So sánh để tìm nguyên lý chung
Thầy Nguyễn Quốc Vương, cho biết, giáo dục lịch sử ở Nhật Bản được thực hiện thông qua môn Nghiên cứu xã hội (Xã hội) và môn Lịch sử. Vì vậy trên thực tế ở trường phổ thông Nhật Bản tồn tại hai kiểu giáo dục lịch sử: Giáo dục lịch sử trong môn Lịch sử và giáo dục lịch sử trong môn Nghiên cứu xã hội.
Khi viết chương trình tổng thể, người thực hiện viết chương trình viết cụ thể như thế nào là vấn đề chúng ta cần quan tâm. Chẳng hạn, nếu như viết từ lịch sử Việt Nam liên hệ với lịch sử thế giới hay khu vực, hay đứng từ khu vực hay từ lịch sử thế giới nhìn vào lịch sử Việt Nam là cách khác.
Ở Nhật, chương cuối cùng của sách lớp 6 “Nhật Bản trong lòng thế giới”, họ nhìn lịch sử Nhật Bản trong tương quan với lịch sử thế giới (tức họ đứng từ bên ngoài nhìn vào, coi lịch sử Nhật Bản là một phần của lịch sử thế giới).
Ở Nhật, họ dạy những gì gần với trải nghiệm của trẻ. Ở Nhật, học sinh lớp 1, lớp 2 chưa phân biệt được một thế kỷ trước như thế nào, nên các em học lịch sử qua những sinh hoạt hàng ngày như ăn, mặc ở, sắp xếp đồ dùng, đi lại hàng ngày… Lớp 3 học về vị trí không gian (gọi là môn xã hội), học về không gian, làng, phố… nơi các em đang ở.
Lớp 4, 5 học về hình thành lịch sử địa phương. Làng được thành lập từ bao giờ, vĩ nhân có đóng góp gì cho làng?… Lớp 6 mới học Lịch sử Nhật Bản, dạy theo trục tuyến tính thời gian, nước Nhật thế nào, nhìn lịch sử thế giới từ tiến trình lịch sử Nhật Bản. Trong đó có một chương trình nhìn Nhật Bản từ tiến trình lịch sử thế giới.
Nguyên lý chung, xây dựng chương trình thì giống nhau, nhưng kỹ thuật xử lý thì khác nhau. Chúng ta cần so sánh cách mình làm và cách họ làm.
Tích hợp là xu hướng chung trên thế giới
Theo thầy Nguyễn Quốc Vương, đọc các ý kiến phản đối chủ trương của Bộ GD&ĐT có cảm giác giữa dạy học tích hợp và sự tồn tại độc lập của môn Lịch sử có sự mâu thuẫn không thể dung hòa. Tuy nhiên trên thực tế, chúng có thể tồn tại và tương trợ lẫn nhau.
Ở Nhật Bản có sự tồn tại song song của cả các môn tích hợp và môn độc lập. Đối với giáo dục lịch sử, môn tích hợp mà cụ thể ở đây là môn Khoa học xã hội (Nghiên cứu xã hội) sẽ chú trọng học tập giải quyết vấn đề, nhắm vào giáo dục phẩm chất công dân trong khi môn Lịch sử với tư cách là môn độc lập nhắm vào giáo dục tư duy và phương pháp sử học.
Chủ trương tích hợp đúng, nhưng lý luận nghiên cứu chưa kỹ, chúng ta chưa đặt ra môn nào thì nên dạy tích hợp, chưa đặt ra mối quan hệ kiến thức để chúng ta xử lý. Tích hợp tất cả kiến thức học sinh thu được trong sách để giải quyết vấn đề thực tiễn.
“Tôi đồng ý về nguyên lý tích hợp. Trên thế giới họ đã học về tích hợp, môn tích hợp là môn học riêng, được tổ chức theo trục như các chủ đề học tập như ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông, phúc lợi xã hội, chiến tranh và hòa bình, quyền con người... giống như ngã tư đường, sẽ trở thành nơi gặp gỡ của các ngành khoa học có liên quan. Và khi giáo viên tổ chức cho học sinh tìm hiểu về các chủ đề đó, tìm kiếm phương hướng giải quyết nó, các em sẽ phải sử dụng tư duy, phương pháp và kiến thức của nhiều ngành khoa học có liên quan”, tác giả Nguyễn Quốc Vương chia sẻ.
Ở Nhật, tất cả các môn đều liên quan với nhau như tổ tiên chúng ta đã sử dụng tài nguyên như thế nào? Về địa lý, thời người ta sử dụng than đá như thế nào? Than đá là gì, sau đó là chúng ta sử dụng tài nguyên như thế nào?
Chẳng hạn, dạy con sông Tô Lịch bị ô nhiễm, phải xem lịch sử hình thành con sông Tô Lịch như thế nào? Vì sao nó ô nhiễm? Mức độ ô nhiễm bao nhiêu? Làm thế nào để nó không bị ô nhiễm… Đó chính là những vấn đề tích hợp được giảng dạy trong một bài học.
Tích hợp trên thế giới làm từ lâu, nên học nước ngoài, đặc biệt tích hợp mạnh ở lớp dưới mạnh, phân hóa ở lớp trên.
Theo thầy Nguyễn Quốc Vương, ở lớp 4, lớp 5 chúng ta nên làm một số chuyên đề như ô nhiễm môi trường, an sinh xã hội, những vấn đề liên quan đến địa lý, lịch sử, GDCD và bao giờ cũng có điều tra thực tế. Vì thế nó không mâu thuẫn, lên THCS sẽ có sự phân nhánh.
Cần có chiến lược trong đào tạo sư phạm
Chia sẻ về vấn đề đào tạo GV trước yêu cầu đổi mới, tác giả Nguyễn Quốc Vương chia sẻ, phải có chiến lược trong hệ thống đào tạo sư phạm. Khi trường sư phạm chưa có chuyển động, Bộ GD&ĐT nên có những khóa đào tạo. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT nên chuẩn bị nhân sự, đội ngũ chuyên gia giảng dạy, cần có tiếng nói chuyên gia độc lập để giảng dạy có sức thuyết phục GV. Đó là bài toán đầy thử thách.
Giáo viên Nhật sử dụng chế độ giấy phép hành nghề. để dạy môn xã hội ở bậc THCS, họ phải học các chương trình trong chương trình ở bậc THCS và phải có tín chỉ.
Chương trình thay đổi thì bắt buộc SGK phải thay đổi. SGK không phải là tổ hợp các kiến thức trong hệ thống, với môn tổng hợp là hệ thống các chủ đề được sắp xếp theo một hệ thống nhất định.
Ở Nhật, SGK viết cho cả cấp, do đó trường bố trí thời khóa biểu theo tình hình địa phương, ví dụ ở bậc THCS (3 năm) có trường sẽ dành năm thứ nhất, thứ hai dạy Lịch sử, Địa lý và năm thứ ba dạy môn Công dân. Cách thức sắp xếp nội dung chương trình ở Việt Nam đang gây khó khăn khi có nhiều nội dung xa cách với đời sống học sinh lại được dạy ngay từ sớm.