PGS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội: Thi theo bài tổng hợp có thể bắt đầu ngay trong năm 2015
Tôi đồng tình với việc thực hiện một kỳ thi quốc gia chung. Việc thay đổi thể hiện sự chuyển biến của nền giáo dục của đất nước, phù hợp với lộ trình của công cuộc đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT theo đúng tinh thần của Nghị quyết 29.
Vừa qua, kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học 2014 đã có chuyển biến tích cực, được dư luận xã hội đánh giá cao.
Tôi nghiêng về phương án 2, thi theo bài tổng hợp và có thể bắt đầu ngay trong năm 2015. Các môn học ở lớp 12 sẽ được chọn để tổng hợp thành 5 bài thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội.
Thi theo phương án này sẽ gọn nhẹ hơn, giảm chi phí tổ chức thi, đồng thời hạn chế việc dạy dồn hoặc cắt xén chương trình đối với các môn không thi.
Theo tôi, bài thi Khoa học xã hội cần tích hợp thêm môn Giáo dục công dân. Bài thi Khoa học tự nhiên cần tích hợp thêm môn Tin học.
Tôi cho rằng không nên để học sinh tự chọn giữa Khoa học tự nhiên hay Xã hội mà phải bắt buộc cả hai bài thi này vì để tốt nghiệp THPT học sinh cần có hiểu biết toàn diện.
Với mặt bằng chung của học sinh hiện nay không nên làm thi tích hợp mà phải làm bài tổng hợp trước. Khi việc giảng dạy phổ thông đã tích hợp cao thì mới có thể tổ chức kỳ thi quốc gia với các bài thi tích hợp.
Việc Bộ GD&ĐT đề xuất theo hướng "thi theo bài” cũng đặt ra các bước ban đầu sẽ chỉ tổng hợp câu hỏi của các môn khác nhau trong bài thi tổng hợp liên môn.
Chỉ sau khi việc dạy học ở bậc phổ thông đã điều chỉnh thì đề thi mới ra theo các câu hỏi mang tính tổng hợp, vận dụng kiến thức liên môn. Vì vậy sẽ không lo bị xáo trộn như lo lắng của nhiều người.
Tôi chỉ có băn khoăn là chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho cả giáo viên và cho cả học sinh. Muốn làm điều này, chúng ta phải có một lộ trình rõ ràng, có những cách làm cụ thể, phù hợp và được sự đồng thuận cao trong xã hội.
Việc thành lập các cụm chấm thi theo vùng miền nên theo tôi với cách làm nghiêm túc và có những chế tài đủ mạnh thì chúng ta cũng không sợ phát sinh tiêu cực.
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM: Học môn nào, thi môn ấy:
Việc thống nhất một kỳ thi quốc gia dùng để đánh giá học sinh THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ là một chủ trương đúng, thể hiện quyết tâm của Bộ GD&ĐT trước sự phát triển giáo dục của đất nước.
Chúng ta mong có một kỳ thi quốc gia chung để đánh giá học sinh trung học phổ thông và lấy đó để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng - đó là một mong muốn chính đáng, phù hợp với mong muốn của học sinh, của phụ huynh và xã hội.
Nếu chỉ đứng trên khía cạnh giảm sự lãng phí không cần thiết thì đây cũng đã là một việc đáng làm.
Vậy thi những môn nào? Theo tôi học môn nào thì thi môn ấy.
Hiện nay, trong 3 phương án mà Bộ nêu ra xin ý kiến, chúng tôi nghiêng về phương án 2 nhưng có một số điều chỉnh: Đề thi là tổ hợp các môn học chứ không hẳn chỉ là một môn học và không phải môn học nào cũng thi riêng.
Tôi đề nghị các môn (đề) thi sau đây: 1) Toán (và tin), 2) Ngữ văn, 3) Ngoại ngữ, 4) Khoa học (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học). 5) Xã hội (Tổ hợp các môn học Lịch sử, Địa lý và Giáo dục Công dân).
Mỗi đề thi diễn ra trong 180 phút nếu là tự luận, không ít hơn 90 phút nếu là trắc nghiệm. Đề thi do Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) chịu trách nhiệm soạn thảo.
Kết quả xếp loại tốt nghiệp trung học phổ thông là trung bình cộng của kết quả các môn học và kết quả các môn thi (có thể theo hệ số 6:4 hoặc 5:5 cho kết quả học tập năm cuối hoặc 3 năm trung học phổ thông do nhà trường phổ thông đánh giá và kết quả kỳ thi quốc gia).
Điều chúng ta lo ngại ở đây chính là làm cách nào để đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy cao của kỳ thi quốc gia. Tất nhiên, ngoài quyết tâm của nhà trường, cần sự thống nhất chỉ đạo của các tỉnh và nhất là cần sự đồng thuận của phụ huynh và xã hội.
