Phô diễn sức mạnh tên lửa

GD&TĐ - Chảo lửa Trung Đông những ngày qua chứng kiến một sự kiện mang tính lịch sử khi Iran phóng gần 200 quả tên lửa đạn đạo vào Israel.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Lần phóng này đánh dấu lần thứ hai trong năm Iran tấn công quốc gia Do Thái.

Điểm đáng chú ý trong cuộc tấn công Israel tối 1/10 vừa qua là việc Iran sử dụng một lượng lớn tên lửa đạn đạo gồm những loại hiện đại nhất như tên lửa vượt âm Fattel-2 có tốc độ bay tới 16.000 km/h.

Việc sử dụng tới gần 200 quả tên lửa tối tân lần này cho thấy Iran có dụng ý gây thiệt hại lớn hơn cho Israel, khác hẳn vụ tấn công hồi tháng 4 vừa qua khi Iran chủ yếu sử dụng máy bay không người lái.

Các tên lửa đạn đạo có tốc độ bay cực nhanh nên trở thành mối thách thức và phép thử thực sự cho hệ thống phòng không 3 lớp được đánh giá là hiện đại nhất thế giới của Israel. Dù vậy, theo thống kê thì đợt tấn công của Iran lần này cũng gần như vô hại về mặt quân sự khi chỉ gây ra thiệt hại không đáng kể.

Theo giới phân tích, việc Iran sử dụng lượng lớn tên lửa hiện đại để trả đũa Israel sau những vụ ám sát gần đây nhưng gây thiệt hại nhỏ là trong tầm tính toán của Tehran. Mỹ ước tính Iran đang sở hữu khoảng hơn 3.000 quả tên lửa đạn đạo và có thể lớn hơn.

Việc Iran chỉ sử dụng một phần nhỏ trong số này để tấn công Israel được cho là để phát đi thông điệp về sức mạnh tên lửa, đồng thời vẫn giữ lại phần lớn số tên lửa cho các cuộc đụng độ nếu xảy ra sau đó.

Cuộc tập kích của Iran lần này vào Israel cũng khác so với hồi tháng 4 là họ không báo trước, điều này ít nhiều khiến hệ thống phòng thủ tên lửa trứ danh của Israel gặp khó khăn hơn.

Nhưng ngoài hệ thống phòng thủ nhiều lớp, kho vũ khí của Israel còn rất nhiều loại tên lửa tấn công và nếu nước này sử dụng chúng để đáp trả Iran thì cuộc phô diễn sức mạnh tên lửa của hai bên sẽ đẩy khu vực vào một cuộc chiến tranh đe dọa sự ổn định của cả thế giới.

Giới chức Israel, trong đó cao nhất là Thủ tướng Benjamin Netanyahu, ngay lập tức đã tuyên bố “Iran phạm sai lầm” vì thực hiện vụ tấn công và Israel chắc chắn sẽ đáp trả. Tuy nhiên, nước này cho đến nay vẫn không tiết lộ họ sẽ đáp trả khi nào với quy mô ra sao, càng làm cho chảo lửa Trung Đông thêm nóng bỏng vì luôn đứng trước một nguy cơ chiến tranh lan rộng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Một trong những kịch bản trả đũa đơn giản nhất mà giới phân tích phỏng đoán là Israel sẽ sử dụng tên lửa hành trình không đối đất có độ chính xác cao như Delilah để tấn công vào chính các bãi phóng tên lửa của Iran đã thực hiện cuộc tập kích hôm 1/10. Còn kịch bản nghiêm trọng hơn nhiều là việc Israel sử dụng tên lửa đạn đạo tầm xa tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran nằm ở miền trung nước này.

Một trong những căn cứ để khả năng trên ít có cơ hội xảy ra là việc Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 3/10 đã tuyên bố rất rõ ràng rằng Israel có quyền đáp trả tương xứng nhưng Mỹ không ủng hộ Israel tấn công cơ sở hạt nhân của Iran.

Tuy nhiên, nguy cơ này vẫn còn vì các cơ sở hạt nhân Iran vốn là mục tiêu mà Israel đe dọa từ lâu và họ có thể nhân cơ hội trả đũa lần này để thực hiện. Nếu kịch này xảy ra thì cuộc xung đột lan rộng ở Trung Đông có thể sẽ vượt mọi tầm kiểm soát.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