Thi tốt nghiệp THPT tại Hải Phòng: 'Kiềng 3 chân' nâng cao chất lượng

GD&TĐ - Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 tại Hải Phòng, tỷ lệ thí sinh đăng ký tổ hợp Khoa học xã hội gấp đôi so với tổ hợp Khoa học tự nhiên. Trong giai đoạn nước rút, các trường THPT thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp linh hoạt giúp trò ôn tập hiệu quả.

Học sinh nỗ lực trong giai đoạn ôn thi nước rút.
Học sinh nỗ lực trong giai đoạn ôn thi nước rút.

Thay đổi theo xu thế

Thông tin từ Sở GD&ĐT Hải Phòng, toàn thành phố có 22.573 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Như Kỳ thi trước, ngoài 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, thí sinh sẽ lựa chọn bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (gồm các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Trường THPT Hồng Bàng có 409 hồ sơ đăng ký thi tốt nghiệp THPT, trong đó 194 học sinh đăng ký thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, 215 thí sinh đăng ký thi tổ hợp Khoa học xã hội. Tương tự, Trường THPT Lê Hồng Phong có 354 thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp thì 139 em chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên, 215 em đăng ký tổ hợp Khoa học xã hội.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hải Phòng, tỷ lệ thí sinh đăng ký tổ hợp Khoa học xã hội là 14.622 em, gấp đôi so với số thí đăng ký Tổ hợp tự nhiên (7.307 em). Nhiều trường THPT có tỷ lệ học sinh đăng ký chênh lệch giữa 2 tổ hợp môn này, tiêu biểu như: Nguyễn Đức Cảnh có 342 thí sinh thì có 33 em đăng ký thi tổ hợp Khoa học tự nhiên. Trường THPT Toàn Thắng có 344 em dự thi thì 124 em đăng ký tổ hợp Khoa học tự nhiên, số còn lại đăng ký tổ hợp Khoa học xã hội;...

Cô Nguyễn Thị Hưng, giáo viên Địa lý Trường THPT Kiến An (quận Kiến An) chia sẻ: Nhiều năm gần đây bộ môn Địa lý đạt chất lượng tốt. Xu hướng học sinh chọn học tổ hợp Khoa học xã hội, nhất là chọn môn Địa lý để xét tuyển đại học tăng lên.

Theo nhận định của một số giáo viên tại Hải Phòng, việc lựa chọn thi tổ hợp Khoa học xã hội nhiều hơn tổ hợp Khoa học tự nhiên là xu hướng chung của học sinh lớp 12 trong cả nước. Điều này xuất phát từ thay đổi trong việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng. Bộ GD&ĐT đã bổ sung nhiều tổ hợp môn xét tuyển mới có các môn thuộc tổ hợp Khoa học xã hội.

Vì thế số lượng học sinh chọn học Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân ngày càng tăng. Tỷ lệ chọn tổ hợp Khoa học xã hội tăng cao khu vực ngoại thành. Nhiều thí sinh chỉ có nhu cầu tốt nghiệp THPT cũng chọn tổ hợp Khoa học xã hội để dễ học, dễ ghi điểm.

Thầy trò Trường THPT Ngô Quyền trong giờ ôn tập.

Thầy trò Trường THPT Ngô Quyền trong giờ ôn tập.

Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng

Năm học này cô Hưng được giao dạy và ôn tập 2 lớp 12. Để trò vững kiến thức trong kỳ thi tốt nghiệp cô dạy cuốn chiếu kiến thức. Cô đồng thời dạy học trò những kỹ năng cơ bản về Atlat, biểu đồ. Sau mỗi bài học cô cho học sinh làm đề phù hợp với kiến thức đã học.

Dựa vào cấu trúc đề của Bộ, cô Hưng phân loại từng câu hỏi theo dạng: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. Thi thoảng cô đảo lại kiến thức và cho học sinh viết sơ đồ tư duy.

Trong các lớp cô Hưng ôn có khoảng 20 học sinh chọn học nâng cao để xét tuyển đại học. Nhiều em chọn xét tuyển đại học môn Toán – Văn - Anh nhưng đến giai đoạn ôn thi lại chuyển sang học Văn - Địa - Tiếng Anh.

Để trò quyết tâm ôn tập và đạt điểm cao trong kỳ thi, ngoài việc dạy kiến thức, kỹ năng, cô Hưng còn động viên, chia sẻ với trò nhiều điều trong cuộc sống. Những câu chuyện truyền năng lượng về thời sinh viên, ước mơ tương lai thu hút sự quan tâm và là động lực cho học trò cố gắng luyện rèn.

Cô Phạm Thị Hải - giáo viên Lịch sử, Trường THPT Kiến An chia sẻ: Các thầy cô tiếp tục giữ nhịp độ ôn tập tích cực. Trong 2 lần sở GD&ĐT tổ chức thi thử, môn Lịch sử Trường THPT Kiến An đứng thứ nhất về điểm số. Tuy nhiên, theo cô Hải, kết quả thi thử là động lực để thầy trò cố gắng nhưng đó cũng là áp lực khiến cô trò phải nỗ lực hơn nữa.

“Để kết quả thi tốt nhất phải có “kiềng 3 chân”. Đầu tiên là sự quan tâm của nhà trường trong việc định hướng công tác giảng dạy, ôn tập cho học sinhlớp 12; sự nỗ lực của thầy và quyết tâm của trò”.

Kiến thức môn Lịch sử mênh mông, vô tận. Vì thế, muốn trò đạt kết quả cao, thầy cô phải nắm được thế mạnh bộ môn, tận tâm truyền đạt và trang bị cho trò kỹ năng cần thiết. Giai đoạn đầu, cô Hải ôn cho học sinh theo từng chủ đề. Đến giai đoạn cuối, học sinh được làm đề tổng hợp theo ma trận đề của Bộ và rèn phương pháp làm bài thi.

Theo thầy Cao Văn Sửu - Hiệu trưởng Trường THPT Toàn Thắng (huyện Tiên Lãng), nhà trường phân nhóm theo học lực và nhu cầu của học sinh để tổ chức ôn luyện. Nhóm lực học trung bình và yếu được ôn rà soát kiến thức cơ bản, kỹ năng nhận biết bài thi để làm bài đạt điểm trung bình; học sinh học lực khá sẽ tăng câu hỏi vận dụng. Học sinh giỏi, ngoài làm đề trên lớp, các thầy cô giáo sẽ giao thêm đề để tự học, tự làm, sau đó sẽ kiểm tra, giải đáp những thắc mắc của trò.

Theo ông Đỗ Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố, để đảm bảo chất lượng thi tốt nghiệp THPT năm 2022, sở tăng cường chỉ đạo chuyên môn tới các nhà trường phù hợp với khả năng và xu hướng lựa chọn của học sinh. Ngoài việc tăng cường sinh hoạt chuyên môn tại các tổ chuyên môn, các chuyên viên phụ trách môn học của sở cũng lập nhóm giáo viên cùng bộ môn trên hệ thống để trao đổi kinh nghiệm giữa các giáo viên với nhau, cung cấp tài liệu để thầy cô ôn luyện cho trò cũng như kịp thời giải đáp các vướng mắc phát sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.