* Năm 217 là năm đầu tiên Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội bắt đầu tuyển sinh theo hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Vậy nhà trường có gặp phải khó khăn gì trong công tác tuyển sinh hay không – thưa thầy?
- Thầy Phạm Tiến Dũng: Hiện chúng tôi cũng gặp phải những khó khăn nhất định trong công tác tuyển sinh. Khó khăn đầu tiên đó là thông tin của các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp nói chung, trong đó có Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội nói riêng đến với học sinh THPT sẽ hạn chế hơn so với các trường đại học trực thuộc Bộ GD&ĐT.
Lý do là năm nay các em không trực tiếp đăng ký xét tuyển vào các trường cao đẳng tại các trường THPT mà các em chỉ có thể đăng ký theo 3 con đường: Thứ nhất là qua đường bưu điện; thứ hai là đến trực tiếp các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp và thứ 3 là đăng ký trực tuyến.
Vì thế chúng tôi nghĩ số học sinh ở THPT có được thông tin về các trường nghề nói chung và Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội nói riêng sẽ hạn chế hơn rất nhiều so với những năm trước.
Khó khăn thứ hai đó là: Nhiều em học sinh còn băn khoăn và chưa thực sự hiểu thế nào là Giáo dục nghề nghiệp. Mặt khác, thời điểm chúng tôi triển khai tuyển sinh năm 2017 bắt từ tháng 4.
Tuy nhiên, ở thời điểm này nhiều em không chọn Giáo dục nghề nghiệp vì chưa nhìn thấy cơ hội để có thể học liên thông lên đại học. Trong khi đó, tâm lý bằng cấp của phụ huynh và các em học sinh vẫn còn không phải là đã hết.
Bên cạnh đó, nhận thức của xã hội nói chung và phụ huynh, học sinh còn chưa đầy đủ hoặc chưa có thông tin đầy đủ để hiểu sâu về hệ thống các trường nghề. Đó là những yếu tố tác động khá mạnh đến việc lựa chọn trường nghề của học sinh hiện nay nên chúng tôi còn gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh.
* Vậy phía nhà trường có nhận được sự hỗ trợ nào từ phía Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội?
- Thầy Phạm Tiến Dũng: Thực ra khi trường nằm trong hệ thống giáo dục đại học của Bộ GD&ĐT thì vẫn đang đào tạo một số các ngành nghề hệ cao đẳng nghề và trung cấp nghề theo Luật Dạy nghề trước đây, nên chúng tôi vẫn nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội).
Khi chuyển sang Giáo dục nghề nghiệp thì chúng tôi vẫn nhận được sự quan tâm đầy đủ của Tổng cục. Cụ thể: Tất cả các chủ trương cũng như các văn bản chúng tôi đều được triển khai kịp thời và được hướng dẫn nhiệt tình khi gặp khó khăn, vướng mắc.
Hiện nay, chúng tôi đã triển khai xong việc chuyển đổi chương trình và đã nộp hồ sơ để đăng ký hoạt động nghề nghiệp. Ngoài ra chúng tôi cũng nhận được sự giúp đỡ của Tổng cục trong việc đào tạo để chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên dạy nghề và các hoạt động chuyên môn khác.
Tuy nhiên, do trước đây Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội không nằm trong hệ thống dạy nghề nên chúng tôi không tiếp cận được các chương trình trọng điểm quốc gia về nghề hoặc những dự án đầu tư trong lĩnh vực nghề nghệp. Vì vậy rất mong Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp sẽ quan tâm hơn nữa đến nhà trường trong vấn đề này.
* Tuy nhiên, bản thân các trường cũng phải chủ động và tự thân vận động là chính – thầy có nghĩ như vậy không?
- Thầy Phạm Tiến Dũng: Đúng vậy! Chúng tôi cũng xác định từ lãnh đạo nhà trường đến các đơn vị chức năng và cán bộ, giảng viên, giáo viên, việc đầu tiên là phải thống nhất trong nhận thức rằng: Phải tự chủ là chính. Đây là xu thế tất yếu mà các trường cần tiến tới.
Do đó, nếu nhà trường không chủ động, từng thành viên không chủ động sẽ rất khó có thể ổn định và phát triển được. Nắm bắt được xu thế ấy, chúng tôi đã chủ động tiếp cận các văn bản, các quy định mới của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Đặc biệt là chúng tôi tích cực chủ động trong công tác tuyên truyền, quảng bá và đổi mới phương thức tuyển sinh. Cụ thể, nhà trường đã thực hiện đa dạng, linh hoạt phương thức xét tuyển, từ xét tuyển trực tiếp tại trường, đăng ký trực tuyến trên website và trên mạng xã hội… Mặt khác, nhà trường mở rộng hợp tác với doanh nghiệp để tận dụng công nghệ, tạo đầu ra cho người học.
Chúng tôi tổ chức đào tạo cũng như phục vụ người học một cách tốt nhất, có chính sách về học bổng và học phí theo quy định. Vì thế khi chuyển đổi sang Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chúng tôi không gặp phải khó khăn một cách đột ngột.
* Một trong những yếu tố quan trọng của các trường nghề đó là đào tạo gắn với thực tiễn nghề nghiệp. Vậy chủ trương này được nhà trường thực hiện như thế nào – thưa thầy?
- Thầy Phạm Tiến Dũng: Cùng với hệ thống các trường nghề, năm 2017 Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội chuyển đổi sang giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, nhà trường đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống chương trình đào tạo với nhiều cải tiến, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp và xu thế phát triển của khoa học công nghệ.
Với tỷ lệ 70 – 30, tức là 70% thời lượng dành cho thực hành, 30% là lý thuyết, các chương trình đào tạo sẽ giúp người học có kỹ năng nghề sớm và thành thạo đáp ứng tốt yêu cầu thực tế sau khi tốt nghiệp.
Ngoài ra, tất cả các chương trình đều có 3 đợt thực tập hệ cap đẳng (trung cấp 2 đợt), gồm: Thực tập trải nghiệm thực tế nghề nghiệp, thực tập chuyên ngành, thực tập tốt nghiệp. Mỗi đợt thực tập, sinh viên được tham gia trực tiếp vào công việc.
Ngoài ra, sinh viên còn được hưởng mọi chế độ ưu đãi của doanh nghiệp theo đúng hợp đồng ký kết với nhà trường như: Chế độ ăn, ở, bảo hiểm, xe đưa đón và hưởng lương từ 4-6 triệu đồng/tháng. Hiện nhà trường đã ký kết hợp đồng phối hợp thực tập, tuyển dụng với trên 30 doanh nghiệp, cam kết tiếp nhận sinh viên của trường đến làm việc sau khi tốt nghiệp.
* Xin cảm ơn thầy Phạm Tiến Dũng!