Nếu chúng ta (học sinh, phụ huynh và nhà trường) vẫn chỉ chăm chú vào kết quả thi và chỉ nghĩ đến việc giành lấy điểm cao thì vẫn còn đất cho các tiêu cực nảy mầm.
Để tổ chức tốt kỳ thi, mỗi huyện chỉ nên có một vài hội đồng thi (sự di chuyển của thí sinh giảm thiểu đến mức cao nhất đồng thời đảm bảo mức độ tập trung thí sinh cao của các hội đồng) để việc thi và giám sát việc thi tốt hơn.
Nếu là 5 môn thi như đề nghị thì kì thi phải diễn ra trong hai ngày rưỡi (sau này, nếu Nhà nước cho phép người học sử dụng kết quả đánh giá các môn thi ngoại ngữ từ các trung tâm quốc gia về đánh giá năng lực ngoại ngữ thì có thể rút thời gian thi xuống còn 2 ngày).
Thời điểm thi cũng như hiện nay: Đầu tháng Sáu khi các trường đại học kết thúc năm học. Giám thị và giám khảo là giáo viên phổ thông và giảng viên đại học. Việc tổ chức chấm thi phải là tập trung theo từng cụm (1 hoặc một vài tỉnh).
Các trường đại học sẽ có thời gian để tuyển sinh. Họ có thể căn cứ vào học bạ phổ thông, có thể căn cứ vào kết quả kỳ thi quốc gia, có thể kết hợp cả hai. Các trường cũng toàn quyền trong việc tổ chức test thí sinh (sau khi sơ tuyển hồ sơ) trong kỳ tuyển sinh của mình.
Các môn test do các trường tự chọn cho phù hợp với ngành nghề đào tạo (nhưng số môn test chỉ nên là 1 môn, trường hợp là 2 môn chỉ có thể dành cho các trường tuyển năng khiếu).
Việc lấy kết quả kỳ thi quốc gia hay thi thêm một môn cũng như có lấy hệ số hay không hoàn toàn do các trường đại học quyết định.
Lợi ích chỉ riêng việc sử dụng kết quả của kỳ thi quốc gia trong tuyển sinh vào đại học cũng đã giảm đáng kể sự lãng phí tiền bạc, thời gian và công sức cho các trường đại học và cao đẳng trong việc tuyển sinh hàng năm và cũng giảm chi phí đáng kể cho thí sinh và gia đình.
Chuyện kỳ thi quốc gia có ý nghĩa ở chỗ, nó là căn cứ để Chính phủ và các địa phương cấp kinh phí cho các trường theo mức độ kết quả kỳ thi quốc gia (tỷ lệ đậu cao cấp kinh phí nhiều và ngược lại).
Vấn đề là sự chuẩn bị, nhưng hơn cả sự chuẩn bị là thay đổi tư duy nặng nề về thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh hiện nay. Sau đó là một lộ trình với các bước đi cụ thể của Bộ GD&ĐT. Hy vọng chúng ta sẽ có chỉ có một kỳ thi trong thời gian sớm nhất.
PGS.TS Nguyễn Thám – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Huế: Phương án 2 khắc phục tình trạng "tốt lỏi" hoặc "xấu lỏi"
Trong ba phương án môn thi của kỳ thi THPT quốc gia mà Bộ vừa công bố, tôi thấy phương án 2 là hợp lý nhất và có thể tổ chức ngay trong năm 2015 với điều kiện thông báo sớm từ đầu năm học 2014 - 2015.
Ở phương án này, học sinh thi phải thi 3 bài thi bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học xã hội.
Thiết nghĩ, nếu Bộ chọn phương án này sẽ khắc phục được tình trạng dạy dồn hoặc cắt xén chương trình đối với những môn khi thi trước đây. Bởi ở từng bài thi mức độ tổng hợp và tích hợp giữa các môn khá cao.
Từ thực tế tuyển sinh đầu vào của trường cho thấy: Những năm trước, những thí sinh trúng tuyển ở khối C thường có kiến thức về các môn Khoa học Tự nhiên rất kém.
Tương tự những thí sinh trúng tuyển ở khối A thì lại có kiến thức về Khoa học Xã hội rất hạn chế. Điều dẫn đến việc học lệch và có nhiều sinh viên thi lại.
Bản thân nhà trường cũng không thích điều này, nhưng rất khó để có thể khoả lấp những lỗ hổng cho các sinh viên.
Vì thế nếu Bộ quyết định kỳ thi THPT Quốc gia ở phương án 2 sẽ khắc phục được nhược điểm trên. Các trường sư phạm sẽ có những sinh viên chất lượng hơn, đồng đều hơn và sẽ khắc được tình trạng “tốt lỏi” hoặc “xấu lỏi”.
Hơn nữa, nhìn vào thực tế sau khi ra trường, hầu hết các trường đều muốn tuyển được những giáo viên am hiểu nhiều lĩnh vực để đáp ứng được việc dạy học theo hướng liên môn tích hợp mà Bộ đang triển khai. Trong khi đó ở phương án 2, học sinh sẽ phải học tất cả các môn, không còn tình trạng học tủ, học lệch.
