Phòng chống bạo lực học đường từ sự thân thiện

GD&TĐ - Công tác xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng chống bạo lực học đường được ngành Giáo dục đặt lên hàng đầu.

Học sinh Trường THPT Kim Liên (Hà Nội).
Học sinh Trường THPT Kim Liên (Hà Nội).

Không thể phó mặc cho nhà trường

Mới đây, đầu tháng 9/2022, một nữ sinh lớp 8 ở tỉnh Hà Tĩnh bị 3 nữ sinh khác lao vào đánh đập, lột quần áo. Mặc cho nạn nhân nhiều lần xin tha nhưng nhóm nữ sinh kia vẫn không dừng lại. Thậm chí, nhiều người chứng kiến sự việc còn hồn nhiên quay lại video rồi đăng tải lên mạng xã hội.

Ngay trong ngày khai giảng năm học 2022 - 2023, một nam sinh lớp 8 ở tỉnh Phú Thọ có mâu thuẫn với bạn đã bị phụ huynh của bạn đến trường, lôi ra ngoài đánh. Học sinh này bị tát liên tiếp vào mặt trước sự chứng kiến của rất đông người, trong đó có cả người đứng quay clip.

Gần đây nhất, một học sinh lớp 9 ở huyện Thường Tín (Hà Nội) đã bị bạn cùng trường lao vào đánh đến mức phải nhập viện điều trị với chẩn đoán ban đầu là chấn thương sọ não. Nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn cũng chỉ đơn giản là lời qua tiếng lại trong giờ ra chơi giữa tiết học.

Theo số liệu mới nhất của Bộ GD&ĐT, trong một năm học, cả nước xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Phần lớn các vụ học sinh xô xát, đánh nhau xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trên lớp, trong cuộc sống, nói xấu nhau trên mạng xã hội hay xuất phát từ sự kích động, xúi giục, lôi kéo của bạn bè.

Cứ khi xảy ra liên tiếp, dồn dập các vụ học sinh đánh nhau, các văn bản của cơ quan chức năng lại xuất hiện để tăng cường chấn chỉnh; đồng thời, các cuộc hội thảo lại được tổ chức để tìm giải pháp. Tuy nhiên sau đó, tất cả lại lắng xuống và các vụ bạo lực học đường vẫn tiếp tục diễn ra như thách thức dư luận.

Theo chuyên gia tâm lý học Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, hàng ngày, học sinh dành phần lớn thời gian ở trường học, chịu ảnh hưởng khá nhiều của môi trường giáo dục, của sự dạy dỗ từ giáo viên. Nhưng dường như việc dạy dỗ ở trường chủ yếu tập trung vào việc dạy kiến thức theo chương trình sách giáo khoa. Những kiến thức xã hội, kỹ năng sống, cách ứng xử, giao tiếp vẫn được giáo viên đề cập, song ở mức độ khiêm tốn.

Cũng có nhiều giáo viên nhận thức được tầm quan trọng của việc rèn giũa học sinh về mặt đạo đức và ý thức nhưng không nhận được sự phối hợp của phụ huynh. Câu “trăm sự nhờ cô” đã phần nào thể hiện suy nghĩ của cha mẹ khi phó mặc việc giáo dục, dạy dỗ con cái cho giáo viên, cho nhà trường. Chính sự thiếu liên kết của gia đình, nhà trường, xã hội đã góp phần tạo “đất sống” cho bạo lực học đường.

Vì vậy, đã đến lúc toàn xã hội, nhà trường, gia đình, các bậc cha mẹ cần nhận thức rõ hơn tầm quan trọng về sự phát triển và hình thành nhân cách của một đứa trẻ. Nhà trường và gia đình cần trở thành nơi đáng tin cậy để trẻ sẵn sàng chia sẻ, tin tưởng; từ đó, quan tâm, điều chỉnh hành vi của trẻ, giúp trẻ tránh xa những lệch lạc, hướng đến những điều tốt đẹp trong xã hội. Như vậy, nạn bạo lực học đường mới được ngăn chặn một cách triệt để, tận gốc.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Xây dựng môi trường giáo dục thân thiện

Ông Nguyễn Xuân An Việt - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) - cho biết: Thời gian vừa qua, Bộ GD&ĐT đã tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ nhiều văn bản nhằm thực hiện hiệu quả, đồng bộ về GD-ĐT. Trong đó, công tác xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng chống bạo lực học đường được đặt lên hàng đầu.

Theo đánh giá, việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường là chủ trương được các cơ sở giáo dục và xã hội đồng tình, ủng hộ. Do đó, việc triển khai thực hiện được nhà trường, cha mẹ học sinh, chính quyền và đoàn thể hưởng ứng, tham gia tích cực, tạo nên sự chuyển biến tốt trong thời gian vừa qua. Bằng nhiều biện pháp kết hợp đồng bộ, số vụ bạo lực học đường được ghi nhận qua từng năm học có chiều hướng giảm.

Ở mỗi cơ sở giáo dục, công tác phòng chống bạo lực học đường, xâm hại trẻ em được lồng ghép với việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, nhất là kỹ năng tự bảo vệ bản thân, giải quyết mâu thuẫn. Sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng trong và ngoài nhà trường tạo nên hiệu quả thực sự của các hoạt động phòng chống bạo lực học đường.

Thông qua việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản của các cấp đã nâng cao năng lực nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh về công tác phòng chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Học sinh và gia đình học sinh an tâm hơn khi môi trường giáo dục ở trong và ngoài nhà trường được đảm bảo an toàn, lành mạnh và thân thiện hơn.

Để phòng, chống bạo lực học đường, trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện các chỉ thị, kế hoạch hành động về phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2020 - 2025. Chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và gia đình học sinh về phòng, chống bạo lực học đường.

Cần tăng cường giáo dục pháp luật, giáo dục về phòng, chống bạo lực học đường; xây dựng các chuyên đề về giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng chống xâm hại, bạo lực học đường lồng ghép trong các hoạt động giáo dục, hoạt động Đoàn, Đội thông qua các hình thức tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm, nêu gương tốt, đề cao sự gương mẫu của người thầy. Đặc biệt, các cơ sở giáo dục cần xây dựng và củng cố, nâng cao hiệu quả, phát huy vai trò của các phòng tham vấn tâm lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.