Quá trình dài

GD&TĐ - Có những tín hiệu tích cực sau một tháng triển khai môn Lịch sử lớp 10 theo chương trình mới.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Triển khai Nghị quyết 63/2022/QH15 Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 13/2022/TT-BGDĐT điều chỉnh một số nội dung trong Chương trình tổng thể và Chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử.

Việc điều chỉnh bảo đảm yêu cầu thiết kế môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục cấp THPT bao gồm cả phần bắt buộc và lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, bảo đảm hiệu quả cao nhất trong giáo dục truyền thống, phát triển nhân cách cho học sinh; Đồng thời, giữ ổn định về quan điểm, mục tiêu, cấu trúc, lộ trình thực hiện của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Từ trước đến nay, dạy học Lịch sử luôn được coi trọng trong các nhà trường. Làm sao để đổi mới dạy - học Lịch sử, giúp học sinh yêu thích môn học là mối quan tâm của toàn ngành. Với vị trí là một môn học bắt buộc, năm nay triển khai dạy học Lịch sử càng được chú trọng. Có thể thấy, trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2022 - 2023 của Bộ GD&ĐT và các sở GD&ĐT, luôn có lưu ý riêng về thực hiện hiệu quả phương pháp, hình thức dạy học, kiểm tra, đánh giá với môn Lịch sử.

Nhấn mạnh chung của Bộ GD&ĐT với môn học này trong dạy học là tăng cường khai thác, sử dụng nguồn sử liệu khác nhau để tái hiện, phục dựng lịch sử một cách khoa học, khách quan, chân thực; gắn với hoạt động thực hành, thực tiễn nhằm phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh. Khi kiểm tra, đánh giá, tăng cường câu hỏi nhằm khai thác, sử dụng các nguồn sử liệu, tranh ảnh, lược đồ; câu hỏi mở tạo điều kiện cho học sinh tự biểu đạt chính kiến về các vấn đề lịch sử, hướng tới đánh giá phẩm chất và năng lực, khắc phục tình trạng ghi nhớ sự kiện máy móc.

Có những tín hiệu tích cực sau một tháng triển khai môn Lịch sử lớp 10 theo chương trình mới; trong đó nhiều em cho rằng học Lịch sử không còn quá nặng về kiến thức. Những thay đổi trong chương trình, sách giáo khoa là yếu tố quan trọng để đem lại sắc màu mới cho môn Lịch sử, cải thiện chất lượng dạy học Lịch sử trong nhà trường. Tuy nhiên, để các em thực sự yêu thích, hứng thú môn học này, cần một quá trình dài.

Giáo viên Lịch sử tại một trường của Hà Nội khi chia sẻ về môn học đã đưa ra thực tế nhiều học sinh không thích học môn Lịch sử; không ít giáo viên chưa đủ say sưa với nghề, phụ huynh không muốn cho con học… Có nhiều nguyên nhân cho những vấn đề trên, trong đó phải kể đến đầu ra cho môn học còn ít, kém sức hấp dẫn; nội dung học tập, kiểm tra thiên về ghi nhớ hơn kỹ năng; phương pháp dạy học trong nhà trường chưa hấp dẫn và khơi dậy trí tò mò cho học sinh.

Nhấn mạnh phương pháp giảng dạy của thầy cô cần thay đổi, nhà giáo Trần Huy Đoàn, nguyên giáo viên Lịch sử, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định), cho rằng: Cần tránh sự nhồi nhét, áp đặt quan điểm khiến học sinh bị hạn chế không gian tư duy, tìm tòi sử liệu, chứng cứ và phản biện. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng đồ dùng trực quan sinh động trong dạy - học; tổ chức hoạt động nhóm hiệu quả; học Lịch sử kết hợp với ngoại khóa (học thực địa, thảo luận các chuyên đề, mời nhân chứng lịch sử tham gia kể chuyện thực tế lịch sử...).

Cần tạo cho học sinh các kỹ năng: Tự học với SGK; tự làm việc với tài liệu tham khảo; tự học với đồ dùng trực quan; nghe giảng - tự ghi chép; tư duy lịch sử; kỹ năng trả lời câu hỏi và tự đặt câu hỏi; kỹ năng ghi nhớ kiến thức lịch sử; trình bày một vấn đề lịch sử.

Người gánh sứ mệnh hiện thực hóa những đổi mới này chính là giáo viên. Năng lực của thầy cô về chuyên môn, đổi mới phương pháp, hình thức dạy học, kiểm tra, đánh giá chính là yếu tố quan trọng nhất giúp học sinh hào hứng, yêu thích môn học và học hiệu quả. Năng lực này hình thành từ quá trình đào tạo sư phạm, kinh nghiệm dạy học, được tập huấn bồi dưỡng và quan trọng hơn cả là tự học, tự bồi dưỡng. Chỉ có sự tâm huyết, tinh thần trách nhiệm mới giúp thầy cô luôn dành thời gian, công sức để đầu tư, tìm tòi sáng tạo để mỗi bài giảng trở nên hấp dẫn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