Nâng cao kỹ năng
Ngày 15/9, Trường THPT Quang Trung (TP Hưng Yên, Hưng Yên) phối hợp cùng Công an thành phố Hưng Yên tổ chức chương trình “Tuyên truyền phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ và phòng chống ma túy học đường” cho hơn 700 cán bộ giáo viên, học sinh nhà trường. Trong đó, nội dung phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đặc biệt được quan tâm.
Tại đây, các cán bộ, chiến sĩ PCCC Công an thành phố Hưng Yên trao đổi kiến thức cơ bản về PCCC; kỹ năng thoát nạn trong môi trường khói, khí độc, khi có tình huống cháy nổ xảy ra... Sau đó, cán bộ, chiến sĩ hướng dẫn giáo viên, học sinh thực hành xử lý tình huống cháy nổ bằng bình chữa cháy cầm tay qua tình huống mô phỏng cháy bình gas.
Trong một buổi sáng, học sinh đã tiếp cận những kiến thức cơ bản, cần thiết về PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Những em thực hành tốt được cán bộ, chiến sĩ khen ngợi, động viên để tạo sự hứng thú, khích lệ học sinh nhà trường cùng tham gia hoạt động trải nghiệm này.
Cô Hiệu phó Phạm Ngọc Quá cho hay, trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho cán bộ giáo viên, học sinh luôn được nhà trường quan tâm và tổ chức từ đầu năm học. Ngoài ra, trong năm học, giáo viên sẽ lồng ghép trang bị kiến thức vào các môn học như Giáo dục quốc phòng an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Công nghệ...
Nội dung trên được triển khai dựa trên Thông tư 06/2022 về Hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục do Bộ GD&ĐT ban hành.
Theo đó, đối với giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy được lồng ghép trong nội dung các bài học của môn học theo chương trình giáo dục chính khóa; thông qua hoạt động trải nghiệm, trải nghiệm hướng nghiệp, giáo dục kỹ năng sống và trong sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt hè.
Còn theo cô Trần Thị Mai Loan - Trường Mầm non Ban Mai (Nam Từ Liêm, Hà Nội), Thông tư 06/2022 của Bộ GD&ĐT được nhà trường triển khai đến toàn thể cán bộ giáo viên, nhân viên. Giáo viên được yêu cầu nghiên cứu thông tư và tìm ra phương pháp giáo dục về PCCC phù hợp với trẻ mầm non.
Bên cạnh chuyên đề “Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ” do trường phối hợp với công an địa phương tổ chức, cô Loan còn lồng ghép vào các nội dung như phát triển thể chất, nhận thức, kỹ năng xã hội...
Ví dụ, cô cho trẻ xem đoạn phim về hình ảnh lửa cháy ở nhà cao tầng hoặc xe cứu hộ đang chữa cháy nhằm nhận biết dấu hiệu của hỏa hoạn và các tín hiệu báo cháy. Sau đó, cô đặt ra tình huống khi có cháy, hỏa hoạn trong lớp học đồng thời hướng dẫn trẻ thực hành thoát nạn như bò chui dưới đất, dùng khăn ướt che mũi...
Ngoài ra, nhà trường cũng chú trọng mua sắm, đầu tư thiết bị PCCC trong lớp học, dãy hàng lang như bình chữa cháy, hệ thống báo khói, báo cháy. Bốt điện được đặt cách xa khu vực lớp học, kiểm tra thường xuyên. Giáo viên được tập huấn kỹ năng phòng tránh nguồn lửa, nguồn nhiệt và một số sự cố có thể gây ra cháy, nổ.
Sinh viên Trường ĐH Thủy lợi thực hành kỹ năng ứng phó khi có sự cố cháy nổ. Ảnh: NTCC |
Kiểm tra thường xuyên các thiết bị
Giáo dục về PCCC, cứu nạn, cứu hộ cũng là nội dung được nhiều trường đại học quan tâm triển khai. ThS Đặng Hương Giang - Trưởng phòng Chính trị và Công tác Sinh viên, Trường Đại học Thủy lợi (Hà Nội) - chia sẻ:
Nhà trường đã triển khai Thông tư 06/2022 của Bộ GD&ĐT về hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục. Trong năm học, nhà trường tổ chức các chương trình tập huấn cho cán bộ giảng viên, nhân viên và sinh viên thông qua học lý thuyết và thực hành.
Sinh viên nhà trường hầu hết xa gia đình, sống ở phòng trọ nên điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo, có nguy cơ dẫn đến cháy nổ. Vì thế, hoạt động tuyên truyền chú trọng trang bị kiến thức phòng chống cháy nổ như cách sử dụng các thiết bị điện; sử dụng bếp gas mini; kiểm tra các thiết bị có nguy cơ gây chập cháy...
Về nội dung thực hành, cán bộ giảng viên, nhân viên và sinh viên được hướng dẫn kỹ năng thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ; kỹ năng tìm kiếm nạn nhân, cứu người bị nạn. Bên cạnh đó, sinh viên được thực hành sử dụng phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Sau chương trình huấn luyện, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, đánh giá và cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho đội PCCC của trường.
Nhận thức nghiêm túc mối nguy tiềm tàng trong trường học, ThS Đặng Hương Giang thông tin thêm: Trường ĐH Thủy lợi chú trọng lắp đặt, sửa chữa các phương tiện PCCC ở các dãy học, tòa nhà, khu vực bếp ăn, ký túc xá như bình cứu hỏa, họng nước, thiết bị báo cháy... Hằng năm, nhà trường họp tổ phòng cháy để rà soát phương án, hoạt động của thiết bị báo khói, báo cháy và chữa cháy.
Trần Ngọc Bích, học sinh Trường THPT Quang Trung (Hưng Yên), chia sẻ: “Chương trình tuyên truyền mang lại cho chúng em những kiến thức bổ ích và hiểu rõ hơn về cách xử lý tình huống khi có cháy nổ xảy ra. Em cũng ý thức rõ hơn việc trang bị các thiết bị phòng cháy chữa cháy trong gia đình để đảm bảo an toàn cho mình và người thân”.