Ở góc độ khác, TPHCM lại đề xuất tính biên chế cho đơn vị này phải dựa trên số lượng học sinh… Vậy trong bối cảnh đổi mới, vai trò, sự cần thiết của phòng GD&ĐT như thế nào? Nếu cần phòng GD&ĐT thì làm sao để có thể phát huy tốt nhất vai trò của mình?
TS Nguyễn Thị Hương, Phó Trưởng phòng Chính sách, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT): Chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền thay đổi.
TS Nguyễn Thị Hương. |
Điểm lại các thời kỳ, có thể thấy chức năng, nhiệm vụ, vai trò, thẩm quyền của phòng GD&ĐT đã thay đổi. Trước đây, phòng GD&ĐT là một cơ quan chuyên môn của ủy ban cấp huyện; đồng thời là tổ chức thuộc hệ thống ngành từ Trung ương đến cấp huyện với chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục đồng bộ từ con người đến nội dung chuyên môn.
Đến thời điểm hiện nay, phòng GD&ĐT trở thành cơ quan chuyên môn chỉ có chức năng tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với một số vấn đề (nội dung, chương trình giáo dục, quy chế thi cử và cấp văn bằng, chứng chỉ…) trong phạm vi quản lý ngành Giáo dục.
Phòng GD&ĐT luôn được đặt trong mối tương quan với các cơ quan chuyên môn cùng cấp khác, nhưng bản chất đối tượng quản lý của phòng GD&ĐT lại không giống các cơ quan chuyên môn khác. Sự khác biệt lớn nhất của phòng GD&ĐT ở chỗ: Số lượng đơn vị sự nghiệp và học sinh - đối tượng trực tiếp thực hiện chương trình và nội dung giáo dục và đào tạo rất lớn.
Phòng GD&ĐT không thể quản lý Nhà nước về chương trình và nội dung giáo dục đào tạo mà không qua quản lý trực tiếp các đối tượng này. Nhưng nhìn lại và so sánh với chức năng, nhiệm vụ của phòng GD&ĐT qua các thời kỳ thì thấy, việc khu trú, hạn chế chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của phòng GD&ĐT là nguyên nhân gây ra các khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ của phòng như bấy lâu. Do đó, để phát huy vai trò của phòng GD&ĐT cần tháo gỡ được bất cập này.
Ông Đặng Thanh, nguyên Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng: Tháo gỡ nút thắt về nhân sự
Ông Đặng Thanh. |
Nói về nhân sự của phòng GD&ĐT các huyện (quận), hiện nay số lượng cán bộ nhân viên của mỗi phòng quá ít (ở Đà Nẵng chỉ có 5 - 6 người/phòng), do đó gặp nhiều khó khăn để đáp ứng được yêu cầu công việc được giao. Chỉ riêng khâu xử lý văn bản cũng mất nhiều thời gian. Có tháng phòng xử lý gần 500 văn bản đi và đến.
Nhìn lại những năm qua, theo tôi, có những nguyên nhân quan trọng sau:
Thứ nhất, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết về việc tinh giản biên chế, sáp nhập các đơn vị sự nghiệp với mục tiêu tinh gọn bộ máy, giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, các quy định về danh mục vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc chưa hoàn thiện. Trong thực tế, số lượng người làm việc của mỗi phòng GD&ĐT còn tùy thuộc số lượng biên chế được UBND tỉnh/thành phố giao chung cho huyện (quận). Từ đó, UBND huyện (quận) mới giao số lượng người cụ thể cho các phòng ban, trong đó có phòng GD&ĐT.
Phòng GD&ĐT có nhiệm vụ tham mưu giúp UBND cấp huyện (quận) thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực GD-ĐT. Với lĩnh vực này, khác với phòng chuyên môn khác là quản lý một đơn vị có nhiều đơn vị sự nghiệp với đối tượng quá đông (giáo viên, học sinh…). Chưa nói đến tính đặc thù của việc quản lý ở cấp phòng GD&ĐT, hầu như đầy đủ lĩnh vực như một sở GD&ĐT. Có thể nói công việc quá tải!
