Phương án thi tránh học tủ, học lệch

GD&TĐ - Phân tích dự thảo phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) đánh giá cao phương án 2, đồng thời, cho rằng nên tiến hành kỳ thi này càng sớm càng tốt.

Phương án thi tránh học tủ, học lệch

Có thể làm ngay

Theo dự thảo, với phương án 2, tám môn học ở lớp 12 THPT gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và Ngoại ngữ được chọn để tổng hợp thành 5 bài thi gồm: Bài thi Toán; bài thi Ngữ văn; bài thi Ngoại ngữ; bài thi Khoa học Tự nhiên (gồm Vật lí, Hóa học và Sinh học); bài thi Khoa học Xã hội (gồm Lịch sử và Địa lí).

Ông Lê Viết Khuyến 

Có 5 buổi thi trong 2,5 ngày, mỗi buổi thi 1 bài thi. Mỗi thí sinh phải thi 4 bài thi gồm: 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; 1 bài thi do học sinh tự chọn từ Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội.

Đánh giá đây là phương án khá tốt, ông Lê Viết Khuyến đồng thời đề nghị, không nên chỉ cho thí sinh thi 4 bài mà cần thi 5 môn bắt buộc; có như vậy mới tránh việc học tủ, học lệch.

Về đề thi, ông Lê Viết Khuyến cho rằng, trên thế giới hiện nay phổ biến kiểu đề thi tích hợp, chẳng hạn: 10 câu trong đề có 4 câu Vật lý, 3 câu Hóa học, 3 câu Sinh học. 

Cách ra đề kiểu đó có thể làm ngay và không lạ lẫm với học sinh phổ thông, cũng không cần chờ viết lại sách giáo khoa mới thực hiện được, đảm bảo học sinh không học tủ, học lệch đều có thể làm được đề thi kiểu này.

Trường ĐH chủ trì việc tổ chức thi

Luận bàn việc làm sao kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, ông Lê Viết Khuyến cho rằng: Lâu nay, xã hội vẫn đánh giá cao kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Trong khi đó, thực ra, các trường ĐH, CĐ khi tổ chức thi vấn huy động giáo viên phổ thông tham gia coi thi, chấm thi, tức vẫn có sự phối hợp với khối phổ thông.

Như vậy, để kỳ thi quốc gia chung diễn ra nghiêm túc, nên chăng giao cho các trường ĐH, CĐ đứng ra chủ trì tổ chức, còn các Sở GD&ĐT, trường phổ thông sẽ cùng phối hợp.

“Việc các trường ĐH, CĐ đi coi thi ở các tỉnh, thời Bộ trưởng Tạ Quang Bửu đã phổ biến chuyện này. Bên cạnh đó, số lượng thí sinh thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ cũng không khác nhau nhiều.Do đó, thực hiện điều trên không có gì là mới, lạ lẫm, không có gì là khó” - ông Lê Viết Khuyến cho hay.

Đề thi bám sát yêu cầu chuẩn đầu ra

Cho rằng, đội ngũ chuyên gia làm đề của Bộ GD&ĐT hoàn toàn có thể làm đề thi tốt, ông Lê Viết Khuyến kiến nghị đề thi nên bám sát yêu cầu chuẩn đầu ra:

“Chương trình giáo dục phổ thông các cấp học từ lâu đã xây dựng chuẩn đầu ra cho mỗi môn học. Chuẩn đầu ra chính là kiến thức tối thiểu học sinh cần đạt được. Nếu đề thi bám sát chuẩn đầu ra, kết quả đạt được từ kỳ thi sẽ đủ tin cậy để các trường ĐH, CĐ dựa vào đó xét tuyển đầu vào”.

Cụ thể hơn, ông Khuyến cho rằng, đa số các trường trung bình có thể dựa vào kết quả kỳ thi chung làm căn cứ xét tuyển. Riêng trường top trên, các trường năng khiếu, kết quả này chỉ là điểm sơ tuyển, chưa phải điểm chung tuyển. Những trường này có thể kiểm tra thêm một môn nào đó hoặc phỏng vấn… để lọc thí sinh vào trường.

“Tôi cho rằng, phương án tuyển sinh này rất hay và không nên làm chậm hơn nữa” - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học kết luận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.