Phổ cập bơi an toàn, phòng chống đuối nước: Nâng tầm nhận thức và cơ sở vật chất

GD&TĐ - Việc dạy bơi cho trẻ góp phần giảm nạn đuối nước. Làm gì để không còn những cái chết thương tâm do đuối nước?

Giải bơi dành cho học sinh Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy - Hà Nội).
Giải bơi dành cho học sinh Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy - Hà Nội).

Về vấn đề này, ông Trần Đức Phấn Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT (Bộ VH, TT&DL) trao đổi: 

Chưa đáp ứng yêu cầu phổ cập bơi

- Trong những năm qua, Tổng cục Thể dục Thể thao(TDTT) đã có biện pháp gì nhằm đẩy mạnh công tác phổ cập bơi và phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em, thưa ông?

- Dưới sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (Bộ VH,TT&DL), chúng tôi triển khai nhiều biện pháp liên quan đến phòng chống đuối nước cho trẻ em. Trên cơ sở thực hiện Quyết định số 234/QĐ-TTg, ngày 8/12/2016, Bộ VH,TT&DL ban hành Quyết định số 4285 về việc phê duyệt Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2016 - 2020; đồng thời phối hợp với Bộ LĐ,TB&XH, Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chỉ đạo, triển khai những nhiệm vụ, giải pháp trong công tác phổ cập bơi an toàn và phòng, chống đuối nước giai đoạn 2016 - 2020.

Trong giai đoạn này, các cấp chính quyền, nhà trường, cơ sở, doanh nghiệp đã đầu tư mạnh dần về cơ sở vật chất, bể bơi và đẩy mạnh phong trào phổ cập bơi cho trẻ em.

Thông qua hoạt động tuyên truyền, đã làm thay đổi mạnh mẽ nhận thức và hành động của trẻ em, các bậc phụ huynh và cộng đồng về vai trò, tác dụng của việc học bơi và kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước để bảo đảm an toàn, nâng cao sức khỏe và phòng chữa một số bệnh tật cho trẻ em, góp phần nâng cao tầm vóc, thể lực thế hệ trẻ Việt Nam.

Tại các địa phương, đã tổ chức được 56.298 lớp dạy bơi; số trẻ em tham gia học bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước là trên 5 triệu em; xây dựng mô hình “trẻ em toàn xã biết bơi” tại 701 xã, phường, thị trấn; “học sinh toàn trường biết bơi” tại 753 trường học.

Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn.
Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn. 

- Bơi lội không thể học trên bờ, số lượng bể bơi đã đáp ứng được nhu cầu của học sinh và người dân chưa, thưa ông?

- Bộ VH,TT&DL đã chỉ đạo tỉnh/thành, đơn vị, trường học vận động nguồn lực, lắp đặt các loại hình bể bơi, hồ bơi phục vụ nhu cầu cấp bách phổ cập bơi phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Bộ đồng thời tăng cường công tác kiểm tra để các cơ sở, bể bơi tổ chức dạy bơi bảo đảm về mật độ, có huấn luyện viên, hướng dẫn viên, nhân viên cứu hộ và các điều kiện, tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn cho người tham gia bơi lặn, vui chơi giải trí dưới nước. 

Tính đến ngày 30/12/2019, trên cả nước có hơn 5.000 bể bơi. Số bể này quá ít so với nhu cầu thực tiễn để chúng ta triển khai phổ cập bơi. Trong đó, có 1.796 bể bơi đạt chuẩn, số còn lại là bể bơi, hồ bơi đơn giản được các địa phương cải tạo từ các điểm ao hồ, sông ngòi và lắp đặt mô hình bể bơi đơn giản để dạy bơi cho trẻ em.

Từ những nỗ lực đó, tỷ lệ trẻ em học bơi và biết bơi hằng năm tăng nhanh. Tỷ lệ đuối nước trẻ em giảm rõ rệt từ trên 3.000 xuống dưới 2.000 trẻ em độ tuổi dưới 16 trong năm 2018 và 2019. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế cũng nhìn thấy rõ qua triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2016 - 2020. 

Giải bơi Cán bộ giáo viên - Học sinh quận Hai Bà Trưng (Hà Nội).
Giải bơi Cán bộ giáo viên - Học sinh quận Hai Bà Trưng (Hà Nội).

Nâng cao hiệu quả việc dạy bơi 

- Những khó khăn đó xuất phát từ nguyên nhân gì, thưa ông?

- Về nhận thức, vẫn còn có một số bộ phận lãnh đạo, người dân coi nhẹ điều này. Khảo sát nhỏ của chúng tôi với các vận động viên, trong đó có vận động viên chỉ 5 - 6 tuổi ở bộ môn thể dục dụng cụ, các môn khác ở lứa tuổi từ 8 - 10, các cháu đều nói rằng tại gia đình không ai động viên hay dạy bảo về phòng chống đuối nước.