Thứ hai, trước đây số lượng người làm việc ở phòng GD&ĐT nhiều hơn. Bên cạnh đó, các phòng còn trưng tập một số người từ các đơn vị sự nghiệp lên làm việc tại phòng. Đến nay, việc trưng tập đó không được thực hiện nữa (vì bản thân người được trưng tập bị mất quyền lợi phụ cấp đứng lớp… Cấp quản lý cũng không cho phép trưng tập…). Vì vậy, số lượng người thực tế làm việc rất ít, đúng như số lượng của UBND quận, huyện giao.
Có thể nói, tính chất công việc của phòng GD&ĐT như sở GD&ĐT. Nhưng sở GD&DT có đầy đủ các phòng ban, còn phòng GD&ĐT chỉ có một số cán bộ, nhân viên, thực hiện đầy đủ lĩnh vực, không có chuyên sâu. Bất cập do thiếu nhân sự đã thể hiện rõ trong thời gian qua. Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của phòng GD&ĐT, theo tôi cần thực hiện các giải pháp như sau:
Căn cứ đặc thù của từng phòng để giao số lượng người làm việc. Phòng GD&ĐT có số lượng trường, học sinh và giáo viên đông, rải rác khắp các địa bàn huyện (quận) nên có số lượng người làm việc nhiều hơn phòng khác.
Cần xác định rõ chức năng nhiệm vụ của từng phòng ban trong quận (huyện), cần làm rõ đâu là nhiệm vụ chính, lĩnh vực nào là phối hợp.
Một phương án khác: Căn cứ vào quy mô và địa bàn của các huyện (quận) của tỉnh/thành phố để có quy định riêng, xây dựng tỉnh/thành phố có quy mô nhỏ, điều kiện thuận lợi có cơ chế riêng. Ví dụ: Ở quận chỉ có một bộ phận nhỏ (có thể 1 người) để thực hiện các thủ tục hành chính về quản lý Nhà nước, còn chỉ đạo, tổ chức thực hiện tập trung về các phòng chuyên môn của sở GD&ĐT. Điều này vừa tiết kiệm nhân sự vừa chuyên sâu chuyên môn. Như ngành Y tế có các trung tâm y tế quận, phường (xã), nhưng chuyên môn đều theo ngành dọc từ sở Y tế xuống.
Tóm lại, cấp huyện (quận) chỉ giữ lại bộ phận thực hiện thủ tục hành chính, có thể hiểu là đại diện của văn phòng sở GD&ĐT tại huyện (quận). Còn các bộ phận chỉ đạo, tổ chức thực hiện chuyên môn đưa về phòng tiểu học, phòng trung học của sở GD&ĐT. Điều này giúp việc chỉ đạo sâu hơn và đồng đều ở tất cả địa phương.
Ông Trần Quốc Bình, Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP Sơn La, tỉnh Sơn La: Luật Nhà giáo sẽ tháo gỡ những bất cập.
Ông Trần Quốc Bình. |
Thực tế cho thấy, trong bối cảnh phân cấp quản lý Nhà nước hiện nay, ngành Giáo dục thực hiện vai trò ở 2 trục quản lý:
Trục ngang: Vai trò tham mưu quản lý Nhà nước theo lãnh thổ, chuyên ngành GD&ĐT cho chính quyền địa phương để thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn (tỉnh - huyện). Đội ngũ nhà giáo chi phối bởi Luật Cán bộ công chức (phòng GD&ĐT) và Luật Viên chức (các đơn vị trường học).
Trục dọc: Vai trò tham mưu thực hiện nhiệm vụ đặc thù của ngành GD-ĐT (Bộ - sở - phòng GD&ĐT). Đội ngũ nhà giáo chi phối bởi Luật Giáo dục.
