Theo Thiếu tá Nguyễn Đức Hùng - cán bộ Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội, tùy lứa tuổi học sinh, công tác tuyên truyền PCCC và kỹ năng thoát hiểm khi có tình huống hỏa hoạn sẽ khác nhau.
Phù hợp lứa tuổi
- Xin ông cho biết công tác tuyên truyền về PCCC tới người dân, trong đó có học sinh các trường học trên địa bàn được thực hiện ra sao?
- Quận Bắc Từ Liêm có 13 phường và tập trung nhiều cơ sở giáo dục đào tạo từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT và CĐ - ĐH; các khu đô thị, chung cư cao tầng, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ thuê trọ, nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh… Đó đều là cơ sở, công trình tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về PCCC. Dù thường xuyên nắm tình hình và tuyên truyền sâu rộng đến người dân, nhưng tình hình cháy nổ vẫn diễn biến phức tạp, khó lường.
Những năm qua, Công an quận đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC theo Kế hoạch của Công an TP Hà Nội cũng như UBND quận dưới nhiều hình thức. Trong năm 2023, đơn vị tập trung triển khai Kế hoạch số 53/KH-UBND ngày 16/2/2023 của UBND TP Hà Nội nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, kỹ năng về PCCC&cứu nạn cứu hộ tới mọi tầng lớp nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên và đội ngũ lao động trẻ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 01 về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới.
- Thường xuyên tuyên truyền PCCC trong trường học, theo ông, trẻ mầm non, học sinh tiểu học cần kiến thức kỹ năng gì?
- Với độ tuổi, bậc học khác nhau cần trang bị những kiến thức phù hợp cả về nội dung, phương pháp, hình thức. Ví như chỉ dẫn cách sử dụng bình cứu hỏa mini để dập tắt đám cháy nhỏ nhưng không thể bắt trẻ mầm non hay tiểu học thực hành thao tác này được mà chỉ nên hướng dẫn giáo viên, nhân viên trong trường.
Với trẻ mầm non do chưa có kỹ năng tự bảo vệ mình nên chúng ta cần tập trung giúp các em nhận biết được nguồn lửa, nguồn nhiệt, các vật dụng có thể gây cháy và biện pháp phòng tránh. Đồng thời, ta cần giúp trẻ nhận biết được tín hiệu báo động cháy và hành động phù hợp để ứng phó thông qua hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ. Những hình ảnh trực quan, sinh động sẽ giúp trẻ nhớ lâu.
Ở cấp tiểu học, chúng ta phải chỉ ra cho học sinh biết cách thoát hiểm nếu phát sinh tình huống hỏa hoạn. Đặc biệt, khi phát hiện có cháy trong lớp học, các em phải giữ bình tĩnh, không hoảng loạn rồi tìm khăn vải/khăn quàng hoặc khẩu trang nhúng nước bịt mũi miệng để tránh khói, khí độc. Sau đó di chuyển thấp người men theo tường rồi thoát ra ngoài, tuyệt đối không được nán lại lấy đồ dùng cá nhân. Phải hô hoán sớm hoặc vừa thoát nạn, vừa thông báo cháy nếu điều kiện phù hợp…
Thiếu tá Nguyễn Đức Hùng. |
Nhà trường cần chủ động phòng cháy
- Với học sinh THCS, THPT và sinh viên cần được trang bị thêm những kỹ năng gì, thưa ông?
- Dù ở bậc học nào cũng cần nhận biết được nguồn lửa, nguồn nhiệt và các nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra. Học sinh từ THCS trở lên có thể được hướng dẫn thực hành các thao tác sử dụng bình cứu hỏa xách tay với mô hình hoặc đám cháy giả định, có kiểm soát. Việc này nên được tổ chức thường xuyên tùy theo đặc điểm tình hình ở mỗi đơn vị. Kiến thức về PCCC trang bị cho các em có thể thông qua hoạt động trải nghiệm, sinh hoạt hè, câu lạc bộ, hoạt động giáo dục quốc phòng an ninh hay hoạt động ngoại khóa khác.
Muốn vậy, nhà trường cần triển khai nghiêm túc Thông tư 06/2022 của Bộ GD&ĐT về hướng dẫn trang bị kiến thức về PCCC&CNCH cho học sinh, sinh viên trong cơ sở giáo dục. Đảm bảo việc hướng dẫn trang bị kiến thức phải thực chất, tránh hình thức. Nhiều trường hiện nay tổ chức hướng dẫn kết hợp thời gian của giờ Chào cờ buổi sáng thứ 2 hằng tuần. Do số lượng học sinh các khối rất đông nên ít mang lại hiệu quả. Các trường cần lên kế hoạch để chia nhỏ nhóm học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm. Như vậy, việc trang bị kỹ năng PCCC đạt hiệu quả cao hơn.
- Phòng cháy quan trọng hơn chữa cháy. Ông có khuyến cáo ra sao với các nhà trường trong việc chủ động phòng ngừa các nguy cơ cháy nổ?
- Tại mỗi nhà trường đều có các vị trí, khu vực dễ phát sinh nguy cơ cháy nổ như bếp ăn, phòng thí nghiệm hóa học… Do vậy, mỗi phòng chức năng phải được trang bị thiết bị chữa cháy theo quy định và đặt ở vị trí dễ nhận biết để có thể sử dụng ngay lập tức khi cần. Phòng thí nghiệm phải có quy định rõ ràng về những loại hóa chất, thí nghiệm nào có nguy cơ cháy nổ. Hóa chất thí nghiệm cần kê lên kệ, giá và đánh dấu tên rõ ràng, nhất là chất dễ cháy.
Tại các phòng học, phòng Tin học lắp đặt nhiều máy tính, các trường cần tính toán kỹ lưỡng về hệ thống điện. Dây dẫn phải có độ chịu tải cao và đảm bảo tiêu chí an toàn khi sử dụng nhiều thiết bị điện trong phòng cùng một lúc như máy tính, điều hòa nhiệt độ, đèn chiếu sáng, quạt… nhằm tránh nguy cơ quá tải điện dẫn tới chập cháy.
Khu vực bếp ăn nhiều trường vẫn sử dụng hệ thống bếp ga công nghiệp để chế biến thức ăn. Các trường phải kiểm tra thường xuyên hệ thống điện, thông khí và kịp thời sửa chữa nếu xảy ra hỏng hóc. Mỗi nhân viên nhà bếp phải được trang bị đầy đủ, thành thục các kỹ năng về an toàn phòng cháy, chữa cháy.
- Xin cảm ơn ông!
Thời gian qua trên cả nước có nhiều vụ cháy liên quan đến xe điện. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể phòng tránh nguy cơ cháy nổ nếu làm tốt công tác phòng cháy. Các em cần chú ý sạc xe điện vào thời điểm ban ngày và có người ở nhà; sạc ở nơi có người trông coi. Khu vực sạc nên bố trí riêng biệt và bên cạnh không có vật dụng dễ cháy. Người dân không nên sạc điện thoại, máy tính, xe điện qua đêm vì dễ phát sinh nguy cơ cháy nổ.