Phổ cập Giáo dục mầm non cần sự phối hợp của... trưởng thôn

GD&TĐ - Hiện nay, ở một số trường vùng khó khăn của huyện ngoại thành TP Hải Phòng việc phổ cập GDMN, nâng cao chất lượng giáo dục trẻ 5 tuổi còn nhiều khó khăn.

Học sinh Trường Mầm non Giang Biên, huyện Vĩnh Bảo trong giờ họat động ngoài trời (ảnh NTCC).
Học sinh Trường Mầm non Giang Biên, huyện Vĩnh Bảo trong giờ họat động ngoài trời (ảnh NTCC).

Còn nhiều khó khăn

Ông Đoàn Văn Thành- Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Bảo chia sẻ: Trong số các trường mầm non của huyện có nhiều trường còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất dẫn đến tỷ lệ huy động trẻ đến trường chưa được cao. Điển hình trong số đó là Trường Mầm non Dũng Tiến và Mầm non Giang Biên.

Cô Nguyễn Thị Tính- Hiệu trưởng Trường Mầm non Dũng Tiến cho hay: Tổng số trẻ ra lớp trong năm học 2021-2022 là 438 cháu/13 lớp. Theo điều tra, số trẻ trên địa bàn xã đông (821 trẻ). Như vậy, số trẻ đi học vẫn còn thấp, mới đạt 53,3% (trẻ 4 tuổi 73,8%, trẻ 3 tuổi 62,1%, trẻ nhà trẻ 23,9%).

Địa bàn xã Dũng Tiến rộng, có nhiều trang trại chăn nuôi, một số hộ gia đình ở khu vực cách xa trung tâm xã do vậy gặp nhiều khó khăn cho việc điều tra trẻ trong độ tuổi. Với gia đình công nhân đi làm cả ngày dẫn đến việc điều tra còn chậm.

Ngoài ra, số phòng học còn thiếu so với số trẻ điều tra cần ra lớp, số cháu ra lớp ở độ tuổi 4 tuổi đông 127 trẻ/3 lớp không đảm bảo theo yêu cầu điều lệ trường mầm non. Do trường có hai khu, vì vậy việc phân công đồng đều số trẻ trên lớp còn gặp khó khăn. Số giáo viên trên nhóm lớp còn thiếu chưa đảm bảo.

Đội ngũ một số giáo viên, nhân viên mầm non đời sống còn khó khăn, thời gian làm việc cả ngày, do vậy ảnh hưởng đến công tác điều tra, tổng hợp, thống kê phổ cập giáo dục; kinh phí đầu tư cho công tác phổ cập ít.

Trẻ mẫu giáo 5 tuổi Truờng Mầm non Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo làm quen với chữ cái.
Trẻ mẫu giáo 5 tuổi Truờng Mầm non Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo làm quen với chữ cái.

Cô Nguyễn Thị Mến- Trường Mầm non Ngũ Đoan, huyện Kiến Thuỵ cho hay: Với trẻ Mầm non 4-5 tuổi nhà trường đạt tỷ lệ huy động 100%; trẻ nhà trẻ và trẻ 3-4 tuổi tỷ lệ huy động còn thấp. Năm học 2021-2022, nhà trường được xây dựng 1 dãy nhà 2 tầng, đây là điều kiện để nâng cao chất lượng của nhà trường trong những năm học tiếp theo.

Tuy nhiên, hiện nay Trường Mầm non Ngũ Đoan vẫn còn một số phòng học chưa đảm bảo diện tích và quy cách theo quy định, xuống cấp, nhiều khung cửa bị hỏng. Do trường đang xây dựng nên một số lớp 4 tuổi phải học nhờ nhà văn hóa thôn nên còn ảnh hưởng đến một số hoạt động của nhà trường.

Trường thiếu các phòng chức năng nên chưa đáp ứng được nhu cầu, sở thích, phát triển năng lực, khả năng sáng tạo riêng của trẻ.

Nguồn ngân sách để đầu tư cho việc mua sắm đồ dùng, trang thiết bị, đồ chơi phục vụ cho việc dạy và học còn hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh học sinh thu nhập còn thấp nên ảnh hưởng đến việc huy động kinh phí, vì thế việc mua sắm đồ dùng, trang thiết bị còn chưa mang tính đồng bộ và hiện đại cao.

