Vấn đề nhức nhối
Theo cô Phạm Thị Ái Lệ - Hệ thống giáo dục Sunshine Kids, bắt nạt học đường là một trong những vấn đề nhức nhối hiện nay. Tưởng chừng chỉ là câu chuyện của trẻ con, nhưng bắt nạt học đường lại gây hậu quả không dễ khắc phục đối với sức khoẻ thể chất, tâm lý cho học sinh; từ những ngày cắp sách cho đến trưởng thành.
Cô Lệ trao đổi, bắt nạt là hình thức của hành vi gây hấn bằng việc sử dụng vũ lực cưỡng ép người khác; đặc biệt hành vi này thường xuyên và liên quan đến mất cân bằng quyền lực. Nó bao gồm quấy rồi về lời nói, hành hung hoặc cưỡng ép về thể chất, có thể thường xuyên hướng đến những nạn nhân nhất định.
Bắt nạt học đường là hành vi tiêu cực, thể hiện sức mạnh được lặp đi lặp lại của một hoặc nhiều học sinh để đe doạ hoặc làm tổn thương học sinh khác nhằm mục đích kiểm soát và duy trì quyền lực đối với học sinh đó.
Qua khảo sát và nghiên cứu, cô Lệ nhận thấy, có rất nhiều tình huống bắt nạt gây nên hậu quả nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khoẻ, tinh thần của học sinh. Biểu hiện rõ nét là, học sinh bị bắt nạt có thể có những tổn thương về tinh thần hoặc thực thể. Học hành sa sút và luôn lo lắng, sợ hãi, thiếu tập trung.
Những biểu hiện tiêu cực khi bị bắt nạt của học sinh sẽ giảm đáng kể nếu chúng ta tiến hành hỗ trợ học sinh kịp thời. Giúp các em tháo dở những khó khăn trong giải quyết vấn đề và giúp các em đối phó với các nguyên nhân gây ra bắt nạt học đường.
“Trên cơ sở nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng, việc giáo dục kỹ năng sống là cần thiết cho học sinh, giúp các em tăng tính chủ động, tích cực trong việc giải quyết vấn đề và ứng phó với bắt nạt học đường” – cô Lệ trao đổi.
“Chặn” từ gốc
Cũng là một trong những biểu hiện của bắt nạt học đường nhưng mang tính chất nghiêm trọng hơn; cô Lê Thị Tuyết – Trường THPT Cần Giuộc (Long An) – nhìn nhận, bạo lực học đường là hiện tượng đã và đang được quan tâm và gây nhiều lo ngại trong giáo dục.
Những hành vi bạo lực học đường dù nghiêm trọng hay không đều để lại những hậu quả nhất định về thể chất và sức khoẻ tâm thần đối với học sinh. Đối với học sinh bị bạo lực, các em không chỉ bị tổn thương về thể chất, mà có thể có những phản ứng tiêu cực như: căng thẳng, sang chấn…
Do vậy, các em xuất hiện nhiều cảm xúc tiêu cực như: Tức giận, sợ hãi, lo âu, căng thẳng. Những cảm xúc âm tính này để tích tụ lâu sẽ làm ảnh hưởng cho học sinh, khiến các em bị suy giảm sức khoẻ tâm thần và có thể dẫn tới stress, hoặc thậm chí dẫn tới tự tử… Từ đó, tác động rất lớn đến kết quả học tập cũng như sức khoẻ tâm thần của các em.
Tại hội thảo về văn hoá học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục, đào tạo do Uỷ ban Văn hoá Giáo dục của Quốc hội tổ chức, thầy Nguyễn Xuân Đức – Trường ĐH Vinh có bài tham luận về bạo lực và văn hoá học đường.
Theo thầy Đức, bạo lực học đường huỷ hoại nghê gớm văn hoá học đường, cho nên cần tìm ra căn rễ của từng loại bạo lực; từ đó đề ra những giải pháp khắc phục ngăn chặn, nhằm đảm bảo văn hoá học đường lành mạnh, góp phần phát triển giáo dục, tạo nhân lực có chất lượng cho đất nước.
Để tìm ra những giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường, cần đi cụ thể vào từng loại hiện tượng, từng loại đối tượng bạo hành là giáo viên, học sinh, phụ huynh và xã hội.
Thầy Đức nhìn nhận, những ức chế của giáo viên là có và có thể góp phần làm gia tăng bạo lực học đường, nên cần được loại bỏ. Cùng với đó, phải hạn chế và đi đến loại bỏ những áp lực không cần thiết, trái với Điều lệ trường học để giảm bớt áp lực cho giáo viên. Giải pháp đó là mũi tên trúng hai đích: Vừa nâng cao chất lượng giáo dục, vừa góp phần giảm thiểu bạo lực học đường.
Ngoài ra, công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phải sát thực tế hơn. Các trường sư phạm cần trang bị cho giáo sinh kỹ năng xử lý tình huống trên lớp; các sở GD&ĐT phải tổ chức hàng năm các kỳ tập huấn, thi tay nghề về xử lý tình huống giáo dục.