Kiến tạo học đường văn hóa từ chuẩn mực người thầy

GD&TĐ - Trên hành trình nghề nghiệp, áp lực đến với nhà giáo từ nhiều khía cạnh là khó tránh. 

TS Vũ Việt Anh, chuyên ngành Tâm lý giáo dục, Giám đốc Học viện Thành Công, chia sẻ cùng học sinh Trường Tiểu học Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội).
TS Vũ Việt Anh, chuyên ngành Tâm lý giáo dục, Giám đốc Học viện Thành Công, chia sẻ cùng học sinh Trường Tiểu học Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội).

Điều này khiến một số thầy, cô mất kiểm soát, thiếu bình tĩnh trong ứng xử với học trò. Dù lý giải bằng nhiều cách nhưng trên hết vẫn đòi hỏi ở người thầy sự chuẩn mực cả chuyên môn lẫn kĩ năng sư phạm, văn hóa ứng xử.

TS Tâm lý giáo dục Vũ Việt Anh - Giám đốc Học viện Thành Công trao đổi với Báo GD&TĐ xung quanh vấn đề hỗ trợ nhà giáo vượt qua áp lực để kiến tạo học đường an toàn, văn hóa.

Loại bỏ áp lực nghề nghiệp

- Thưa TS, thời gian qua xảy ra một số vụ việc liên quan đến ứng xử chưa chuẩn mực của giáo viên với học sinh trong trường học (cắt tóc, đánh, mắng, sỉ nhục…). Dưới góc nhìn chuyên gia tâm lý giáo dục, ông nghĩ gì về vấn đề này?

- Việc giáo viên có những hành động thiếu kiềm chế, không bình tĩnh, dùng vũ lực, lời nói mạt sát… đối với học sinh là không thể chấp nhận trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Điều này không chỉ gây tổn thương tâm lý, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của các em trong tương lai. Tuy nhiên, cần nhìn nhận đây là hành động thiếu kiểm soát nhất thời của một số thầy, cô trong tình huống nhất định. Về cơ bản, đội ngũ quản lý, giáo viên đã thể hiện được phẩm chất cao quý, kỹ năng sư phạm, văn hóa ứng xử chuẩn mực trong học đường.

Để loại bỏ hiện tượng nói trên và nâng cao văn hóa ứng xử của nhà giáo, tôi cho rằng cần đẩy mạnh rèn luyện, nâng cao ý thức trách nhiệm, tác phong chuyên nghiệp trong môi trường sư phạm. Giúp giáo viên nhận thức rõ vai trò trong việc giáo dục, bảo vệ sự phát triển của học sinh. Khi thầy cô cảm thông, tôn trọng sẽ tạo ra môi trường học tập an toàn, tích cực và giải quyết các vấn đề bằng hợp tác, trao đổi.

Cùng đó, giáo viên cần trau dồi kỹ năng, kiến thức về tâm lý học giáo dục, khả năng quản lý lớp học, xử lý tình huống khó, giải quyết mâu thuẫn trên lớp hợp lý, chuyên nghiệp. Đặc biệt, giáo viên phải hiểu rõ tâm lý, sự phát triển, cảm xúc của học sinh… để áp dụng phương pháp giáo dục phù hợp, giúp các em phát triển tối đa tiềm năng.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

- Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn tới sự lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử của một bộ phận giáo viên?

- Tôi cho rằng, trong quá trình đào tạo, các trường sư phạm dường như vẫn tập trung vào chuyên môn nhiều hơn kỹ năng, văn hóa ứng xử. Điều này khiến giáo sinh mới ra trường thiếu kinh nghiệm, non kỹ năng để giải quyết các tình huống sư phạm phức tạp, bất ngờ. Với một số giáo viên có thâm niên công tác nhưng không chịu bồi dưỡng, cập nhật, ngại thay đổi… cũng dễ gặp thách thức trong ứng xử sư phạm.

Mặt khác, khủng hoảng sau đại dịch Covid-19, nhiều giáo viên đang phải đối mặt với áp lực kết quả giảng dạy trước yêu cầu của nhà trường, phụ huynh và các chính sách giáo dục. Những áp lực để lâu có thể dẫn tới tình trạng căng thẳng, stress, thiếu kiên nhẫn trong giảng dạy, dễ nổi nóng, ứng xử thiếu chuẩn mực trong các tình huống xung đột.

