Phòng giáo dục & đào tạo: Đi thì dở, ở không xong

GD&TĐ - Nhiều cán bộ quản lý, thầy cô ở trường học không muốn chuyển về phòng GD&ĐT vì giảm thu nhập; phụ cấp đứng lớp, thâm niên không còn...

Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (Điện Bàn, Quảng Nam) tiếp nhận 4 máy tính do một nhà hảo tâm tặng thông qua kết nối của Phòng GD&ĐT thị xã Điện Bàn. Ảnh: NTCC
Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (Điện Bàn, Quảng Nam) tiếp nhận 4 máy tính do một nhà hảo tâm tặng thông qua kết nối của Phòng GD&ĐT thị xã Điện Bàn. Ảnh: NTCC

Thậm chí, một số trường hợp rơi vào hoàn cảnh “làm công còn phải tội” khi nghỉ hưu còn phải trả lại tiền phụ cấp do kiểm toán kết luận chi sai…

Thi công chức, lương giảm một phần

Phòng GD&ĐT Điện Bàn (Quảng Nam) thông báo tuyển dụng 3 công chức. Thông tin được gửi rộng rãi đến các trường học trên địa bàn thị xã nhưng không có giáo viên, cán bộ quản lý nào nộp hồ sơ thi tuyển. “Rất may là chúng tôi tiếp nhận 2 chuyên viên đã có thời gian công tác tại Phòng GD&ĐT huyện Tây Giang xin chuyển về gần nhà. Nhờ vậy, đơn vị có 9 nhân sự trong tổng số 10 chỉ tiêu biên chế được giao”, bà Trần Thị Thanh Vân, Trưởng phòng GD&ĐT Điện Bàn cho biết.

Với một chỉ tiêu biên chế còn lại, phòng GD&ĐT đang làm hồ sơ để bổ nhiệm cho chức danh Phó Trưởng phòng GD&ĐT. “Ứng viên cho chức danh này từ nguồn hiệu trưởng tại một trường học. Chúng tôi mất một thời gian vận động, thuyết phục, nhân sự này mới về công tác tại phòng. Chuyển từ viên chức ngành Giáo dục sang công chức, giáo viên và cán bộ quản lý sẽ không còn hưởng phụ cấp thâm niên, phụ cấp đứng lớp. Chính vì vậy, lương sẽ giảm đáng kể, thấp hơn khoảng 3 - 4 triệu/tháng do chỉ hưởng 25% phụ cấp công vụ, trong khi áp lực công việc lại lớn”, bà Vân phân tích.

Một giáo viên từng có thời gian biệt phái về công tác tại Phòng Giáo dục ở Quảng Nam phân tích: “Nếu đang là giáo viên thì thu nhập hàng tháng có thêm phụ cấp thâm niên, phụ cấp đứng lớp. Trong khi đó, muốn trở thành chuyên viên tại các phòng GD&ĐT, giáo viên đang dạy học tại các trường phải tham gia kỳ thi công chức. Tâm lý chung là, giáo viên thi để tăng lương chứ không ai thi xong một kỳ thi mang tính chất cạnh tranh cao nhưng sau đó thu nhập bị sụt giảm”.

Khi không còn quy định biệt phái giáo viên, thầy giáo này đã xin trở lại trường đứng lớp, thôi không làm chuyên viên tại phòng GD&ĐT. Bởi nếu là trưng tập thì dù cán bộ quản lý trường học hay giáo viên đều phải giải quyết công việc ở cả hai nơi.

Trong khi đó, họ không có chế độ hỗ trợ gì thêm. Như trường hợp của thầy Trương Viết Sự - Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Sơn Thủy, huyện vùng cao, biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa) được trưng tập về Phòng GD&ĐT huyện Quan Sơn. Quãng đường từ Phòng GD&ĐT Quan Sơn đến Trường PTDTBT THCS Sơn Thủy chừng hơn 40km.

Thế nhưng, cứ chiều thứ Tư hằng tuần, ngày nắng cũng như ngày mưa, thầy lại chạy xe máy lên trường để đứng lớp hai ngày thứ 5, thứ 6 và giải quyết các công việc theo nhiệm vụ phân công. Sau khi kết thúc giờ làm việc chiều thứ Sáu, thầy Sự trở về thị trấn Sơn Lư, nghỉ ngơi cuối tuần và chuẩn bị cho những ngày làm chuyên viên ở Phòng Giáo dục từ sáng thứ Hai.

Làm việc tại phòng mỗi tuần 3 ngày, trong khi việc ở trường cũng không giảm bớt, thầy Sự không hề nhận thêm được bất kỳ một khoản phụ cấp nào. Đây cũng là thiệt thòi cho những thầy, cô giáo diện trưng tập.

