Những thách thức cần vượt qua thúc đẩy chuyển đổi số trong Giáo dục

GD&TĐ - Thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục đang là mục tiêu lớn của các trường. 

Giờ học ứng dụng công nghệ ở Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1, TPHCM.
Giờ học ứng dụng công nghệ ở Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1, TPHCM.

Dù đã có nhiều thành tựu và chuyển biến rõ rệt nhưng hoạt động chuyển đổi số trong giáo dục vẫn đối diện với nhiều thách thức.

Chuyển mình nhờ công nghệ số

Tại hội thảo về chuyển đổi số trong ngành Giáo dục do UBND TPHCM vừa tổ chức, các kết quả khảo sát độc lập cho thấy rõ sự chuyển động của ngành trong việc tiếp cận và lĩnh hội các hoạt động số hóa lớp học.

Theo đó 88% trường học trên địa bàn đã có chiến lược kỹ thuật số hoặc kế hoạch kết hợp sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào giảng dạy và quản lý trường học. 82% học sinh sử dụng các thiết bị kỹ thuật số một cách an toàn và phù hợp. Đặc biệt, khảo sát còn cho thấy 78% học sinh cải thiện quá trình học tập nhờ sử dụng CNTT.

Về phía giáo viên, có 77% cho biết rất tự tin chuẩn bị các bài thuyết trình để sử dụng trên lớp, 73% sử dụng CNTT đánh giá kết quả học tập của học sinh và 64% có sử dụng các tài nguyên dùng chung trên Internet...

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu, việc áp dụng công nghệ vào giáo dục ở TP còn nhiều bất cập, khi chỉ có 4% trường học có các thiết bị kỹ thuật số được điều chỉnh để phục vụ học sinh khuyết tật; 70% trường học có băng thông hoặc tốc độ Internet đủ dùng, trong đó 67% nhà trường kết nối Internet ổn định. Đáng nói, chỉ có 42% giáo viên cho biết các tài nguyên số được liên kết với sách giáo khoa, 35% giáo viên sử dụng trò chơi học tập kỹ thuật số...

Cô Nguyễn Thị Kim Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thọ, Quận 10, TPHCM - nhìn nhận, chuyển đổi số giúp giảm áp lực cho cả giáo viên và học sinh, hỗ trợ việc quản lý giáo dục tốt hơn. Trong đó, CNTT và truyền thông được ứng dụng rộng rãi hơn trong công tác quản lý giáo dục (như phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu học sinh, giáo viên, hệ thống khảo sát, trắc nghiệm trực tuyến, phần mềm xếp thời khóa biểu…), giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.

Ở khối giáo dục ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp, chuyển đổi số gần như đã thấm sâu vào trong từng hoạt động giảng dạy và nghiên cứu. Các chỉ số ứng dụng CNTT vào giảng dạy hay nghiên cứu khoa học (NCKH) được các chuyên gia CNTT nhìn nhận đang ở giai đoạn 2, tức là giai đoạn ổn định và tăng trưởng. Hoạt động giảng dạy, thi cử, kiểm tra của sinh viên đã và đang được các trường gia tăng tỷ lệ trực tuyến khá cao so với trước.

Dù có những tín hiệu tích cực, tuy nhiên ở một số nơi, tại địa phương có tính đặc thù, vẫn còn những rào cản. Vì vậy, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho rằng cần phải có sự đồng bộ (bằng dự án) từ cấp sở đến UBND tỉnh, TP để tạo sự thống nhất chung.

“Mục đích chuyển đổi số mà ngành Giáo dục đang hướng đến là hệ thống học trực tuyến thông minh đúng nghĩa, có đầy đủ học liệu, quản lý học tập để giúp học sinh, giáo viên học tập, giảng dạy một cách chủ động, bổ sung cho việc học trực tiếp cũng như nâng cao chất lượng dạy và học. Do đó, để xây dựng hệ thống hoàn chỉnh, cần những dự án cụ thể. Nếu mỗi trường học, phòng giáo dục thực hiện dự án sẽ không khả thi cũng như không hiệu quả mà cần vai trò điều phối, thực hiện của sở GD&ĐT và UBND TP, tỉnh thành và địa phương”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.

