Đa dạng giải pháp hóa giải bạo lực học đường

GD&TĐ - Để hóa giải tình trạng bạo lực học đường, nhiều trường THPT ở Thanh Hóa đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Không chỉ lồng ghép vào môn học, các trường còn cố gắng sân khấu hóa những hoạt động tuyên truyền.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi dọn cỏ, dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ Hàm Rồng (TP Thanh Hóa).
Học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi dọn cỏ, dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ Hàm Rồng (TP Thanh Hóa).

Thay đổi nhận thức

Năm học 2021–2022, Trường THPT Nguyễn Trãi (TP Thanh Hóa) có hơn 1.100 học sinh (HS), phân bổ ở 25 lớp. Theo kết quả đánh giá, xếp loại học kỳ 1 của năm học này, tỷ lệ HS đạt hạnh kiểm Tốt của nhà trường chiếm tới hơn 94%, hạnh kiểm Khá là 5,78% và không có HS xếp loại hạnh kiểm Trung bình hoặc Yếu. 

Kết quả này cũng được nhà trường duy trì ở các năm học trước, đặc biệt là không có HS xếp loại hạnh kiểm Trung bình, Yếu.

Theo thầy Nguyễn Anh Thế - Hiệu trưởng nhà trường, nhiều năm trước tình trạng bạo lực học đường vẫn còn xảy ra nhưng không nhiều. Vì vậy, để nâng cao nhận thức cho HS, Ban giám hiệu (BGH) đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hóa giải tình trạng bạo lực học đường, tăng cường phổ biến pháp luật và phòng, tránh xâm hại tình dục…

“Nhà trường đã thành lập ban Tâm lý học đường, với nhiệm vụ chính là phát hiện sớm, kịp thời mâu thuẫn của HS để giải quyết một cách triệt để. Ban Tâm lý học đường cũng xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ trực hàng ngày.

Ngoài ra, trường cũng dành riêng 2 phòng, trong đó có một phòng kín để HS có thể giãi bày những vướng mắc tuổi học trò với giáo viên để cùng nhau tháo gỡ. Một phòng khác ở cạnh khu học tập để can thiệp kịp thời, nếu không may xảy ra tình huống xấu”, thầy Thế chia sẻ.

Cùng với hoạt động của ban Tâm lý học đường, BGH Trường THPT Nguyễn Trãi còn thành lập ban Nề nếp, với quy chế hoạt động riêng và phân công nhiệm vụ tới từng thành viên.

Nhiệm vụ của ban là theo dõi và kiểm tra đột xuất, thường xuyên đối với các lớp học. Đồng thời, túc trực ở cổng trường để theo dõi tình trạng HS ra, vào trường nhằm can thiệp kịp thời các trường hợp mâu thuẫn của HS.

“Ngoài 2 ban này, nhà trường còn thành lập ban An toàn giao thông, để phân luồng giao thông vào giờ cao điểm quanh khu vực cổng trường. Mỗi lớp sẽ có một đội trực và phân công theo lịch.

Đội trực của ban còn có nhiệm vụ theo dõi HS ra, vào trường, báo cáo kịp thời với ban Nề nếp, nếu thấy hiện tượng tập trung đông người”, thầy Thế nói.

Lễ kết nạp đoàn viên tại Nghĩa trang liệt sỹ Hàm Rồng của Trường THPT Nguyễn Trãi.
Lễ kết nạp đoàn viên tại Nghĩa trang liệt sỹ Hàm Rồng của Trường THPT Nguyễn Trãi.

Sân khấu hóa các hoạt động tuyên truyền cũng được Trường THPT Nguyễn Trãi duy trì tổ chức, ngoại trừ thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Chẳng hạn như đẩy mạnh các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp theo chủ đề. Hoạt động này sẽ do HS các khối lớp 10, 11 đảm nhận và luân phiên nhau hoạt động trên sân khấu bằng các hình thức khác nhau như: Đóng kịch xảy ra tình huống, trả lời theo câu hỏi, văn hóa - văn nghệ…

“Khi sân khấu hóa các hoạt động tuyên truyền, HS vô cùng hào hứng vì vừa được nắm bắt thông tin, vừa được tham gia hoạt động trước khi bước vào lớp học”, thầy Thế bộc bạch.

Đặc biệt, nhiều năm nay Đoàn trường THPT Nguyễn Trãi đều duy trì tổ chức hoạt động kết nạp đoàn viên tại khuôn viên Nghĩa trang liệt sỹ Hàm Rồng (TP Thanh Hóa); phát động đoàn viên quét dọn và dâng hương tại nghĩa trang.

Thông qua những hoạt động này, Đoàn trường mong muốn khơi dậy ý thức về cội nguồn, tri ân các anh hùng liệt sỹ và bồi đắp tình yêu nước, khát vọng cống hiến trong đoàn viên thanh niên.

Linh hoạt và đa dạng về hình thức

Linh hoạt các hình thức tuyên truyền về an toàn giao thông, phòng chống bạo lực học đường là cách làm của BGH Trường THPT Lê Hồng Phong (thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) trong năm học vừa qua.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhà trường chủ yếu tuyên truyền trực tuyến thông qua mạng xã hội. Đồng thời, sưu tầm nhiều video và chắt lọc nội dung cho phù hợp với chủ đề để tuyên truyền về tận các lớp.

Theo cô Nguyễn Thị Nụ - Phó hiệu trưởng nhà trường, các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho HS về bạo lực học đường, ma túy, HIV cũng được nhà trường tổ chức thường xuyên, đa dạng hình thức. Trong đó, cố gắng sân khấu hóa tối thiểu 1 lần/năm.

Học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong tham gia tiểu phẩm liên quan tới phòng chống HIV, AIDS.
Học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong tham gia tiểu phẩm liên quan tới phòng chống HIV, AIDS.

“Ban giám hiệu nhà trường cũng thường giao nhiệm vụ cho Đoàn thanh niên nhà trường xây dựng nội dung, kịch bản để tuyên truyền vào sáng thứ Hai hàng tuần. Ngoài ra, nội dung này cũng được lồng ghép trong các buổi sinh hoạt đoàn mỗi tháng”, cô Nụ nói.

Bên cạnh đó, để nâng cao nhận thức cho HS, BGH Trường THPT Lê Hồng Phong cũng từng tổ chức cuộc thi “Tri thức và văn hóa”, trải dài và xuyên suốt cả năm học. Mỗi tuần sẽ có 3 đội chơi ở 3 lớp tham gia, với các câu hỏi liên quan đến kiến thức chuyên môn, xã hội, văn hóa ứng xử…

“Hàng năm, nhà trường cũng thường xuyên phối hợp với công an, trung tâm y tế dự phòng để tuyên truyền cho các em về an toàn giao thông, ma túy, HIV, sức khỏe sinh sản…

Thông qua những hoạt động này, nhận thức của học trò cũng thay đổi rõ rệt, với tỷ lệ HS xếp loại hạnh kiểm Khá, Tốt trong những năm qua tăng lên và giảm tỷ lệ HS xếp loại hạnh kiểm Trung bình, Yếu”, cô Nụ chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