Hoạt động sinh hoạt chuyên môn do Phòng GD&ĐT tổ chức. Ảnh minh họa/ INT

Hoạt động sinh hoạt chuyên môn do Phòng GD&ĐT tổ chức. Ảnh minh họa/ INT

Đi thì dở, ở không xong

Nhiều năm qua, để đủ cán bộ làm việc, các phòng GD&ĐT tại Nghệ An bố trí đội ngũ bao gồm công chức và viên chức. Trong đó, viên chức được điều động biệt phái từ các trường học lên.

Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Công văn số 6612/UBND-TH ngày 24/9/2012 về biên chế phòng GD&ĐT. Trong đó yêu cầu, ngoài biên chế công chức, phòng GD&ĐT được bố trí từ 4 đến 8 viên chức biệt phái từ các đơn vị trường học thuộc huyện.

Ngoài công việc chuyên môn, viên chức biệt phái trực tiếp làm giảng viên các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu hoặc tham gia giảng dạy một số tiết tại các cơ sở giáo dục trực thuộc. Vận dụng công văn này, phòng GD&ĐT các địa phương có nhiều hình thức để viên chức biệt phái được hưởng lương và các khoản phụ cấp theo quy định đối với nhà giáo.

Tuy nhiên, Công văn 6612 của UBND tỉnh Nghệ An là văn bản hướng dẫn, không phải văn bản quy phạm pháp luật. Vì thế, khi kiểm toán, một số khoản chi tiêu tài chính theo hướng dẫn của công văn này cho viên chức biệt phái không được chấp nhận. Trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nghệ An về việc kiểm tra thực hành tiết kiệm chống lãng phí trên địa bàn huyện Con Cuông năm 2018, có yêu cầu 10 giáo viên biệt phái phải trả lại một phần chế độ vì việc chi trả không đúng theo quy định. Trong đó, người nhiều nhất phải trả lại 138 triệu đồng.

Ông Lê Thanh An – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Con Cuông - cho hay, đã có 2 người hoàn thành còn 8 người mới chi trả một phần. Lý do một số người đã về hưu hoặc lương thấp, nên xin nộp lại dần dần. Số tiền nộp lại khoảng 100 triệu đồng trên tổng số hơn 1 tỷ đồng phải thu hồi. Mặt khác, một số giáo viên biệt phái cũng có ý kiến rằng việc truy thu này chưa thỏa đáng. Cuối năm 2022, UBND huyện Con Cuông đã tổ chức gặp mặt tất cả giáo viên biệt phái để lắng nghe nguyện vọng; đồng thời báo cáo với Tỉnh ủy Nghệ An. Các cơ quan chức năng huyện Con Cuông đang tạm dừng việc thu hồi này và chờ phản hồi của tỉnh.

Như trường hợp thầy Phan Quốc Duy, vốn là giáo viên Trường PTDTBT THCS Nhôn Mai, được điều động biệt phái về giúp việc cho Phòng GD&ĐT huyện Tương Dương (Nghệ An). Nhôn Mai là xã biên giới nằm ở vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, cách trung tâm huyện 3 tiếng đi thuyền và hàng chục km đường đèo dốc. Nếu đi đường bộ thì cách 120km. Vì thế khi biệt phái về phòng GD&ĐT, thầy không thể đảm bảo chuyên môn dạy học.

Lương của thầy cũng không cao hơn mà ngược lại giảm đi do không có phụ cấp đứng lớp, phụ cấp khu vực đặc biệt khó khăn, biên giới. Để đỡ thiệt thòi cho giáo viên biệt phái và tạo động lực để họ gắn bó với công tác, huyện Tương Dương quyết định chuyển thầy Duy về dạy học tại Trường Phổ thông DTNT THCS đóng tại thị trấn Thạch Giám.

Như vậy, thầy vừa tiếp tục dạy học theo số tiết quy định, vừa đảm nhận nhiệm vụ chuyên môn THCS, và công tác tổ chức cán bộ cho phòng Giáo dục. Nhiều hôm có tiết ở trường nhưng công việc ở phòng không ai thay thế, thầy phải đưa tài liệu về nhà làm buổi tối. Nhưng bù lại thầy vẫn được hưởng phụ cấp đứng lớp và khu vực theo quy định.

Chúng tôi mong cơ quan chức năng kiểm tra vấn đề viên chức biệt phái về phòng GD&ĐT trên toàn tỉnh và có quyết định cuối cùng. Như vậy, giải quyết được những vướng mắc lâu nay và tạo công bằng cho giáo viên. Bởi việc chi trả sai này do chưa thống nhất giữa các văn bản chứ không phải lỗi từ phía giáo viên. Việc thu hồi tiền chế độ, nhiều giáo viên chia sẻ khiến họ bị “mang tiếng” như người sai phạm. - Ông Lê Thanh An

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