Hội nghị về chuyển đổi số trong ngành Giáo dục vừa được UBND TPHCM tổ chức.

Hội nghị về chuyển đổi số trong ngành Giáo dục vừa được UBND TPHCM tổ chức.

Thách thức phải vượt qua

Chương trình chuyển đổi số quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tầm nhìn 10 năm đặt ra các mục tiêu cụ thể. Đó là Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử; kinh tế số đóng góp 30% GDP; năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 8%; mọi người dân có cơ hội tiếp cận, trải nghiệm các dịch vụ thiết yếu thông minh… Nếu không nhanh chóng thích ứng và tháo gỡ những khó khăn chúng ta sẽ khó đạt được mục tiêu hướng đến.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hùng - Phó Hiệu trưởng, kiêm Giám đốc phân hiệu Trường ĐH Giao thông Vận tải tại TPHCM, chuyển đổi số trở thành xu thế tất yếu và là vấn đề sống còn của mọi quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nhất là trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19 hiện nay. Tuy vậy, nếu không có một chiến lược tổng thể, các hoạt động chuyển đổi số trong nhà trường được thực hiện một cách bài bản, có lộ trình với trọng tâm là học sinh, thầy cô giáo, thì những lực cản cho tiến trình chuyển đổi số của ngành sẽ là rất lớn.

“Thách thức là không ít, nhưng với thành tựu mà ngành Giáo dục đã đạt được trong thời gian qua, nhất là tư duy của đại bộ phận thầy cô giáo, sinh viên, học sinh đã thay đổi cho thấy chúng ta có niềm tin vào sự thành công. Để việc chuyển đổi số hiệu quả, thực chất và ăn sâu vào tiềm thức, trở thành kỹ năng của đội ngũ thầy cô giáo, sinh viên… ngành Giáo dục cần phải xây dựng các cơ chế hỗ trợ nhằm hướng dẫn giáo viên sử dụng công nghệ trong giảng dạy, thay vì cho lập kế hoạch hoặc hoạt động mang tính chất hành chính.

Đặc biệt, ngành Giáo dục cần thiết kế các chiến lược để đảm bảo sự phù hợp giữa chính sách và quá trình thực thi. Trong đó, đặt giáo viên và học sinh vào trung tâm của chiến lược công nghệ giáo dục, chú ý đến các khối lớp thấp hơn để tăng cường tính nhất quán”, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Ba thách thức lớn mà các trường học cần sớm tháo gỡ để chuyển đổi số thành công được PGS.TS Nguyễn Hoàng, Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại, chỉ ra là chiến lược, chi phí đầu tư và nguồn lực công nghệ. Trong đó, thách thức lớn nhất trong tiến trình chuyển đổi số hiện nay của các trường là chưa xây dựng và triển khai được chiến lược chuyển đổi số trong dài hạn nhằm mang tới giá trị cho người học từ người dạy và hệ thống đào tạo. Điều này phụ thuộc vào tầm nhìn và quan điểm hành động của lãnh đạo từng trường.

“Chúng ta không nên coi chuyển đổi số chỉ là các sáng kiến kỹ thuật số ngắn hạn, như triển khai phần mềm ứng dụng, mà phải xác định và truyền thông đây là một chiến lược dài hạn của trường. Để số hóa nền tảng giảng dạy, NCKH tốt, ngoài chi phí đầu tư thì toàn bộ đầu vào cho quá trình giáo dục phải được số hóa, trong đó quan trọng nhất là học liệu, tài liệu, sách giáo khoa. Toàn bộ dữ liệu về người học cũng phải số hóa để thực hiện quy trình quản lý và thực hiện đánh giá quá trình cũng như kết quả học tập”, PGS.TS Nguyễn Hoàng nói.

Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng, hạ tầng mạng, trang thiết bị công nghệ thông tin, đường truyền, dịch vụ Internet cho nhà trường, giáo viên, học sinh - đặc biệt ở vùng xa, vùng khó khăn - còn thiếu, lạc hậu, chưa đồng bộ… là thách thức không hề nhỏ cho chiến lược chuyển đổi số quốc gia và cả chiến lược riêng của từng tỉnh TP, địa phương, đơn vị trường học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