Nâng cao tính chủ động
Chuyển đổi số đang đi sâu vào từng ngành, từng lĩnh vực tạo ra một cuộc cách mạng về năng suất lao động, văn hóa tổ chức và làm thay đổi thói quen, cuộc sống của mỗi người.
Xác định chuyển đổi số là động lực phát triển, hướng đi mới, do đó các cơ sở giáo dục thuộc Đại học Thái Nguyên đã và đang triển khai chuyển đổi số trên các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, quản trị đại học.
Để đáp ứng nhu cầu học tập của học viên, sinh viên theo xu hướng ứng dụng công nghệ số trong giảng dạy, học tập cũng ngày càng được mở rộng. Ngành giáo dục đã thay đổi phương pháp học tập, giảng dạy từ mô hình truyền thống sang mô hình đào tạo kết hợp nhằm tăng tính chủ động trong việc tiếp thu tri thức, đáp ứng được yêu cầu học tập mọi lúc mọi nơi của người học.
Hiện nay, trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông đã xây dựng kế hoạch và triển khai các đợt tập huấn cho các giảng viên về các nội dung như:
Phương pháp giảng dạy theo hình thức kết hợp do TS. Nguyễn Tấn Đại, đại diện văn phòng AUF khu vực phía Nam phụ trách hỗ trợ. Nội dung tập huấn cho toàn thể giảng viên trong trường.
Xây dựng kịch bản giảng dạy theo hình thức kết hợp cho toàn thể giảng viên trong trường. Sử dụng trang thiết bị phòng studio, các công cụ phần mềm hỗ trợ xây dựng bài giảng số. Sử dụng phần mềm LMS/LCMS trong đào tạo kết hợp.
Sau khi hoàn thành công tác tập huấn, 100% các học phần triển khai đào tạo từ học kỳ 1, năm học 2022-2023 được triển khai đào tạo theo phương thức kết hợp cho toàn thể sinh viên các khóa.
Trung tâm Đào tạo từ xa (ĐH Thái Nguyên) cũng không nằm ngoài dòng chảy đó, hiện trung tâm đang đào tạo 8 chuyên ngành gồm Thương mại điện tử và Marketing số, Kỹ thuật điện tử - viễn thông, Tài chính ngân hàng, Công nghệ thông tin, kế toán, Luật kinh tế, Ngôn ngữ Anh, Quản trị kinh doanh. Các chương trình đào tạo đều gắn với quá trình chuyển đổi số.
Chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu học tập của học viên, sinh viên. |
Xây dựng kho học liệu và phần mềm quản lý
Ngoài ra, để có thể triển khai đào tạo kết hợp, học liệu sẽ là yếu tố rất quan trọng góp phần tạo nên sự thành công của quá trình chuyển đổi số trong giáo dục.
Hiểu rõ vấn đề đó các cơ sở giáo dục đại học thuộc Đại học Thái Nguyên đã xây dựng và ban hành các Quy định về thành phần, cấu trúc, số lượng, chất lượng của bộ học liệu số phục vụ cho mỗi học phần. Tiến hành rà soát, chuẩn hóa và số hóa bài giảng cho tất cả các học phần đang tổ chức đào tạo.
Riêng đối với trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông nhà trường đã đầu tư xây dựng 03 studio để sản xuất video bài giảng cho bộ học liệu số. Kết quả là trong năm học 2021-2022, nhà trường đã hoàn thành việc xây dựng học liệu số cho 16 học phần, 44 tín chỉ.
Đây là cơ hội để các thầy cô hỗ trợ lẫn nhau trong khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin, cũng như trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến.
Mặc dù việc biên soạn bài giảng số cần nhiều thời gian và tỉ mỉ hơn so với bài giảng trực tiếp, song với mỗi bậc học, việc xây dựng kho dữ liệu bài giảng theo hình thức phù hợp giúp giáo viên chủ động, kịp thời cung cấp kiến thức, bảo đảm chương trình, chất lượng dạy học.
Đặc biệt, nếu khai thác, vận dụng được những lợi ích từ nền tảng số sẽ tạo hứng thú học tập cho học sinh, qua đó nâng cao hiệu quả của dạy học trực tuyến.
Đồng thời, để triển khai được đào tạo theo mô hình kết hợp thì công cụ phần mềm hỗ trợ đóng vai trò hết sức quan trọng, giúp đội ngũ quản lý và giảng viên có thể giao tiếp, đánh giá được quá trình của người học một cách cá nhân hóa.
Phần mềm LMS/LCMS đã ứng được các yêu cầu thực tiễn của các cơ sở giáo dục đại học. Do đó, việc kiểm tra và đánh giá năng lực của sinh viên đảm bảo tính khách quan, đánh giá được cả quá trình học tập thay vì cách đánh giá hiện tại định kỳ và cuối kỳ.