Bên cạnh đó, một số giáo viên khả năng sư phạm hạn chế, thiếu kiến thức tâm lý học giáo dục cũng như kỹ năng quản lý lớp học, giải quyết các tình huống phức tạp trường học; thậm chí không trừ trường hợp thầy cô thiếu tôn trọng, cảm thông với học sinh, không biết cách tạo ra môi trường học tập an toàn, tích cực…

Cần thấu hiểu và hợp tác

- Có ý kiến cho rằng, ngành Giáo dục, giáo viên… đang chịu nhiều ức ép từ xã hội, phụ huynh trong việc xử lý, kỷ luật học sinh. Do đó, khi thầy cô gặp những học sinh có thái độ thách thức, vô lễ, không cố gắng để tiến bộ… đành “nép mình” cho yên thân. Ông có cho đây là giải pháp thiếu tích cực?

- Áp lực kỷ luật học sinh là thách thức lớn đối với giáo viên hiện nay. Tuy nhiên, việc im lặng, chịu đựng không phải là cách giải quyết vấn đề tốt nhất. Thay vào đó, giáo viên nên giải quyết tình huống bằng cách áp dụng các kỹ năng giáo dục tích cực, thiết lập quy trình kỷ luật rõ ràng và công bằng.

Bên cạnh đó, nhà trường cần triển khai tập huấn kỹ năng xử lý, ứng phó các tình huống sư phạm khó để hỗ trợ giáo viên; Cùng giáo viên gỡ rối những tình huống sư phạm khó, bất ngờ. Đặc biệt, phụ huynh, giáo viên cần phối hợp hỗ trợ trong quản lý việc học tập, sinh hoạt của học trò; Không nên để giáo viên một mình xoay xở, lúng túng hoặc phải chấp nhận, cam chịu vì không có hướng xử lý.

TS Vũ Việt Anh, chuyên ngành Tâm lý giáo dục, Giám đốc Học viện Thành Công.

TS Vũ Việt Anh, chuyên ngành Tâm lý giáo dục, Giám đốc Học viện Thành Công.

- Theo ông, tăng cường kỹ năng sư phạm chuẩn mực, văn hóa cho người thầy quan trọng ra sao trong bối cảnh hiện nay?

- Thầy cô không chỉ là người truyền tải kiến thức, mà còn định hình nhân cách học trò, giúp các em có nhận thức xã hội đúng đắn, động lực vươn lên mạnh mẽ trong học tập và cuộc sống. Để đảm bảo hiệu quả giáo dục thời đại công nghệ thông tin phát triển, cạnh tranh với trí tuệ nhân tạo (AI), hơn ai hết thầy cô cần nâng cấp bản thân, trang bị những kỹ năng phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và kỳ vọng của học sinh, phụ huynh.

Các kỹ năng cụ thể như: Giảng dạy sáng tạo; tổ chức hoạt động giáo dục độc đáo, hấp dẫn, phù hợp đối tượng học sinh; giúp học sinh hiểu và tiếp thu kiến thức hiệu quả; tương tác giữa giáo viên với học sinh, phụ huynh; giao tiếp, lắng nghe; sử dụng công nghệ thông tin để đa dạng hình thức truyền tải kiến thức, tạo ra sự tương tác trong thời gian cô trò làm việc trực tiếp...

- Ông có đề xuất gì nhằm hạn chế các sự việc ứng xử chưa chuẩn mực của giáo viên; kiến tạo học đường văn hóa để giáo dục toàn diện học trò?

- Trước thực tế đã trao đổi, tôi đưa ra năm đề xuất để xây dựng môi trường học đường hướng tới giáo dục toàn diện:

Trước hết, cần đào tạo, nâng cao năng lực sư phạm cho giáo viên, như vậy sẽ giúp họ hiểu rõ hơn tầm quan trọng của ứng xử văn hóa, cách tiếp cận các tình huống khó trong quản lý lớp học, hướng dẫn học sinh.

Xây dựng những quy định khen thưởng, kỷ luật rõ ràng, công bằng. Giúp giáo viên, học sinh nắm chắc điều đó để hạn chế tối đa các trường hợp sai phạm.

Kiến tạo học đường văn hóa, giáo viên và học sinh hiểu rõ tầm quan trọng của ứng xử văn hóa; phát triển kỹ năng xã hội đồng thời tạo điều kiện để thầy trò cùng hòa nhập, phát triển.

Cuối cùng, cần tăng cường giám sát, đánh giá từ phụ huynh, tổ chức xã hội, ngành Giáo dục… từ đó giúp các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý kịp thời biểu hiện và sai phạm của giáo viên. Thúc đẩy sự tương tác giữa giáo viên với học sinh để hiểu biết và cùng nhau tìm giải pháp hạn chế những ứng xử chưa chuẩn mực. Dành nhiều thời gian, tiết học cho hoạt động giao lưu, chia sẻ, để giữa trò với trò, trò với thầy, thầy với gia đình thấu hiểu và hợp tác hiệu quả.

- Xin cảm ơn TS Vũ Việt Anh!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.