Phòng giáo dục & đào tạo: Nhiệm vụ, thẩm quyền và câu chuyện chất lượng

GD&TĐ - Thực tế tại phòng GD&ĐT, đơn vị quản lý chuyên môn về giáo dục thiếu nhân lực trầm trọng so với số lượng đầu việc phải đảm nhận...

Giờ học của cô trò Trường THCS Đặng Thai Mai (TP Vinh, Nghệ An).
Giờ học của cô trò Trường THCS Đặng Thai Mai (TP Vinh, Nghệ An).

Kể từ khi không được duy trì chế độ biệt phái giáo viên từ trường học đến công tác tại phòng GD&ĐT, đơn vị quản lý chuyên môn về giáo dục thiếu nhân lực trầm trọng so với số lượng đầu việc phải đảm nhận. Có những phòng GD&ĐT không có chuyên viên phụ trách bậc học mà chỉ do các trưởng, phó trưởng phòng đảm nhận.

Người ít, việc nhiều

Thiếu nhiều vị trí chuyên môn gây khó khăn trong triển khai các hoạt động tại Phòng GD&ĐT huyện Thái Thụy (Thái Bình). Hiện 9 biên chế của phòng phải căng mình với số lượng công việc rất lớn. Trưởng phòng Đỗ Trường Sơn ví von nhiệm vụ phòng GD&ĐT như một “ủy ban con”. Ví dụ được ông đưa ra để minh chứng là con số 1.248 văn bản được phòng ban hành trong năm học 2021 - 2022. Trong đó, khoảng 1/3 số văn bản nói trên có yêu cầu cơ sở báo cáo số liệu. Riêng tổng hợp số liệu từ các trường của hơn 300 văn bản đã vô cùng vất vả.

“Nhiều năm nay, Phòng GD&ĐT Thái Thụy khuyết người có trình độ chuyên môn tiểu học để phụ trách cấp học này vì biên chế đã đủ, không thể tuyển bổ sung. Năm trước có biên chế và tổ chức tuyển dụng nhưng lại không thể tuyển được người. Rồi triển khai chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Giáo dục - một công việc vô cùng quan trọng hiện nay, tôi cho rằng giáo dục phải đi đầu - nhưng biên chế không có, toàn kiêm nhiệm.

Mong muốn nâng cao chất lượng dạy học Tiếng Anh, vậy mà biên chế phòng GD&ĐT cũng không có vị trí này. Thêm cái khó là chuyên môn Tiếng Anh thì không thể kiêm nhiệm. Bởi vậy, lãnh đạo phòng, chuyên viên phải tham khảo ý kiến chuyên gia, giáo viên cốt cán mỗi khi ra văn bản chỉ đạo liên quan đến Tiếng Anh. Chưa kể, trách nhiệm về quản lý ngân sách là đơn vị dự toán cấp 1, nhưng phòng GD&ĐT lại không có vị trí kế toán trưởng... Đó là những khó khăn, bất cập mà hiện nay chúng tôi đang gặp phải”, ông Đỗ Trường Sơn cho biết.

Là một trong những huyện có số trường học, cán bộ, giáo viên, học sinh lớn nhất tỉnh Thái Bình, theo ông Đỗ Trường Sơn, phòng GD&ĐT cần khoảng 14 - 15 người. “Số lượng văn bản ra hàng năm chỉ là một phần việc quan trọng. Bên cạnh đó còn nhiều nhiệm vụ phối hợp. Đơn giản như tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về biển đảo hay quản lý tổ chức ăn bán trú, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh phòng chống dịch bệnh…, đơn vị khác chủ trì nhưng phòng GD&ĐT phải thực hiện rất nhiều công việc liên quan, từ ra văn bản, thu bài, chấm bài, đánh giá sơ bộ, báo cáo…”, ông Sơn cho biết thêm.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), cho biết cũng gặp nhiều khó khăn trong hoạt động do nhân sự ít, khối lượng công việc ngày càng tăng. Theo bản mô tả khung năng lực vị trí việc làm tại các cơ quan hành chính cấp tỉnh và UBND cấp huyện (Quyết định số 1162/QĐ-UBND ngày 8/5/2018 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), phòng GD&ĐT có 12 vị trí việc làm. Tuy nhiên, phòng hiện chỉ được giao 4 biên chế, gồm 1 trưởng phòng và 3 chuyên viên.

“Mỗi cấp học đòi hỏi phải có biên chế chuyên trách. Chuyên môn 3 cấp học hoàn toàn khác nhau, chưa kể mỗi vị trí đòi hỏi nghiệp vụ riêng và được đào tạo ở từng khoa ở các trường sư phạm (mầm non, tiểu học, THCS...).

Mặc dù số lượng trường học trên địa bàn huyện Côn Đảo ít, nhưng phòng GD&ĐT huyện vẫn phải triển khai đầy đủ chức năng, nhiệm vụ như các phòng GD&ĐT trên cả nước, chưa kể phải kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ cấp xã (do huyện Côn Đảo không có chính quyền cấp xã). Do đó, chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong triển khai nhiệm vụ. Để đảm bảo khối lượng công việc ngày càng tăng, phòng cần ít nhất 6/12 vị trí việc làm mô tả, tăng 2 biên chế so với được giao”, ông Nguyễn Văn Mạnh bày tỏ.

