ chức mỗi tuần 2 bữa cơm có thịt cho HS các điểm trường lẻ vào buổi trưa để duy trì sĩ số. Mặt khác, ban giám hiệu thường xuyên chia nhau thăm điểm lẻ, đôn đốc nhắc nhở việc dạy học. Thậm chí, ban giám hiệu, tổ chuyên môn trong quá trình dự giờ sẵn sàng giảng mẫu, cầm tay chỉ việc cho GV ngay tại điểm trường lẻ…

Nhà trường đã lên phương án dồn ghép các điểm trường để HS được học tập trung, môi trường giáo dục toàn diện hơn nhưng cũng phải tính khoảng cách, thuận tiện đưa đón trẻ đi về trong ngày. - Cô Sền Thị Thơm 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.