1. Phát huy giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của một dân tộc có lối sống đề cao tính cộng đồng đúng lúc, đúng cách để ngăn chặn, phòng chống đại dịch.
Vốn là một dân tộc có lối sống chịu sự chi phối bởi đặc trưng văn hóa của một cộng đồng cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, gắn kết trong cộng đồng làng xã bền chặt, trong cuộc sống, người Việt Nam luôn đề cao tính cố kết cộng đồng.
Lịch sử hàng nghìn năm cho thấy, trong quá trình lao động sản xuất, đối mặt với thiên tai và các thế lực ngoại xâm, để sinh tồn, phát triển, bảo vệ đất nước, người Việt đã triệt để phát huy yếu tố mang tính “bản sắc” này nhằm biến nó thành tinh thần đoàn kết, góp phần giúp dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Sức mạnh tiềm tàng của dân tộc Việt, một phần cũng nằm ở chính giá trị văn hóa cốt lõi có tính đặc trưng đó.
Người ta cũng đã nói nhiều đến nguyên nhân vì sao nhiều quốc gia phương Tây, kể cả những quốc gia hùng mạnh, giàu tiềm lực và có nền y học hiện đại, tiên tiến bậc nhất như Mỹ, Anh, Pháp, Đức... lại không thể kịp trở tay, thậm chí bất lực khi đại dịch lan tràn.
Còn với Việt Nam, tiềm lực mọi mặt hạn chế, lại nằm cận kề ngay vùng ổ dịch khởi phát là Vũ Hán, Trung Quốc thì ở chiều ngược lại. Nguyên nhân và cách lý giải có nhiều, nhưng rõ ràng, thực tế đang cho thấy, cách tiếp cận, cũng như ý thức phòng, chống dịch của cộng đồng cư dân các quốc gia này so với Việt Nam có sự khác biệt. Chính sự khác biệt này là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả cuối cùng.
Phải chăng thói quen văn hóa của cộng đồng cư dân vốn quá tôn trọng/đề cao lối sống tự do cá nhân hay “tinh thần cá nhân chủ nghĩa” đã tạo ra rào cản khiến nhiều quốc gia phương Tây không thể kịp thời và rất hạn chế trong việc yêu cầu cả cộng đồng cùng hiệp tâm, hiệp lực chống dịch?
Ngay khi có dấu hiệu bất ổn từ số ít bệnh nhân mang mầm bệnh từ Vũ Hán trở về với những ca đầu tiên xuất hiện ở Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc. Và khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc xuống lệnh “chống dịch như chống giặc”, tất thảy đồng lòng, người người vào cuộc, nhà nhà vào cuộc. Các “pháo đài làng xã” của một thời chống ngoại xâm oanh liệt lại được dựng lên làm cho bộ máy chống dịch từ Trung ương đến địa phương nhanh chóng khởi phát và vận hành trơn tru.
Cơ chế “tự kiểm soát”, “tự phòng chống” kết hợp với tinh thần và ý thức “chung lưng đấu cật”, trên dưới một lòng, “trăm họ một nhà”, “trăm nhà như một” đã tạo ra một “thế trận nhân dân” thực sự ngăn chặn đại dịch. Rõ ràng, trong thời khắc chống dịch vừa phức tạp, vừa nhạy cảm này, yếu tố lối sống đề cao tính cố kết cộng đồng với phương châm “mình vì mọi người”, “mọi người vì mình” trong văn hóa Việt đã được phát huy đúng lúc, đúng cách góp phần quan trọng để Việt Nam chống lại đại dịch một cách hết sức hiệu quả.
2. Một dân tộc luôn có niềm tin, giữ vững niềm tin và biết biến niềm tin thành quyết tâm, hành động, thành sức mạnh để chống dịch và thắng dịch.
Dịch Covid-19 ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, người Việt Nam chưa hề tỏ ra bi quan và luôn tin tưởng với sự chỉ đạo kịp thời, sáng suốt của Đảng, Nhà nước cùng với sự đồng lòng của toàn dân, chúng ta sẽ vượt qua đại dịch một cách tốt nhất có thể.
Bản tính của một dân tộc vốn trong trường tồn lịch sử từng bị đặt trước biết bao thử thách mang tính sống còn, đầy cam go, quyết liệt để sinh tồn, phát triển đã hun đúc, tôi luyện nên niềm tin - bản lĩnh và coi đó như là giá trị trong văn hóa sống của cộng đồng.
