Hội thảo do cụm các trường THPT quận Đống Đa (Hà Nội) tổ chức, gồm: Trường THPT Kim Liên, Trường THPT Phan Huy Chú, Trường THPT Đống Đa, Trường THPT Lê Quý Đôn, Trường THPT Quang Trung và Trường THPT Hoàng Cầu.
Nhiều trường chưa quan tâm đúng mức
Cô Lưu Thị Lập – Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Cầu phát biểu đề dẫn hội thảo. |
Phát biểu đề dẫn, cô Lưu Thị Lập – Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Cầu nhìn nhận, thời gian qua, văn hóa học đường ở nhiều nơi có biểu hiện xuống cấp. Nhiều trường học chưa chú trọng, quan tâm đúng mức đến xây dựng văn hóa học đường cho học sinh, dẫn đến còn một bộ phận không nhỏ học sinh lệch chuẩn trong cử chỉ, lời nói, hành vi ứng xử và các mối quan hệ thầy - trò; trò - trò...
Đó còn là bạo lực học đường, lối sống thờ ơ vô cảm, thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình, lớp học… “Sự gia tăng các hành vi phản văn hóa ở các cơ sở giáo dục đòi hỏi phải không ngừng xây dựng, bồi đắp, nâng cao văn hóa học đường, góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” - cô Lưu Thị Lập nhấn mạnh.
Hiểu rõ tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát triển những giá trị tốt đẹp của văn hóa học đường, đặc biệt gắn liền với xây dựng trường học hạnh phúc, cụm trường THPT quận Đống Đa tổ chức thực hiện Hội thảo chuyên đề “Văn hóa học đường ở trường học hạnh phúc”.
TS Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục) chia sẻ tại hội thảo. |
“Thông qua hội thảo, giúp cho các nhà quản lý, cán bộ, giáo viên, nhân viên của các trường hiểu rõ hơn về văn hóa học đường, trường học hạnh phúc cũng như kinh nghiệm, phương pháp áp dụng vào thực tiễn” - cô Lưu Thị Lập bày tỏ.
Bắt nguồn từ những giờ học truyền cảm hứng
Trên vai trò là giáo viên chủ nhiệm, cô Nguyễn Thị Hồng Hạnh – giáo viên Trường THPT Hoàng Cầu luôn tâm niệm, mỗi lớp học là một gia đình và giáo viên chủ nhiệm là người mẹ của gia đình đó. Mục tiêu của cô Hạnh là xây dựng cho học trò lớp học hạnh phúc, một môi trường học đường văn hóa, góp phần phát triển nhân cách tốt đẹp cho các em.
Cô Nguyễn Thị Hồng Hạnh trao đổi tại hội thảo. |
Dùng nhân cách tác động đến nhân cách là một trong những phương pháp giáo dục mà cô Hồng Hạnh áp dụng. “Tôi luôn ý thức rèn luyện bản thân phải thực sự mẫu mực, là tấm gương sáng toàn vẹn từ nhận thức đến hành động, từ lời nói cử chỉ điệu bộ đến thái độ ứng xử hằng ngày. Để hướng tới xây dựng văn hóa học đường cho học sinh, tôi cũng không ngừng bồi dưỡng chuyên môn, kiến thức, kỹ năng để công tác giáo dục có hiệu quả” – cô Hồng Hạnh chia sẻ.
Trong vai trò là một giáo viên Ngữ văn, cô Hồng Hạnh luôn chú trọng yêu cầu cần đạt kiến thức truyền tải đến học sinh, đồng thời hướng đến việc giáo dục văn hóa –giáo dục nhân cách, thông qua những giá trị nhân văn tác phẩm mang đến.
Các đại biểu và đông đảo cán bộ quản lý, giáo viên của 6 trường THPT trong cụm Đống Đa tham dự. |
Tham luận tại Hội thảo, cô Trần Thị Dung - giáo viên Trường THPT Quang Trung cho rằng, văn hóa học đường bắt nguồn từ những giờ học truyền cảm hứng. Khi học sinh được tham gia các giờ học truyền cảm hứng, các em sẽ phát triển bản thân một cách tự nhiên, đầy đủ các mặt tri thức, kĩ năng, cảm xúc.
Một học sinh được thỏa mãn về mặt tri thức, được cảm nhận sự tôn trọng và thân thiện từ giáo viên chắc chắn sẽ tự tin, cư xử đúng mực và không ngừng phấn đấu từ đó nâng cao các năng lực của bản thân.
Cô Trần Thị Dung - giáo viên Trường THPT Quang Trung tham luận tại hội thảo. |
“Một ngôi trường có nhiều giờ học truyền cảm hứng chắc chắn sẽ gặp những nụ cười thật tươi của học sinh và chất lượng giáo dục không ngừng được nâng cao, văn hóa học đường được cải thiện” - cô Trần Thị Dung nhấn mạnh.
Nụ cười hạnh phúc trên những trường học hạnh phúc. |
Theo cô Lưu Thị Lập, giáo dục và đào tạo là con đường để tạo dựng các giá trị văn hóa, bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa, sáng tạo văn hóa; từ đó điều chỉnh, phát triển văn hóa. Nhắc lại lời của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn về xây dựng văn hóa học đường, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Cầu chia sẻ: Những gì đang diễn ra trong trường học đạt tới chuẩn và thể hiện được giá trị thì đó là văn hóa học đường. Xây dựng văn hóa học đường gắn liền với việc thực thi các quy tắc ứng xử trong trường học, các chuẩn giá trị của trường học. Lấy việc thực hiện kỷ cương trường học làm nền tảng, coi trọng phương diện tu dưỡng cá nhân của học sinh và lấy đó là gốc cho việc phát triển văn hóa.