Năm học vừa qua, kết quả huy động trẻ đến trường của Trường Mầm Non Giang Biên, huyện Vĩnh Bảo là 465 /906 cháu đạt 51,3 %. Trong đó: mẫu giáo: 399/502 đạt 79,4% (Cháu 5 tuổi 149/149 cháu đạt 100%; Cháu 4 tuổi 155/186 cháu đạt 83%; Cháu 3 tuổi 90/167 cháu đạt 53%); nhà trẻ: 66/404 cháu đạt: 16,3%.

Cô trò Trường Mầm non Giang Biên, huyện Vĩnh Bảo.

Cô trò Trường Mầm non Giang Biên, huyện Vĩnh Bảo.

Theo cô Nguyễn Thị Thanh Hoà- Hiệu trưởng Trường Mầm non Giang Biên, nhà trường được xây mới và tập trung vào 1 khu với 12 phòng học, tiếp tục đầu tư xây mới 6 phòng học, dự kiến hoàn thành vào tháng 2/2023; trang thiết bị được đầu tư từng bước theo hướng chuẩn và hiện đại. Tuy nhiên, hiện tại phòng học và đội ngũ giáo viên, nhân viên còn thiếu, khó khăn trong công tác giáp dục.

Một số ít phụ huynh học sinh chưa quan tâm, nhận thức chưa sâu sắc về chương trình giáo dục mầm non và tầm quan trọng của việc đưa trẻ đến trường nên việc huy động trẻ đến trường còn nhiều khó khăn.

Nỗ lực nâng chất lượng

Dù cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, nhưng để đảm bảo chất lượng giáo dục, Trường Mầm non Dũng Tiến đã ưu tiên đủ phòng học cho các lớp mẫu giáo 5 tuổi, các phòng đảm bảo chuẩn.

Cô Nguyễn Thị Tính cho rằng, trong những năm tiếp theo thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhà trường tiếp tục tham mưu địa phương xây dựng thêm một số phòng học, phòng chức năng để tập trung về khu trung tâm dự kiến xây dựng đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 giai đoạn 2023-2025.

Trường tiếp tục trang bị đồ dùng, thiết bị tối thiểu theo Thông tư 02 đảm bảo đủ cho các lớp 5 tuổi để thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới theo quy định, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

Góc học tập của học sinh Trường Mầm non Ngũ Đoan, huyện Kiến Thuỵ.

Góc học tập của học sinh Trường Mầm non Ngũ Đoan, huyện Kiến Thuỵ.

Theo cô Nguyễn Thị Mến, để đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch phát triển giáo dục và tuyển sinh được giao, ngay từ đầu năm học Trường Mầm non Ngũ Đoan đã chỉ đạo giáo viên thực hiện việc rà soát số trẻ trên địa bàn, đến từng từng gia đình có trẻ chưa đi học để tuyên truyền và khảo sát nhu cầu đi học của trẻ, đồng thời phổ biến chính sách hỗ trợ học phí cho trẻ đến phụ huynh học sinh.

Nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch tuyển sinh với các nội dung cụ thể về chỉ tiêu và giải pháp thực hiện; thông báo công khai kế hoạch tuyển sinh trên loa truyền thanh của xã và các thôn, trên zalo, Facebook, dán thông báo tại trường, nhà văn hóa thôn; cử giáo viên theo dõi tiến độ đăng ký tuyển sinh, đồng thời đôn đốc để phụ huynh đăng ký tuyển sinh đúng thời gian quy định.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng các nhà trường luôn cố gắng khắc phục, nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục. Nhiều trường đã được UBND TP công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và đoàn kiểm tra đánh giá ngoài của Sở GD&ĐT Hải phòng công nhận kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2.

Ngoài việc kiến nghị được đầu tư cơ sở vật chất, chính sách cho người làm công tác phổ cập, các nhà trường mong muốn công tác điều tra phổ cập hiệu quả cần có sự phối hợp của các đoàn thể, địa phương như trưởng thôn, ban dân số.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng Công binh xử lý quả bom chôn sâu dưới lòng đất.

Quả bom nặng 227kg ở Bình Phước

GD&TĐ - Chiều 14/1, Lực lượng Công binh thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước vừa xử lý an toàn một quả bom nặng 227kg, còn sót lại sau chiến tranh.