Thực tiễn hơn ba tháng đối diện với đại dịch cho thấy, khi dịch bệnh hoành hành, cư dân nhiều quốc gia hoảng loạn khiến cho sự chỉ đạo của chính quyền nhà nước trong phòng chống dịch đôi khi mất hiệu lực. Ở Việt Nam, sự lo lắng, sợ hãi có thể có nhưng thoáng qua, thay vào đó là sự bình tâm, bình tĩnh.
Người Việt Nam nói nhiều đến dịch, tìm mọi cách đối phó với dịch nhưng không tỏ ra hoảng loạn, khiếp sợ, nao núng trước bệnh dịch. Khi một xã, một làng, một khu phố bị cách ly bởi có hiện tượng dịch bùng phát lây lan diện rộng, tất thảy mọi người, mọi nhà kể cả ở trong hay ngoài vùng cách ly đều bình tâm và tuân thủ thực hiện nghiêm ngặt sự chỉ đạo của chính quyền, cũng như của các cơ quan chức năng.
Niềm tin vào Đảng, Nhà nước, niềm tin vào cả cộng đồng dân tộc gắn với ý thức, trách nhiệm đối với xã hội trong những thời khắc nguy nan thêm một lần nữa được thể hiện, kiểm chứng và khẳng định trong đại dịch. Từ niềm tin, người Việt Nam đã biến nó thành quyết tâm và hành động, sẵn sàng đối phó với dịch bệnh và thắng dịch bệnh.
Chiến tranh đã đi qua mấy chục năm, đã lâu rồi người Việt Nam mới thấy lại phần nào cái không khí hừng hực một thời của cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”. Chưa bao giờ người ta thấy, trên các trang mạng xã hội, trong cuộc sống mỗi ngày, những bài thơ, ca, hò, vè, các tác phẩm âm nhạc, nghệ thuật viết về phòng, chống dịch lại có sức cuốn hút, lan tỏa với tất cả mọi người đến vậy.
Niềm tin chiến thắng, lòng tự hào dân tộc, truyền thống “tương thân, tương ái”, “chung lưng đấu cật”, “kề vai, sát cánh, đồng dạ, đồng lòng” tiếp lửa từ truyền thống kiên cường, bất khuất chống ngoại xâm của người Việt là chất xúc tác khiến cho người Việt Nam trở nên quyết tâm, mạnh mẽ hơn trong việc vượt qua dịch bệnh. Thực sự Việt Nam đang là điểm sáng, một lá cờ đầu trong cuộc chiến đầy cam go của nhân loại chống lại đại dịch Covid-19.
3. Thông điệp có tính giá trị như những kinh nghiệm, đồng thời gợi mở để chúng ta có thể suy ngẫm về một Việt Nam của ngày hôm qua, ngày hôm nay và ngày mai trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Trước khi đại dịch diễn ra, hẳn đã có không ít người băn khoăn, thậm chí hoài nghi về những giá trị văn hóa cốt lõi – những giá trị văn hóa vốn tạo nên sức mạnh nội thân, tiềm tàng của dân tộc Việt, liệu có còn tồn tại.
Đã có người cho rằng, thời thế đổi thay, lòng người dễ thay đổi. Trong cơ chế thị trường gắn với lợi ích sát sườn của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, tính cố kết cộng đồng, truyền thống đoàn kết, bản lĩnh, ý chí Việt Nam phải chăng đã phai nhạt? Thực tiễn hơn ba tháng người Việt Nam gồng mình chống dịch, hẳn phần nào đã cho chúng ta hình dung được câu trả lời xác đáng!!!
Một sự thật hiển nhiên rằng, giá trị văn hóa cốt lõi của một dân tộc không phải là thứ có thể dễ dàng mất đi. Vì nhiều lý do khác nhau, ở những hoàn cảnh cụ thể nhất định, một giá trị này hay giá trị khác có thể bị chùng lấp, nhưng khi đất nước, dân tộc đối mặt với an nguy, chắc chắn nó sẽ bùng lên dữ dội và tạo nên sức mạnh vô cùng mạnh mẽ. Sức mạnh từ bản ngã, bản lĩnh văn hóa Việt Nam, góp phần giúp người Việt Nam vượt qua mọi thách thức, đánh thắng bất kỳ kẻ thù nào để bảo vệ đất nước, dân tộc, đưa đất nước, dân tộc phát triển đi lên đúng theo con đường đã lựa chọn.