Những năm qua một số vụ cháy nổ trong nhà trường xuất phát từ nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng học sinh, giáo viên.
Ẩn họa khôn lường từ hệ thống điện
Khoảng 6 năm trước, do bị chập điện, một căn phòng ở tầng 2 Trường THCS - THPT Nhân Văn (TPHCM) phát hỏa, lửa nhanh chóng lan rộng ra các phòng khác. Lực lượng tại chỗ đã dùng bình chữa cháy mini để dập lửa nhưng bất thành. Hàng trăm học sinh được di tản ra khu vực ngoài cổng trường. Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy quận Tân Phú đã điều động 5 xe chữa cháy cùng hàng chục cán bộ, khống chế đám cháy. Vụ cháy đã thiêu rụi nhiều tài sản.
Cuối tháng 11/2022, cũng do chập điện, kho chứa đồ dùng, vật dụng học tập của học sinh tại tầng 2, Trường Tiểu học Phù Đổng (Đồng Nai) bùng cháy. Phát hiện khói bốc lên nghi ngút, nhiều người dân đã chạy vào trường dùng vòi nước và bình chữa cháy tại chỗ tiến hành dập lửa. Tuy nhiên, vụ cháy xảy ra trên tầng 2 nên công việc gặp khó khăn. May mắn, vụ cháy xảy ra vào khoảng 18 giờ tối, học sinh đã tan trường nên không có người thương vong.
Gần đây nhất, giữa tháng 2/2023, tại Trường Tiểu học Yên Hòa (Hà Nội) xảy ra sự cố cháy nổ vì chập điện ở tầng hầm để xe, sau đó lan rộng. Vụ cháy xảy ra vào khoảng 12 giờ trưa, thời điểm học sinh đang ngủ. Lập tức ban giám hiệu ngắt cầu dao điện, gọi cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy. Thầy cô giáo tiến hành sơ tán học sinh, đồng thời chỉ đạo nhân viên bảo vệ phối hợp với người dân quanh trường sử dụng các thiết bị chữa cháy tại chỗ để dập. Nhờ sự nỗ lực của nhiều phía, đám cháy nhanh chóng được dập tắt. Sự việc không có thiệt hại về người.
Thực tế các vụ cháy nổ xảy ra nói chung và trong trường học nói riêng những năm gần đây, phần lớn đều xuất phát từ sự cố của hệ thống điện. Chia sẻ về thực trạng này, ThS Hồ Thanh Phương - giảng viên Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Bách khoa, ĐHQG TPHCM cho biết, hệ thống đường dây điện trong trường, phòng học được thiết kế từ lâu.
Trong khi đó những năm gần đây nhiều cơ sở giáo dục có nhu cầu lắp thêm điều hòa, máy chiếu, tivi hay các thiết bị phục vụ trong bếp ăn bán trú… Sau khi lắp đặt các thiết bị trên, đường dây điện quá tải. Đây có thể là một trong những nguyên nhân gây ra cháy nổ.
“Ngoài ra, cũng có thể do các thiết bị không được kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên hay đặt những vật liệu dễ cháy quanh nguồn nhiệt và những nơi phát sinh tia lửa điện như: Cầu dao điện tự động, áp tô mát,... Bên cạnh đó, có trường hợp do quá trình đấu nối các thiết bị không đúng kỹ thuật nên dù đã tắt hết tất cả thiết bị không sử dụng, nhưng hệ thống đường dây vẫn có điện nên vẫn có thể gây cháy”, ThS Phương chia sẻ.
Giờ học kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy nổ của học sinh Trường Tiểu học Nguyễn An Ninh (TP Biên Hòa, Đồng Nai). |
Bất cẩn trong giờ học thí nghiệm
Hiện các trường đều được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, nhiều phương tiện tiên tiến để phục vụ công tác giảng dạy và học tập. Thời gian qua, trong lúc lao động tại trường hay tiết thực hành, thí nghiệm, sự bất cẩn từ giáo viên, học sinh cũng gây ra những sự việc cháy nổ đáng tiếc.
Đầu năm 2017, sau giờ học thực hành môn Hóa tại một lớp của Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội), khi tiến hành dọn dẹp có 2 em đốt mẩu giấy Phenolphtalein cho vào một chiếc cốc khô, bên trong không đựng gì.
Sau đó, một em đã cầm lọ đựng cồn (bên trong còn khoảng 50 ml) và đổ vào cốc nên bị bắt lửa, cháy lan làm nổ chai nhựa dẫn tới 3 học sinh đứng gần đó bị bỏng. Lúc xảy ra sự việc không có giáo viên ở trong phòng học. Nhà trường và cán bộ y tế đã sơ cứu và đưa 3 học sinh trên đi cấp cứu ở bệnh viện.
Tương tự, cách đây hơn 5 năm, trong giờ thí nghiệm môn Sinh học của học sinh lớp 8, Trường THCS Thuận Hưng (TP Cần Thơ), do hết cồn đốt nên thầy quản lý phòng thí nghiệm đi lấy bình cồn, một số học sinh đã tự châm cồn vào cốc khiến lửa phụt lên. Vụ việc khiến 4 học sinh bị bỏng, trong đó có 1 em bị bỏng nặng phải điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM).
Đợt tháng 2/2019, tại Trường THCS Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh) cũng xảy ra sự việc đáng tiếc trong giờ thí nghiệm môn Hóa học. Theo đó, một nhóm học sinh lớp 8 đang tiến hành thí nghiệm thì không may chất hóa học phản ứng gây nổ bình khiến mảnh thủy tinh, chất lỏng hóa học văng tung tóe.
Vụ nổ khiến 3 em bị thương được đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) sơ cứu, trong đó 1 nữ sinh không may bị rách giác mạc, tổn thương nặng nội nhãn, được chuyển lên Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh. Sau khi khâu giác mạc, gia đình đã chuyển em ra Bệnh viện mắt Trung ương ở Hà Nội để tiếp tục điều trị.
Tháng 5/2020, Trường THCS Quyết Thắng (Hải Dương) phân công một nhóm học sinh lớp 9 tiến hành cắt, tỉa cành cây phi lao phía sau sân trường. Trong quá trình cắt tỉa, cành cây phi lao bị đổ chạm vào đường dây điện gần đó khiến một nam sinh bị điện giật ngã xuống đất. Các thầy cô sơ cứu và nhanh chóng đưa nạn nhân đi cấp cứu tại bệnh viện. Tuy nhiên sau nhiều nỗ lực cứu chữa, nam sinh đã không qua khỏi.
TS giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền (Trường song ngữ Canada) chia sẻ: “Tôi từng đến những ngôi trường như chiếc hộp, đi thuê địa điểm là toà nhà, thậm chí 6 - 8 tầng, cầu thang hẹp vô cùng. Ý nghĩ đầu tiên khi tôi vừa bước vào là mình có được trả tiền tỷ để làm quản lý ở trường đó cũng từ chối vì thảm hoạ thấy trước. Trường học toàn trẻ nhỏ, nhất là trường liên cấp từ mầm non trở lên. Quá khó cho trẻ có thể thoát hiểm trong các tình huống cháy, nổ”.