Do đó ít nhiều sinh cũng đã trang bị cho mình những phông kiến thức nhất định ở tất cả các lĩnh vực để tự tin bước vào giảng đường đại học và sau này có thể đáp ứng nhu cầu công việc.
Mặt khác, đứng ở góc độ người giảng dạy, bao giờ giảng viên cũng thích và có hứng thú hơn khi dạy những sinh viên có chất lượng học lực tốt.
Tuy nhiên, ở phương án 2 tôi cũng mạnh dạn đề xuất điều chỉnh 5 bài thi như sau: 1. Bài thi Toán-Tin (Hai môn Toán và Tin có liên quan với nhau và trong thời đại hiện nay kiến thức và kỹ năng Tin học rất quan trọng); 2. Bài thi Ngữ văn; 3. Bài thi Ngoại ngữ; 4. Bài thi Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học và Sinh học); 5. Bài thi Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân).
Trong phương án 2 của Bộ GD&ĐT bài thi Khoa học Xã hội không có môn Giáo dục công dân. Tuy nhiên theo tôi, đây là môn học quan trọng trong giáo dục phẩm chất của học sinh vì vậy cần đưa vào bài thi Khoa học Xã hội.
PGS.TS Phạm Hồng Quang - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên: Phương án 3 là kết quả tổng hợp tốt nhất để đánh giá năng lực học sinh
Tôi đánh giá cao việc đề xuất 3 phương án tổ chức kì thi THPT quốc gia.
Về phương án 1 “thi theo môn”, với 8 môn có thể hiểu là bước chuyển tiếp từ cách thi tốt nghiệp THPT hiện hành, tuy có cải tiến nhưng để học sinh làm quen với cách lựa chọn môn thi, tạo ra sự phân hóa và đánh giá khá chính xác trình độ học sinh.
Tuy nhiên theo dự thảo, vẫn tồn tại khả năng xảy ra là dạy dồn hoặc cắt xén chương trình đối với một số môn không thi. Theo tôi, phương án này có thể ít được lựa chọn.
Phương án 2 với 4 bài thi (đã chuyển biến tích cực từ thi theo môn sang thi theo bài). Theo tôi có thể xuất hiện các khó khăn như trong phương án trình bày nhưng không đáng lo ngại.
Vấn đề chính là cách thi theo phương án này đã phù hợp với định hướng đổi mới CT - SGK (mặc dù đang xây dựng để trình duyệt) nhưng những điểm cơ bản cốt lõi của nó đã và đang được triển khai ở nhiều trường.
Ví dụ, chương trình tích hợp đã xác định mục tiêu học vấn tổng hợp, năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh, điều này đã được thể hiện trong yêu cầu ra đề thi tốt nghiệp và đề thi ĐH, CĐ vừa qua ở một số môn.
Dạng đề thi theo bài thi từ Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội được xã hội ủng hộ, học sinh hào hứng, không phải đáng lo ngại như ban đầu chúng ta nghĩ.
Vấn đề băn khoăn nữa của một số ý kiến là về giáo viên khi chấm sẽ được giải quyết khi các trường sư phạm đang tập trung xây dựng, đổi mới chương trình đào tạo và bồi dưỡng sẽ có ngay các chuyên đề bồi dưỡng giáo viên năng lực dạy tích hợp, kĩ thuật xây dựng và đánh giá bài dạy tích hợp.
Hoặc có ý kiến đến 2016 mới thực hiện để có thời gian chuẩn bị, theo ý kiến cá nhân tôi, có thể thực hiện được phương án này từ 2015.
Phương án 3 thực ra là kết quả tổng hợp tốt nhất để đánh giá năng lực học sinh. Điều này có căn cứ khoa học giáo dục là năng lực học sinh là mục đích (đánh giá năng lực ấy thể hiện qua các bài thi) còn các môn học trong chương trình là phương tiện để hình thành năng lực người học.
Tuy nhiên, với các trở ngại theo phân tích của phương án thì có thể thực hiện sau 2015.
Về hình thức tổ chức: Thi theo cụm, theo tỉnh là hình thức mang tính khả thi cao. Việc này sẽ được tổ chức tốt vì các địa phương đã có nhiều kinh nghiệm và phần lớn các tỉnh đều có trường ĐH hoặc CĐ nên sẽ có sự phối hợp tốt.
Việc chấm thi, theo tôi, giáo viên cũng sẽ thích ứng tốt từ việc chấm theo môn sang chấm theo bài, vì kì thi tốt nghiệp vừa qua đã có những dạng đề tích hợp theo bài thi và các giáo viên phổ thông đã hoàn thành tốt việc này. Chúng ta đặt niềm tin vào đội ngũ giáo viên chắc chắn sẽ thành công.