Một nghiên cứu mới đây đã lần đầu tiên cho thấy quá trình đó hoạt động.
Các nhà nghiên cứu có thể củng cố ký ức khi những tình nguyện viên ngủ bằng cách kích thích đồng bộ phần cụ thể trong não. Những người tham gia đều bị động kinh nặng. Họ đồng ý tham gia nghiên cứu trong khi được theo dõi các cơn động kinh.
“Đã có một lý thuyết về cách bộ não củng cố ký ức trong khi ngủ, nhưng chưa được chứng minh. Đây là một thử nghiệm trực tiếp cho lý thuyết đó”, bà Anna Schapiro - Giáo sư Tâm lý học tại Trường Đại học Pennsylvania (Mỹ), người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết.
Khi các sự kiện xảy ra trong ngày, chúng được ghi lại trong một vùng não gọi là vùng hải mã. Sau đó, trong khi ngủ, não củng cố và truyền đạt những ký ức đó đến một vùng khác gọi là vỏ não mới. Tại đây, ký ức sẽ được lưu trữ lâu dài. Sau khi được lưu trữ, các ký ức sẽ ổn định hơn và có thể được truy xuất sau này.
Tác giả chính của nghiên cứu - Itzhak Fried, nhà giải phẫu thần kinh tại Trường Đại học California, Los Angeles - cho biết: “Rất nhiều điều xảy ra trong khi ngủ”. Khi điều trị cho bệnh nhân động kinh, Fried thường đặt các điện cực vào não của họ. Sau đó, theo dõi người bệnh trong vài ngày để xác định nguyên nhân của cơn động kinh.
Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Neuroscience. Các nhà khoa học đã theo dõi hoạt động não bộ của những bệnh nhân này trong giai đoạn sâu nhất của giấc ngủ, khi những ký ức được củng cố và lưu trữ. Não gửi đi các sóng có tần số khác nhau trong thời gian này. Do đó, nhà nghiên cứu Fried quyết định kích thích các khu vực liên quan theo kiểu đồng bộ.
Trước khi đi ngủ, các tình nguyện viên được cho xem những bức ảnh ghép của người và động vật nổi tiếng. Khi được xem hình ảnh vào sáng hôm sau, những người nhận được tín hiệu đồng bộ trong khi ngủ có thể nhớ các hình ảnh tốt hơn.
Theo ông Fried, thiếu ngủ khiến các tế bào não hoạt động chậm hơn. Điều đó giải thích tại sao chức năng ban ngày của não giảm sút khi thiếu ngủ. Nhà nghiên cứu Fried cho rằng, những người mắc các bệnh liên quan đến trí nhớ như Alzheimer và Parkinson thường có giấc ngủ bị gián đoạn. “Vòng luẩn quẩn” đó khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Nhà nghiên cứu Fried hy vọng, bằng cách hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa giấc ngủ và trí nhớ, một ngày nào đó, các nhà khoa học có thể giúp đỡ bệnh nhân mắc chứng rối loạn trí nhớ.
Ông so sánh tác dụng của sự kích thích này với máy trợ thính giúp khuếch đại âm thanh để giúp mọi người nghe được. “Về nguyên tắc, sẽ rất thú vị nếu bạn có thể khuếch đại trí nhớ”, ông Fried chia sẻ.