Xu hướng chọn ngành, chọn trường đã thay đổi

GD&TĐ - Tốt nghiệp THPT và học tiếp lên cao đẳng, đại học để trở thành cử nhân hoặc kỹ sư là con đường truyền thống mà rất nhiều phụ huynh, học sinh đã định sẵn. 

Xu hướng chọn ngành, chọn trường đã thay đổi

Tuy nhiên, hiện nay xu hướng chọn ngành, chọn trường đã thay đổi và họ đã xác định: đại học không phải là con đường duy nhất. Thay vì nhất quyết phải vào đại học, nhiều gia đình và các em học sinh đã lựa chọn học các trường nghề để phù hợp với năng lực, sở trường hơn.

Đủ điểm đỗ đại học nhưng vẫn chọn trường nghề

Kỳ thi THPT Quốc gia 2017 em Nguyễn Trọng Duy ở TP Phủ Lý (Hà Nam) đạt 17,5 điểm với tổ hợp 3 môn khối A. Điểm số này Duy hoàn toàn có thể đỗ vào nhiều trường đại học, nhưng em lại chọn trường cao đẳng nghề để theo học.

Duy cho biết: Mấy ngày nay, em nghiên cứu rất kỹ thông tin tuyển sinh của Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội và Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội. Hiện em đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để sẵn sàng nộp đơn xét tuyển vào một trong hai trường này.

Tuy nhiên, em nghiêng về Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội hơn vì em thích ngành Kỹ thuật máy lạnh và Điều hòa không khí và ngành Công nghệ Kỹ thuật điện - Điện tử của trường này. Em đang chờ tham khảo thêm ý kiến của gia đình để có sự lựa chọn chuẩn xác nhất cho công việc sau này của mình.

“Em nghĩ hai ngành này sẽ không bao giờ lỗi thời và lúc nào cũng cần dù ở nông thôn hay thành thị. Hơn nữa, em cũng nhận thấy mình có sở trường về kỹ thuật điện và có chút hiểu biết về điện tử, điện lạnh. Ở nhà em vẫn tự sửa chữa, đấu nối những thiết bị điện, điện tử bị hỏng như: quạt điện, ti vi thậm chí là điều hòa, tủ lạnh. Em nghĩ, sau khi học xong nếu mà không xin vào làm ở công ty thì em cũng có thể làm dịch vụ ở nhà, phục vụ cho các hộ gia đình, nên cũng không lo thất nghiệp” – Nguyễn Trọng Duy lý giải.

Duy cũng cho biết thêm: Bố, mẹ cùng các thầy, cô giáo rất ủng hộ sự lựa chọn này của em. Mọi người đều khuyên rằng, quan trọng là học ngành nghề mà mình yêu thích. Trước đó em cũng được các thầy, cô giáo tư vấn, hướng nghiệp nên em càng tự tin mình đã chọn đúng hướng.

Thực tế cho thấy, ngày càng có nhiều học sinh rẽ hướng sang học trung cấp nghề hoặc cao đẳng nghề. Theo thầy Phạm Tiến Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội, mấy năm nay nhận thức của phụ huynh và các em học sinh đã có những chuyển biến rõ rệt về mục tiêu chọn ngành, chọn trường để học. “Có rất nhiều phụ huynh khi đến trường chúng tôi, họ quan tâm rất kỹ đến nội dung học, chương trình học của các ngành nghề cũng như đầu ra, vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp. Nhiều phụ huynh đã định hướng con em mình chọn học trung cấp do thời gian học ngắn thay vì chọn học cao đẳng” - thầy Phạm Tiến Dũng chia sẻ.

Cũng theo thầy Phạm Tiến Dũng, có nhiều em điểm thi THPT Quốc gia rất cao, đủ để có thể đỗ vào các đại học công lập nhưng các em vẫn chọn học cao đẳng, trung cấp nghề.

Đơn cử như năm 2016, có em đạt 23,5 điểm – số điểm này đủ để đỗ vào một số ngành của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và một số trường top trên nhưng thí sinh đó vẫn đến Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội nhập học.

Hay như năm nay, đến thời điểm này đã có nhiều thí sinh đạt từ 18 điểm trở lên đến trường để xác nhận nhập học. “Điều đó cho thấy, nhận thức của phụ huynh, học sinh nói riêng và xã hội nói chung đã có những chuyển biến nhất định và theo hướng đáp ứng nhu cầu xã hội” – thầy Phạm Tiến Dũng trao đổi.

Công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp đã có hiệu quả

Theo thầy Phạm Tiến Dũng, rõ ràng, công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp ở các trường phổ thông đã có hiệu quả và đã phát huy tác dụng. Mong rằng trong thời gian tới, công tác tác này tiếp tục được thực hiện có chiều sâu hơn nữa, đặc biệt là ở cấp THCS.

Liên quan đến vấn đề này, thầy Nguyễn Tu Tập – Hiệu trưởng Trường THPT Sóc Sơn (Hà Nội), cho rằng: Đối với học sinh, quan trọng nhất là các em được học ngành nghề mà mình yêu thích, phù hợp với năng lực, sở trường của các em. Bởi mục tiêu cuối cùng là sau khi học xong, các em ra trường có việc làm ổn định, phù hợp với bản thân và có điều kiện, khả năng phát huy nghề nghiệp của mình.

“Nhà trường rất coi trọng công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, nhất là đối với học sinh lớp 12 để các em có định hướng trong học tập và nghề nghiệp sau này. Ngoài các giờ học ngoại khóa, sinh hoạt lớp, chào cờ, chúng tôi còn lồng ghép trong các buổi họp phụ huynh để tư vấn, truyền thông cho cha, mẹ học sinh. Qua đó giúp họ hiểu và có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về việc chọn trường, chọn ngành của con em mình” – thầy Nguyễn Tu Tập chia sẻ.

Còn nhớ, tại Ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2017 tại Hà Nội, rất nhiều thí sinh bày tỏ sự băn khoăn trước sự lựa chọn ngành học và trường học cho mình.

Tiến sỹ tâm lý Phạm Mạnh Hà đã khuyên các thí sinh “không nên vào đại học bằng mọi giá” và các em càng không nên xem nhẹ yếu tố phù hợp của ngành học, trường học so với sở trường, sở thích của mình, cho dù đó là trường nghề hay bất cứ trường nào khác. Vì thế các em hãy suy nghĩ, cân nhắc đến những mong muốn, tố chất của bản thân xem có thích hợp với ngành mình định theo học hay không?!

“Năm ngoái, Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội có khoảng 200 thí sinh đạt từ 18 điểm trở lên đến nhập học, trong đó có 1 em đạt 23,5 điểm. Dự báo năm nay, số thí sinh đạt từ 17 điểm trở lên đến nhập tại trường sẽ tương đương như năm ngoái. Qua đó cho thấy, xu hướng chọn ngành, chọn trường của thí sinh đã dần thay đổi theo hướng thực tế hơn và đã coi trọng đến yếu tố phù hợp với năng lực và sở thích của cá nhân” – Thầy Phạm Tiến Dũng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...