Tuy nhiên, tôi thấy nhận thức vẫn chưa quan trọng bằng việc không đáp ứng được cơ sở vật chất. Vì chỉ khi có đầy đủ cơ sở vật chất, cụ thể là có bể bơi, việc truyền thông, bằng hình thức này, hình thức khác để các gia đình cho con đi tập bơi từ lúc nhỏ mới có tác dụng. 

Với đồng bào ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, việc phổ cập bơi rất khó khăn. Trẻ em ở vùng này không những thiếu sự quản lý, trông coi, giám sát của gia đình mà bản thân các em phải đi làm, đi học trong môi trường tiểm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước. 

Khi khảo sát tại Bắc Kạn, tôi thấy có nhiều vấn đề tại địa phương rất khó xử lý. Với địa hình chủ yếu đồi núi, dốc đèo, để có bể bơi xã hội hóa cho các cháu tập rất khó. Tại địa phương này chỉ có theo “thiết chế”, bắt buộc phải xây dựng bể bơi cho các cháu mới có thể giải quyết được vấn đề. 

Khó khăn nữa là mặc dù thời gian qua, Bộ VH,TT&DL cùng các địa phương tích cực vận động nguồn xã hội hóa đầu tư kinh phí xây lắp bể bơi tại các xã, phường, trường học nhưng tổng số bể chưa đáp ứng được yêu cầu; Chưa có quy định và cơ chế, chính sách tạo điều kiện để tổ chức dịch vụ dạy bơi cho trẻ em nên lãnh đạo nhiều trường không mạnh dạn phối hợp triển khai thực hiện.

Ngoài ra, việc phối hợp, rà soát môi trường sống tại gia đình, trường học và cộng đồng để phát hiện, cải tạo và cắm biển báo những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước chưa tốt nên ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác truyền thông.

- Nhiều trường học coi biết bơi là điều kiện để học sinh ra trường, ông nghĩ sao về quy định này?

- Trong năm 2019 – 2020, chúng tôi triển khai thí điểm chương trình dạy bơi mới. Trước đây, chúng ta chỉ quan tâm tới việc dạy kỹ thuật nhưng hiện tại đang triển khai chương trình về cả kiến thức, lý thuyết và kỹ năng.

Với người học bơi ban đầu, kỹ năng chưa bảo đảm nên chúng tôi đã chia theo lộ trình, từ học bơi ban đầu, rồi nâng lên từng cấp độ. Những năm tới, chúng ta đánh giá kết quả chương trình này và chọn ra nội dung hợp nhất cho từng lứa tuổi, vùng cụ thể. Sau đó tham mưu cho lãnh đạo Bộ ra văn bản hướng dẫn hay thông tư để đặt ra tiêu chí đánh giá trẻ biết bơi. Trong một số trường hợp sẽ dùng để xét trình độ hay điều kiện ra trường ở cấp phổ thông cơ sở… 

Để triển khai hoạt động bơi, phòng chống đuối nước, chúng tôi số gắng sớm hoàn thành bộ tài liệu nâng cao hiệu quả việc dạy bơi theo từng điều kiện. Điều kiện ở đây được nhìn nhận trước hết là nơi có điều kiện vật chất đầy đủ, bảo đảm. Còn với những nơi chưa có điều kiện, cần tăng cường phổ cập kiến thức, kỹ năng trên cạn thông qua các trò chơi giúp trẻ em hình dung được.

Về đặc thù, ngoài kiến thức cơ bản, với miền núi sạt lở, lũ quét cần kỹ năng riêng, dạy cho trẻ phải xử lý như thế nào. Phải có tài liệu chuyên sâu trên cơ sở thực tiễn, chú trọng phối hợp công tác triển khai ở từng địa phương; liên kết hài hoà với hoạt động, chỉ đạo của Bộ, ngành để mang lại hiệu quả cao hơn.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nhận định, có nhiều vướng mắc trong triển khai thực hiện, giữa quy định pháp luật và nguồn lực cơ sở vật chất. Hệ thống pháp luật đang dần hoàn thiện, với việc ban hành Luật Trẻ em năm 2016, Luật Thể dục, thể thao sửa đổi năm 2018, Luật Giáo dục năm 2019. Tuy nhiên, khi các luật này đi vào thực tiễn, đã bắt đầu phát sinh những vướng mắc. Do đó, phải tiếp tục rà soát và điều chỉnh để những quy định về mặt pháp luật liên quan tới bảo vệ trẻ em và phòng, chống tai nạn thương tích, cũng như phòng, chống đuối nước cho trẻ em phải cụ thể hơn. Đồng thời, phải đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng các chế tài, quy định để gắn trách nhiệm. Trong đó, trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương, làm rõ trách nhiệm ở cơ sở, cộng đồng, làng xã và đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