Ngành Giáo dục Quế Phong, Nghệ An tiếp nhận phòng học thông minh do đơn vị tài trợ tặng Trường THCS Kim Sơn.

Ngành Giáo dục Quế Phong, Nghệ An tiếp nhận phòng học thông minh do đơn vị tài trợ tặng Trường THCS Kim Sơn.

Nỗi vất vả của bộ phận trung gian

Phòng GD&ĐT quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) hiện có 8 nhân sự và không có giáo viên trưng tập. Bà Lê Thị Hoàng Chinh - Trưởng phòng GD&ĐT quận - khẳng định, phòng đã làm tốt chức năng tham mưu cho UBND quận về công tác quản lý giáo dục. Thế nhưng, đơn vị gặp nhiều khó khăn trong chỉ đạo, tổ chức và giám sát hoạt động chuyên môn ở các trường học.

“Ngoài công tác chỉ đạo chuyên môn, phòng còn phối hợp với các cơ quan, tổ chức khác nếu nội dung có liên quan đến giáo dục, trường học, giáo viên. Đơn cử như công tác xây dựng trường học là phần việc do Ban quản lý dự án chỉ đạo, quản lý, nhưng làm báo cáo tổng hợp cũng là phòng GD&ĐT đảm nhận” - bà Chinh thông tin. Công việc của đơn vị phòng GD&ĐT không chỉ có lưu trữ công văn, giấy tờ, cập nhật báo cáo, mà còn là kiểm tra thực tế cơ sở, dự giờ thăm lớp, tổ chức các hoạt động chuyên môn, hội thi, hội giảng…

Bà Thảo cũng nêu một số bất cập như chức năng, nhiệm vụ cao nhưng một số vấn đề phòng GD&ĐT lại không có quyền quyết định dẫn đến có những khó khăn, vất vả trong hoạt động. Đơn cử như thi đua khen thưởng, xếp loại… nếu phòng được quyết sẽ nhanh gọn hơn. Do đặc thù, giáo viên được đánh giá 2 lần trong năm. Một lần vào dịp cuối năm học vì nhà trường hoạt động theo năm học. Lần thứ 2 là đánh giá viên chức vào cuối năm. Như vậy lại thêm một lần đánh giá, gây vất vả dù cùng trên cơ sở tiêu chuẩn nghề nghiệp.

Theo bà Hoàng Thị Phương Thảo - Trưởng phòng GD&ĐT TP Vinh (Nghệ An), so với trước đây, chức năng nhiệm vụ của phòng ngày càng cao với khối lượng đầu việc nhiều. Trong lĩnh vực quản lý Nhà nước, phòng GD&ĐT là đơn vị chuyên môn của UBND thành phố. Vì vậy, nhiều hoạt động chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội…, phòng GD&ĐT đều tham gia phối hợp thực hiện, như công tác an ninh trường học phối hợp với công an thành phố; vệ sinh an toàn thực phẩm phối hợp với ngành y tế và quản lý thị trường… Phòng GD&ĐT cũng tham gia vào nhiều ban chỉ đạo các kế hoạch, đề án, chương trình mục tiêu của thành phố.

Ngoài ra, quy định về quyền hạn đối với phòng GD&ĐT đang gây một số bất cập, vướng mắc. Ngoài sử dụng cán bộ, giáo viên và quản lý chất lượng, vấn đề tuyển dụng, luân chuyển điều chuyển, xếp loại thi đua… thì phòng GD&ĐT chỉ có vai trò tham mưu. Điều này khiến phòng chỉ như một đơn vị “trung gian” trong các vấn đề liên quan trực tiếp đến hoạt động của mình. Còn về hoạt động chuyên môn lại chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục với sở GD&ĐT.

Từ thực tế huyện Quế Phong, Nghệ An, ông Lữ Thanh Hà - Trưởng phòng GD&ĐT - nhận xét, nhiều hoạt động khi phối hợp với các phòng chuyên môn khác của huyện như Tài chính, Nội vụ… gặp khó khăn nhất định. “Về điều này, phòng GD&ĐT có ý kiến, văn bản tham mưu hoặc tờ trình đề xuất. Ví dụ như tuyển dụng, điều chuyển, luân chuyển đội ngũ để giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ. Phòng không được quyết định nhưng công tác phối hợp chặt chẽ, các ý kiến chuyên môn được tôn trọng và đề cao sẽ giúp UBND huyện đưa ra các quyết sách phù hợp với tình hình thực tế và tạo sự đồng thuận cao”, ông Hà nêu ý kiến.

Đoàn công tác Sở GD&ĐT Nghệ An và Phòng GD&ĐT TP Vinh đến thăm Trường THCS Hưng Hòa (TP Vinh).

