Phim truyền hình thành công khi để đàn ông vào bếp

GD&TĐ - Phim truyền hình Hàn Quốc và Trung Quốc, đặc biệt những phim có “mùi vị ngôn tình” khá phổ biến hình ảnh đàn ông đeo tạp dề nấu ăn, làm việc nhà.

Minh họa/INT.
Minh họa/INT.

Trong phim truyền hình Trung Quốc “Khói lửa nhân gian của tôi” mới ra mắt gần đây có cảnh nhân vật nam chính thốt lên với nữ chính: “Chỉ cần em đủ kiên định, sau này có chuyện gì anh đều gánh vác”. Không gian của cảnh phim là nhà bếp, nam chính đang nấu cháo cho nữ chính ăn, vì cô nói với anh rằng chỉ thèm ăn cháo trắng.

Đã từ lâu, phim truyền hình Hàn Quốc và Trung Quốc, đặc biệt những phim có “mùi vị ngôn tình” khá phổ biến hình ảnh đàn ông đeo tạp dề nấu ăn, làm việc nhà; đàn ông biết lắng nghe và che chở lo lắng cho người phụ nữ mình yêu thương ở mọi khoảnh khắc.

Ngay cả những vị tổng tài cũng sẵn sàng xắn tay áo hàng hiệu để vào bếp tay dao tay thớt điêu luyện. Những hình ảnh đó làm rung động hàng triệu triệu trái tim phụ nữ ở chính đất nước sản xuất bộ phim ấy, ở nước ta và nhiều nước khác vốn chịu ảnh hưởng của Nho giáo hay của những quy định truyền thống khắt khe liên quan tới vị thế của người phụ nữ trong xã hội.

Tính xác thực của hình ảnh này có lẽ không cần bàn đến. Nhưng rõ ràng nó đã truyền đi thông điệp rất tinh tế về bình đẳng giới, về sự chia sẻ gắn kết trong tình yêu, tình vợ chồng. Mặt khác, ở khía cạnh thị hiếu, nhà làm phim đã đánh trúng “tim đen” của khán giả nữ vốn chiếm đa số.

Dù ở lứa tuổi nào, một cô gái mới bước chân vào tình yêu hay người phụ nữ đã điềm đạm chín chắn cũng đều có cảm giác ấm áp khi xem những cảnh này. Bởi sâu xa trong lòng họ có chung niềm khao khát được thấu hiểu, yêu thương, trân trọng.

Khi đánh trúng thị hiếu khán giả, nhà sản xuất cầm chắc thành công. Đây là một trong những lý do vì sao nền điện ảnh - truyền hình ở Hàn Quốc, Trung Quốc đem lại doanh thu lớn, và sức ảnh hưởng của những diễn viên ngôi sao có độ phủ sóng mạnh mẽ, vượt ra ngoài biên giới đất nước họ.

Cùng với doanh thu trực tiếp từ phim ảnh là doanh thu của những ngành sản xuất, thương mại, du lịch dịch vụ. Và quan trọng hơn, đó là câu chuyện quảng bá văn hóa.

Nhìn ở khía cạnh truyền thông bình đẳng giới và câu chuyện thị hiếu thì rõ ràng phim điện ảnh cũng như phim truyền hình của chúng ta chưa làm được, hay đúng ra là chưa quan tâm. Các nhà làm phim vẫn đề cao sự chịu đựng, nhẫn nhục của người phụ nữ, lấy đức hy sinh làm tiêu chuẩn đánh giá đạo đức hay nền tảng gia đình.

Mở tivi, hay ra rạp xem phim Việt, rất hay gặp cảnh phụ nữ bị hiếp đáp, hoặc cãi cọ, đánh ghen, hoặc khóc tức tưởi vì tủi thân tủi phận. Ngay 2 phim đoạt doanh thu kỷ lục của điện ảnh Việt là “Bố già” và “Nhà bà Nữ” (Nhà sản xuất Trấn Thành) thì chỉ thấy các nhân vật nữ cãi nhau từ đầu đến cuối với bao ngôn từ chát chúa.

Có thể là một gợi ý cho phim Việt, rằng hãy để ý nhiều hơn đến niềm mong mỏi của phái nữ, hãy đưa tạp dề và cây lau nhà cho nhân vật nam, hãy tạo nên những bối cảnh không gian để người đàn ông được chăm sóc cho người phụ nữ của mình. Như thế, chắc chắn phim Việt sẽ hút khách hơn, các gia đình Việt cũng đầm ấm hơn, thay vì để đàn ông vào quán nhậu và đàn bà cằn nhằn trong góc bếp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Dịch vụ Sửa chữa gia dụng Toàn quốcThi cong kinh op bep gia re tai HNTổng hợp Tủ bếp đẹp giá rẻ chất lượng Bàn lạnh Địa chỉ mua tủ lạnh Nhật uy tínTham khảo máy làm đá gia đình Máy làm sữa hạt Medion MD 19888 chính hãngQuang Huy sản xuất thiết bị bếp công nghiệp giá rẻ