Cùng chuyển động
Hiện việc dạy và học, thông báo kết quả học tập, tuyển sinh đầu cấp… đều được nhà trường triển khai thông qua hình thức trực tuyến. Sau nhiều nỗ lực chuyển đổi số, ngoài những giá trị tuyệt vời do công nghệ mang lại thì sự gắn kết giữa phụ huynh, giáo viên và nhà trường cũng thuận lợi và hiệu quả hơn.
Vừa nhận được thông báo điểm kiểm tra giữa kỳ I của con gái đang học lớp 8 Trường THCS Lương Thế Vinh (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), chị Đặng Bích Ngọc cho biết nhờ công nghệ mà nhà trường, phụ huynh và giáo viên liên hệ thường xuyên, phối hợp giáo dục học sinh tốt hơn.
Chia sẻ về chuyển đổi số, thầy Lê Xuân Bột, nguyên giáo viên Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (TP Cần Thơ) cho biết: Trước đây, việc kết nối giữa gia đình và nhà trường thông qua sổ liên lạc, sau đó là sổ liên lạc điện tử. Thời điểm chưa có nhiều smartphone, phương thức liên lạc thông qua tin nhắn SMS không dấu. Gia đình sẽ nhận được thông tin một chiều như điểm số, quá trình học tập, rèn luyện, thông báo của giáo viên, nhà trường.
Ngày nay, khi mạng xã hội phát triển, nhiều ứng dụng như Viber, Mesenger, Zalo… được sử dụng phổ biến trong việc liên lạc. Chuyển đổi số là công cụ hữu hiệu, mang đến nhiều hiệu quả, lợi ích trong giảng dạy và cũng là phương tiện để học sinh, phụ huynh, giáo viên, nhà trường được kết nối bình đẳng, chặt chẽ, cởi mở với nhau.
“Trường nhắn tin gửi thông báo điểm để phụ huynh nắm bắt. Tôi thấy an tâm vì biết chính xác, thường xuyên kết quả học tập của con. Ðầu năm học 2022 - 2023, gia đình đăng ký hệ thống phần mềm quản lý nhà trường với giáo viên chủ nhiệm để nắm tình hình học tập. Mỗi khi có kết quả, gia đình sẽ nhận ngay tin nhắn mà không phải đợi phiếu báo điểm.
Các thông báo quan trọng về hoạt động giáo dục của trường như học sinh học trực tuyến vì đợt triều cường trong tháng 10, tôi cũng nhận thông qua trang tin điện tử, mạng xã hội từ nhà trường và giáo viên. Ứng dụng công nghệ bây giờ rất tiện ích”, chị Bích Ngọc cho biết.
Theo đại diện Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, hiện tất cả cơ sở giáo dục từ tiểu học đến THPT trên địa bàn thành phố đều sử dụng phần mềm quản lý học sinh SMAS nhằm thực hiện số hóa hồ sơ sổ sách đối với công chức, viên chức tại các đơn vị. Ngành Giáo dục còn ứng dụng các phần mềm khác trong quản lý như: VNEDU quản lý trường mầm non; phần mềm đánh giá khẩu phần ăn dinh dưỡng cho trẻ mầm non Nutrikid, Kidsmart, Happykid; phần mềm xếp thời khóa biểu...
Ngành đã trang bị 31 phòng họp trực tuyến (1 tại sở GD&ÐT, 27 phòng tại các trường THPT trực thuộc, 3 ở phòng GD&ÐT) với chức năng tổ chức thao giảng, hội giảng, họp giao ban, tập huấn trực tuyến. Các phòng họp trực tuyến giúp việc tổ chức hoạt động chuyên môn thuận lợi, tiết kiệm thời gian, kinh phí đi lại; góp phần hiệu quả vào việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý và các hoạt động giáo dục của đội ngũ nhà giáo tại các cơ quan, đơn vị.
Một cuộc họp chuyên môn trực tuyến tại Sở GD&ĐT Tiền Giang. |
Gắn kết trong giáo dục học sinh
Các trường THPT ở TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) là “điểm sáng” ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, vận hành. Nhiều trường phát huy tối đa những ưu việt của công nghệ số để đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý và chất lượng giáo dục.
Tại Trường THPT Cà Mau, ngoài ứng dụng CNTT trong giảng dạy qua phần mềm học trực tuyến và thu học phí qua hình thức chuyển khoản, nhà trường còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, điều hành, hạn chế in các loại hồ sơ, sổ sách…
Thầy Võ Thanh Hùng, Hiệu trưởng trường chia sẻ: Tất cả học bạ, điểm số, thông tin của học sinh đều được quản lý bằng phần mềm SMAS, giúp phụ huynh kịp thời theo dõi kết quả học tập của con em. Giáo án, học bạ được ký nhanh chóng thông qua phần mềm chữ ký số. Nhà trường đỡ tốn kém chi phí in ấn, thời gian hoàn thành công việc nhanh chóng, chính xác.
Từ năm 2018 đến nay, Trường THPT Hồ Thị Kỷ (TP Cà Mau) sử dụng nhiều phần mềm, ứng dụng phục vụ công tác quản lý giảng dạy và học như SMAS, VietShool, giúp khâu quản lý học sinh của giáo viên thuận lợi hơn. Với ứng dụng SMAS, thầy cô có thể chủ động cập nhật điểm số của từng môn học và hạnh kiểm mỗi học sinh. Qua App edu.one trên điện thoại thông minh liên kết với SMAS, phụ huynh có thể nắm được thông tin về thời khóa biểu, lịch học, kết quả học tập của con em… giúp phụ huynh và học sinh kịp thời lên kế hoạch học tập phù hợp.
Theo thầy Quách Minh Gia, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hồ Thị Kỷ, thông qua chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý, điều hành, nhà trường tiết kiệm thời gian, chi phí. Trường cũng nhận được phản hồi tích cực từ các phụ huynh và học sinh, góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT.
Theo ông Châu Tuấn Hồng, Giám đốc Sở GD&ĐT Sóc Trăng, năm học 2021 - 2022, sở tổ chức cho thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh lớp 10 bằng hình thức trực tuyến. Việc này tạo điều kiện thuận lợi cho người học, đồng thời góp phần làm thay đổi nhận thức của mọi người đối với công cuộc chuyển đổi số của tỉnh.
Các phòng GD&ĐT và trường THPT đã sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành trong việc liên thông trao đổi, gửi - nhận văn bản có ký số. Nhà trường đã lựa chọn giải pháp phần mềm dạy học trực tuyến phù hợp với nhu cầu, điều kiện, sẵn sàng áp dụng khi học sinh không thể đến trường; sử dụng tối đa lợi ích phần mềm quản lý học tập (LMS), giúp học sinh học chủ động hơn và giảm tác động khi đường truyền Internet quá tải…
Theo ông Châu Tuấn Hồng, chuyển đổi số là lĩnh vực mới nên phần nào còn lúng túng khi thực hiện. Sóc Trăng phải thường xuyên trao đổi học tập kinh nghiệm, áp dụng các mô hình hay của tỉnh bạn để tổ chức thực hiện trong ngành do nguồn nhân lực về công nghệ thông tin tại các cơ sở giáo dục chưa bảo đảm, nhất là ở trường tiểu học và mầm non…