Trong công tác xóa đói, giảm nghèo nơi đây đã xuất hiện nhiều cách làm hay, những mô hình thiết thực, hiệu quả của các câu lạc bộ chị em phụ nữ.
Ở ấp Tà Tê 1, xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, hơn 6 tháng qua, kể từ ngày mở được sạp bán trái cây ở chợ Lộc Thành, chị Hồ Thị Hạnh vẫn ngỡ đó chỉ là giấc mơ. Chị Hạnh vốn sống bằng nguồn thu nhập ít ỏi từ nghề đi thu mua ve chai, không đủ trang trải cuộc sống và nuôi 3 con ăn học. Xét thấy nhu cầu cần vốn kinh doanh của chị Hạnh, Hội LHPN xã Lộc Thành đã cho chị vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp.
Với số tiền này, chị Hạnh mở được sạp bán trái cây, vừa tận dụng mặt bằng để thu mua phế liệu. Sạp trái cây và kết hợp thu mua ve chai, phế liệu giúp chị Hạnh tăng thêm thu nhập. Tháng 7/2019 vừa qua, chị đã vui mừng tự nguyện làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo ở địa phương.“Tui cũng không biết nói gì để cảm ơn tấm lòng của các chị em. Trước đây khổ lắm. Giờ cố gắng buôn bán để nuôi các con được ăn học tới nơi, tới chốn. Nhường lại vốn vay cho các chị em khác, vì còn có nhiều người khó khăn hơn mình”, Chị Hạnh nghẹn ngào chia sẻ.
Chuỗi hỗ trợ sinh kế giúp chị em phụ nữ thoát nghèo là một trong những hoạt động thiết thực nằm trong Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ vùng biên” của Hội phụ nữ xã Lộc Thành nhằm giúp chị em có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Mỗi chương trình đồng hành của hội đều gắn với từng địa chỉ cụ thể và tạo được hiệu ứng lan tỏa sâu rộng.
Điển hình như Quỹ heo đất trao yêu thương - nhận nụ cười, dịp vừa qua đã trao cho gia đình bà Diệp Thị Nhung ở Ấp Cần Dực xã Lộc Thành 5 triệu đồng để xây dựng chuồng trại chăn nuôi dê. Từ 4 con dê giống ban đầu, hiện nay gia đình bà đã có đàn dê hơn chục con. Xã vùng biên Lộc Thành hiện còn có 230 hộ nghèo, trong đó có 174 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, Chủ yếu là bà con người đồng bào dân tộc thiểu số.Theo chị Nguyễn Thị Huệ,Chủ tịch Hội LHPN xã Lộc Thành, đây là một tài sản khá lớn mà nhiều hộ dân nghèo ở xã biên giới này hằng mong ước.
Thôn Thiện Cư, xã Thiện Hưng của huyện Bù Đốp có tới 95% là bà con người đồng bào dân tộc X’tiêng, hầu hết kinh tế các hộ dân còn nhiều khó khăn. Trong đó, nhiều chị em không biết chữ, nói tiếng Kinh cũng chưa thông thạo. Nhằm giúp chị em nâng cao kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản và phát triển kinh tế, cách đây 4 năm, Hội LHPN phụ nữ xã đã xây dựng mô hình câu lạc bộ kết nghĩa giữa chi hội chị em phụ nữ người kinh ở thôn 10 với chi hội phụ nữ thôn Thiện Cư. Qua các buổi nói chuyện, chị em được trao đổi với nhau về kiến thức chăm sóc sức khỏe, chăm sóc gia đình cũng như kỹ thuật canh tác, sản xuất. Có cách làm hay, hiệu quả chị em cùng chia sẻ với nhau.
Chị Điểu Thị Hương, Chi hội trưởng Hội LHPN thôn Thiện Cư, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp (Bình Phước), cho biết, “Lúc trước chị em trong thôn khó khăn lắm, có tới 35 hộ nghèo, giờ chỉ còn khoảng mười mấy hộ thôi. Chị em cũng biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, làm ăn, trồng điều, trồng tiêu và chăn nuôi. Cùng với đó các chị em cũng biết tự chăm sóc sức khỏe cho mình, cho gia đình, đặc biệt là giảm tỷ lệ sinh con thứ ba một cách đáng kể. Con cái đến tuổi đi học đều được đến trường”.
Với mong muốn nâng cao giá trị sản xuất, ổn định nguồn đầu ra, nhiều chị em ở xã Tân Thành, huyện Bù Đốp đã liên kết thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi dê. Tham gia tổ hợp tác, thành viên được quyền lợi như hỗ trợ kỹ thuật, giống, vốn phát triển chăn nuôi, sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau cùng phát triển.Từ khi Tổ hợp tác chăn nuôi dê ra đời, nhiều chị em trong xã được hỗ trợ dê giống.
Điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Hoa ở ấp Tân Lợi. Thu nhập gia đình chỉ dựa vào vườn tiêu chỉ vỏn vẹn 500 trụ, quanh năm túng thiếu. Xét thấy gia đình chị Hoa có thể nâng cao thu nhập bằng cách chăn nuôi dê, đầu năm 2017, tổ hợp tác đã cho gia đình chị Hoa mượn 7 triệu đồng để mua dê giống. Đến nay gia đình chị đã có 2 chuồng dê trên 30 con, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo.
Không chỉ gia đình chị Hoa, mà nhiều chị em khác cũng được tổ hợp tác cho mượn dê giống để nhân đàn, phát triển mô hình trồng hồ tiêu kết hợp nuôi dê. Hiện sản phẩm dê thịt của Tổ hợp tác chăn nuôi dê xã Tân Thành không chỉ cung cấp cho thị trường trong tỉnh mà còn là địa chỉ tin cậy cung cấp nguồn hàng uy tín cho nhiều nhà hàng ở Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh.
Nói về công tác chị em phụ nữ giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, chị Đỗ Thị Như, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Bù Đốp cho hay: “Chúng tôi xác định phải phát huy nội lực của chị em phụ nữ trong việc phát triển kinh tế. Trong những năm qua, hội phụ nữ từ huyện tới cơ sở đã phát động rất nhiều phong trào như: tiết kiệm vì phụ nữ nghèo, trao dê giống, bò giống hoặc cho mượn số tiền đủ để họ có thể mở được xe bánh mỳ hoặc xe nước mía để họ phấn đấu vươn lên…”.
Có thể nói, mặc dù vẫn còn những khó khăn nhất định, nhưng với cách làm cụ thể, linh hoạt, tích cực, các câu lạc bộ, chi hội phụ nữ vùng biên đã phát huy mạnh mẽ vai trò của mình trong công tác xóa đói giảm nghèo và tham gia mạnh mẽ các phong trào xã hội ở địa phương…