Tuy nhiên đang tồn tại những bất cập, chồng chéo, không đồng bộ giữa 2 trục này. Đơn cử, số lượng biên chế công chức được UBND huyện giao quá ít, trong khi đó nhiệm vụ chính trị trên địa bàn và nhiệm vụ chuyên môn ngành GD-ĐT quá lớn; cùng nội dung nhưng 2 cơ quan đều giao việc dẫn đến chồng chéo… Do vậy, cần tháo gỡ một số vấn đề sau:
Xác lập sự cần thiết, tồn tại, vị trí của phòng GD&ĐT trong hệ thống quản lý của cả 2 trục dọc - ngang. Theo trục ngang, không thể thiếu đơn vị tham mưu chuyên ngành cho UBND cấp tỉnh, huyện. Do vậy, vẫn cần vị trí của phòng GD&ĐT với biên chế, vị trí việc làm đáp ứng yêu cầu công tác. Theo trục dọc, hiện nay, sở GD&ĐT không thể đáp ứng yêu cầu quản lý đến từng trường (cấp học mầm non đến THPT, giáo dục thường xuyên). Do vậy, vai trò của phòng GD&ĐT huyện trong hệ thống quản lý giáo dục chuyên ngành từ Bộ - sở - phòng GD&ĐT là cần thiết.
Để phát huy vai trò của phòng GD&ĐT huyện, tôi cho rằng, cần kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xây dựng Luật Nhà giáo, tạo hành lang pháp lý bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà giáo và người làm công tác quản lý giáo dục, tránh chồng chéo, xung đột giữa các quy định pháp luật về nhà giáo.
Cùng với đó, tăng quyền tự chủ thực sự cho các đơn vị trường học (biên chế, chuyên môn, tài chính). Đồng thời, tổ chức sắp xếp, phân cấp lại hệ thống quản lý giáo dục. Hiện nay, sở GD&ĐT quản lý các trường THPT, giáo dục thường xuyên, phổ thông dân tộc nội trú huyện. Phòng GD&ĐT quản lý các trường từ mầm non đến THCS. Do vậy, thiếu thống nhất, làm cho hệ thống quản lý rời rạc. Chính quyền địa phương cấp huyện không quản lý toàn diện được các trường THPT, giáo dục thường xuyên, phổ thông dân tộc nội trú huyện (không quản lý biên chế, tài chính, chuyên môn).
Chính quyền cấp huyện cần giao đủ biên chế theo vị trí việc làm, đáp ứng nhu cầu số lượng công chức của từng vị trí đáp ứng nhiệm vụ chuyên môn.
TS Nguyễn Hải Thập, nguyên Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT): Thí điểm bỏ mô hình phòng GD&ĐT ở khu vực thuận lợi.
TS Nguyễn Hải Thập. |
Nếu chiếu theo quy định của pháp luật hiện hành thì phòng GD&ĐT không thực sự có tác dụng. Trong bối cảnh công nghệ phát triển cùng với tư duy đổi mới theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong quản lý Nhà nước hiện nay, nguyên tắc là cơ quan nào chịu trách nhiệm thì phải có thẩm quyền quyết định những việc gắn với trách nhiệm đó.
Như vậy, không thể yêu cầu ngành Giáo dục chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục trong khi họ không có thẩm quyền quyết định về đội ngũ (số lượng, chất lượng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục) - yếu tố cốt lõi, cơ bản tạo nên chất lượng giáo dục. Do đó, muốn nâng cao vai trò, vị thế của cấp phòng GD&ĐT ở địa phương phải sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực đủ mạnh (tầm Luật) quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và cơ cấu tổ chức của phòng GD&ĐT mới có cơ sở để thực hiện.
Trong trường hợp không điều chỉnh được như trên, tôi đề xuất các cơ quan có thẩm quyền nên thí điểm bỏ mô hình phòng GD&ĐT ở khu vực có điều kiện thuận lợi, phù hợp. Từ đó, làm cơ sở để nghiên cứu; sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan; đồng thời tăng cường phân cấp, giao quyền tự chủ cho hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, THCS trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý giáo viên.
Phòng GD&ĐT cấp quận/huyện là đơn vị quản lý chuyên môn đặc thù (số lượng trường học, biên chế giáo viên, số lượng học sinh lớn, địa bàn quản lý rộng, phức tạp), nên cần giao quyền tự chủ cho đơn vị này để công tác quản lý đội ngũ nhà giáo và viên chức quản lý giáo dục chủ động, kịp thời, sát thực tế (điều động, biệt phái để cân đối giáo viên thiếu; thực hiện chế độ, chính sách phù hợp với nhà giáo). - Ông Trần Quốc Bình