Đoàn công tác Sở GD&ĐT Nghệ An và Phòng GD&ĐT TP Vinh đến thăm Trường THCS Hưng Hòa (TP Vinh).

Dựa vào đội ngũ cốt cán

Ông Nguyễn Thanh Lịch - Trưởng phòng GD&ĐT Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) - cho hay, hiện mỗi bậc học, đơn vị chỉ có 1 chuyên viên phụ trách. Vì vậy, phòng GD&ĐT xây dựng đội ngũ cốt cán để hỗ trợ công tác chuyên môn cho đơn vị. Thành viên của “tổ công tác đặc biệt” này có thể là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng hoặc giáo viên giỏi, có uy tín ở các trường học. Phòng GD&ĐT sẽ điều động trong một số trường hợp cần thiết như tham gia các đợt tập huấn chuyên môn do Bộ/sở GD&ĐT tổ chức, thành lập đoàn kiểm tra các cơ sở giáo dục do phòng GD&ĐT phụ trách hay thi giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm giỏi…

Tuy nhiên, vướng mắc nhất của mô hình này, theo bà Lê Thị Hoàng Chinh là phòng GD&ĐT không có cơ chế và cũng không có quỹ để hỗ trợ hay trả phụ cấp cho những cán bộ, giáo viên tham gia hỗ trợ các hoạt động chuyên môn của phòng. “Họ chỉ được thanh toán chế độ công tác phí khi được triệu tập. Chưa kể, khi theo các đoàn kiểm tra của phòng thì trường học phải điều động giáo viên dạy thay để không trống tiết. Ngoài ra, việc bồi dưỡng chuyên môn đều buộc phải tổ chức vào ngày thứ 7, trong khi đây là thời điểm các trường cũng thường hay sinh hoạt chuyên môn hoặc hội họp”, bà Chinh trao đổi.

Theo ông Lữ Thanh Hà, Phòng GD&ĐT Quế Phong cũng giống các phòng chuyên môn khác của UBND huyện. Nhiệm vụ là giúp UBND quản lý điều hành về giáo dục trên địa bàn. Vì thế, ngoài chuyên môn, các vấn đề khác liên quan đến giáo dục trên địa bàn đều phải tham gia thực hiện. Trong khi đó, Quế Phong là huyện vùng cao biên giới, số trường lớp trải khắp địa bàn nhưng nhân lực của phòng GD&ĐT lại được tính bình quân trên đầu dân cư, số trường học. Điều này dẫn đến số lượng nhân sự được giao cho phòng cũng chỉ tương đương các phòng khác của huyện và thấp hơn so với phòng GD&ĐT nhiều huyện khác có dân số đông hơn dù địa bàn rộng, hoạt động vất vả hơn.

Phòng GD&ĐT huyện Quế Phong hiện chỉ có 4 công chức, gồm 1 trưởng phòng, 2 phó phòng và 1 kế toán được tăng cường từ phòng Tài chính huyện sang. Để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý Nhà nước và chuyên môn, nâng cao chất lượng giáo dục, phòng sử dụng thêm đội ngũ viên chức biệt phái. Họ là những người có năng lực chuyên môn vững vàng, là hiệu phó các trường học về giúp việc cho phòng.

“Cùng với sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị của chính quyền địa phương, chất lượng giáo dục của Quế Phong những năm gần đây được nâng lên rõ rệt. Trong 2 năm học gần đây, phòng được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đó cũng là sự ghi nhận của cấp trên và tạo động lực để chúng tôi nỗ lực vượt khó”, ông Hà nói.

Trong hệ thống các phòng GD&ĐT trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Phòng GD&ĐT thành phố Vinh là đơn vị được giao số lượng công chức nhiều nhất với 9 người. Bên cạnh đó còn có 8 viên chức biệt phái. Vì vậy, phòng cơ bản sắp xếp vị trí chuyên viên phụ trách đầu việc chuyên môn đầy đủ cũng như các công việc chức năng khác.

Tuy nhiên, phòng lại không có đủ nhân lực để bố trí chuyên viên phụ trách mỗi môn của mỗi cấp học mà chủ yếu là kiêm nhiệm. Riêng một số môn như Tin học, Ngoại ngữ, Thể dục… thì chuyên viên phụ trách cả 3 cấp học. Nhưng đổi lại, áp lực về chất lượng giáo dục toàn diện của thành phố Vinh cũng rất lớn với vai trò như đầu tàu của cả tỉnh về giáo dục đại trà, mũi nhọn và thí điểm mô hình mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.

Học sinh lớp 10A7 Trường THPT Lương Thế Vinh (Quảng Bình) tìm hiểu nhạc cụ dân gian trong tiết học Chuyên đề Ngữ văn 10. Ảnh: NVCC

Đưa trang văn gần với trang đời

GD&TĐ - Dạy học Ngữ văn chương trình mới, ngoài kiến thức cơ bản, nhiều giá trị văn học và tiếng Việt được tích hợp vào hoạt động đọc, viết, nói và nghe.